Một người Cố đô
Quê tôi miền biển, nhà kinh doanh mặt hàng hải sản. Những ngày giáp Tết khách hàng khá đông. Hai vợ chồng tôi, hai vợ chồng thằng con cả cứ gọi là 'bở hơi tai', có hôm 9, 10 giờ đêm mới ăn bữa tối.
Đúng những ngày bận rộn ấy, tôi nhận được điện của Ninh từ Phú Thọ: “Tấn bị tai nạn, tôi đang trên xe về Hoa Lư”. Tôi chưa kịp hỏi tai nạn của Tấn như thế nào, nặng hay nhẹ thì Ninh đã cúp máy. Nhiều lúc điên với ông này, gọi Zalo có mất tiền đâu mà tiết kiệm thông tin triệt để. Tôi điện cho Tấn, chỉ nghe những tiếng “Bíp...bíp”.
Tôi thông tin cho vợ rồi bảo: “Em quán xuyến cửa hàng nhá”. Vợ tôi sốt sắng: “Anh yên tâm, cứ đi đi”. Xong cô ấy lại sốt sắng đóng gói nào là cá, tôm, mực…, mỗi loại một bịch to tướng, cuối cùng một can 10 lít nước mắm loại hảo hạng, được cái nhà tôi kinh doanh những loại đó nên sẵn. Vợ tôi nói: “Anh chịu khó mang đi làm quà cho bác Tấn và cả bác Ninh nữa.” Con trai tôi bảo: “Con lấy xe nhà đưa bố ra Ninh Bình.”
Tôi nói: “Nhà mình đang đông khách, vả lại đận này chắc bố ở lại nhà chú Tấn mấy ngày, để bố đi xe khách”. Tôi về đến Hoa Lư trời vừa chớm chiều. Tôi đón taxi về nhà Tấn. Đang bon bon trên con đường bồ đề vào mùa cựa mình bật búp, xe tôi dừng lại để tránh một đàn dê băng qua đường. Con dê đầu đàn có cặp sừng nhọn hoắt, dưới cằm một chòm râu dài đung đưa theo nhịp chân bước, trên cổ được đeo một cái vòng bạc phía dưới vòng có cái chuông. Cả đàn dê dễ chừng hơn trăm con thoăn thoắt chạy theo tiếng chuông của con dê đầu đàn.
Tôi phấn khích, bảo anh tài xế đỗ xe, chạy xuống đưa điện thoại lên chụp hình. Tiếng dê kêu “be be” vọng vào vách núi nghe cũng rộn ràng vui vẻ. Chụp ảnh đàn dê xong, tôi ngước lên những quả núi đồ sộ. Năm nay ít rét, chưa mưa phùn nên trời vẫn còn nắng. Nắng chiều nơi đây sóng sánh vàng như mật ong quệt lên những sườn núi xanh sẫm, phủ vào cửa các hang động trên cao, tạo thành gam màu vừa rực rỡ, vừa huyền bí.
Thực tình tôi bị hút hồn bởi sắc màu nhuộm lên những kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ. Tôi ngây người ra một lúc khá lâu, anh tài xế phải gọi: “Bác ơi, đi nào.” Nhà Tấn cuối làng, gần sát núi, cách đấy không xa là nghĩa trang của xã. Thửa đất này Tấn mua lại của một người trước đây mở trang trại làm ăn cũng phát đạt, song vì sức khỏe không kham nổi công việc chẳng nhàn nhã nên sang tên cho Tấn.
Khi hay tin Tấn mua thửa đất ấy, tôi và Ninh phản đối vì cho rằng khu ấy gần bãi tha ma, chả nhẽ lại ở với ma. Tấn lý sự “Ma thì sao? Người chết thành ma. Vậy Ma cũng là người” Rồi trầm ngâm: “Hồi đánh giặc ở biên giới bọn mình chẳng đã ở chung với đồng đội đã hy sinh đó sao”. Tính Tấn đã quyết là làm, chẳng ai gàn được. Hơn nữa ở với Tấn mấy năm, nhất là thời gian huấn luyện ở làng Sầm, chúng tôi biết, Tấn ít khi tính toán sai một điều gì.
Quả thật Tấn quyết đoán mua lại trang trại ấy là nước cờ sáng suốt. Vừa mua được giá hời, lại kế thừa kinh nghiệm làm trang trại của chủ cũ ... Tất nhiên, Tấn và vợ con phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” lao động cật lực, cùng sự tính toán chính xác, nhanh nhạy mới thành công. Thế mạnh của quê hương là làm du lịch, một trong những thế mạnh của du lịch là ẩm thực, một trong những thế mạnh ẩm thực của quê Tấn chính là thịt dê.
Chủ trang trại trước chủ yếu nuôi lợn, gà... Tấn mạnh dạn thay đổi, lấy con dê làm chủ đạo. Tấn nghiên cứu thị trường, nắm bắt được nhu cầu và ý thích ẩm thực của du khách. Đàn dê nhà Tấn ngày một phát triển, ấy vậy mà nhiều khi cung không đủ cầu. Kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn dần ổn định, sau đó phát triển, giờ Tấn có quyền tự hào là một trong những cựu chiến binh làm ăn giỏi của huyện.
Những năm cuối bảy mươi ở thế kỷ trước, ba chàng trai trẻ, Tấn người Hoa Lư, Ninh dân Phú Thọ và tôi là Cường quê Nghệ An, ba đứa đang học năm thứ nhất Trường Cao đẳng Tài chính kế toán Nam Giang thì nhận lệnh lên đường nhập ngũ, được phiên chế về cùng một tiểu đội, huấn luyện tân binh ở làng Sầm, sau đó hành quân vào biên giới Tây Nam.
Chúng tôi thân nhau từ những ngày ở làng Sầm, khi đến biên giới tình thân được nâng lên, chúng tôi coi nhau như anh em ruột từ lúc nào không hay. Chiến trường không chỉ có ở làn ranh giới giữa sự sống và cái chết, còn muôn nỗi vất vả, gian khổ, thiếu thốn đủ thứ. Điếu thuốc chia ba, chia nhau từng giọt nước còn sót lại trong bi-đông, phong lương khô mỗi người một miếng… Nhưng không sao, tuổi trẻ nhiệt huyết và chấp nhận mọi gian khổ, chấp nhận cả sự hy sinh đến bất cứ lúc nào, để cùng nhau nắm chặt tay súng, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Tuy Tấn ít hơn tôi và Ninh vài tháng tuổi song nhiều khi tôi và Ninh luôn gọi vui hắn là “ông anh út”, vì những ngày ở Sầm chúng tôi luôn lắc đầu lè lưỡi thán phục toàn tập các tài vặt của hắn. Đánh cờ tướng dường như không đối thủ, chơi bóng bàn chẳng chịu thua ai... và còn nhiều những cái khá đặc biệt về anh chàng quê Cố đô.
Hồi ấy không có doanh trại, bộ đội ở nhà dân. Ba đứa chúng tôi ở nhà bác Phùng. Nhà có năm khẩu, hai bác Phùng chịu khó, họ quần quật với ruộng vườn và mấy con lợn, một đàn gà, ngan, ngỗng. Nhà bác rất quý bộ đội, thi thoảng chúng tôi được bác chiêu đãi những củ sắn, củ khoai hoặc những bắp ngô luộc vừa vớt ở nồi ra khói nghi ngút, nóng hôi hổi. Chúng tôi cũng quý mến bác Phùng, khi nào có tiêu chuẩn thuốc lá chúng tôi cũng đề phần cho bác.
Nói về thuốc lá, có lẽ do nhớ nhà đôi khi tâm trạng chênh chao, lúc ấy chỉ muốn khuây khỏa qua làn khói thuốc, thành thử hầu như ai cũng hút thuốc lá dẫu không nghiện, tuy nhiên nếu không có thì thèm. Một hôm Tấn bảo: “Mấy hôm rồi không có tí khói, nhạt mồm quá!” rồi thì thào: “Chiều nay phải kiếm được ít điếu của mấy anh bạn nhà giàu Hà Nội.” Tôi hỏi: “Bằng cách nào?” Tấn lấy trong ba lô cóc ra một bộ bài tú lơ khơ đã cũ. Ninh lắc đầu: “Này đừng có cờ bạc ăn tiền”. Tấn xì môi: “Đây chả dại, cờ bạc vi phạm quân lệnh ra tòa án binh như chơi.” Tôi và Ninh hồi hộp chẳng biết Tấn kiếm thuốc lá bằng bộ bài ấy như nào, thôi đành chờ đến chiều xem sao. Bữa cơm chiều xong, tân binh tản ra dưới những gốc cây, chỗ năm, chỗ sáu người, vừa trò chuyện vừa phì phèo hút thuốc. Tôi và Ninh nhìn khói thuốc thèm lắm, liền đưa mắt cho Tấn. Tấn tủm tỉm, đi đến một nhóm tụ tập, hắn xòe bộ bài: “Các cậu có muốn xem ảo thuật không?” Tất cả reo lên thích thú: “ Muốn lắm, diễn đi!”. Tấn lại cười, bảo: “Thế này nhé, mỗi tiết mục các cậu thích thì cho tớ một điếu thuốc nhá”. Một anh chàng nào đó nói: “Tưởng gì, nếu tớ thán phục cho chục điếu luôn”. Tấn liếc anh chàng kia một cái, đoạn trộn trộn bộ bài, giơ ra trước mặt anh đó bảo: “Bây giờ tớ quay mặt đi, cậu rút một quân bài cho mọi người xem, rồi đưa lại cho tớ.” Anh kia làm theo, Tấn đút quân bài vào bộ bài đưa lại cho anh đó bảo trộn lại. Tấn xòe bộ bài ra trước mặt mọi người, trong nháy mắt anh nhặt ra đúng quân bài anh chàng kia vừa rút ra. Mọi người vừa thích thú vừa trầm trồ thán phục.
Tấn còn làm thêm vài ba tiết mục nữa, không chỉ cánh kia, tôi và Ninh cũng phục hắn sát đất. Cầm 10 điếu thuốc, Tấn nháy nháy mắt với bọn tôi chừng như muốn bảo hôm nay tha hồ phì phèo. Cũng liên quan đến thuốc lá nhưng một lần không phải là thuốc lá để hút mà là thuốc lá cứu bệnh.
Đêm hôm đó thằng con út nhà bác Phùng lên cơn sốt. Có lẽ do cả ngày cậu út đi bêu nắng sau đó xuống ao bơi lội, bây giờ bị cảm. Cu cậu nằm trên giường co người như con tôm. Thi thoảng lên cơn người cậu giần giật. Lúc đầu cậu còn nằm im, sau rồi cậu bắt đầu rên “hừ hừ”. Bác Phùng gái đến bên xòe tay áp trán cậu út, hốt hoảng kêu: “Ông Phùng ơi, con nóng quá!”. Bác Phùng trai trong buồng chạy ra, cũng xòe tay áp vào trán con. Bên ngoài trời tối đen. Đường đến trạm xá xã đâu có gần. Trong lòng bác Phùng như lửa đốt. Nghe ồn ào, chúng tôi dậy đến bên giường cậu út xem tình hình thế nào. Trong lúc tôi và Ninh chỉ trố mắt nhìn, Tấn đã nhảy phốc lên giường. Hắn banh mắt thằng út lên xem, sờ trán, sờ bụng thằng út, sau đó bảo: “Hai bác cứ bình tĩnh”, quay sang tôi và Ninh nói: “Cậu Ninh cầm đèn, cậu Cường cầm rổ theo tôi ra vườn”. Tấn bảo bác Phùng gái: “Bác xuống bếp nấu cho cháu nồi cháo nhớ đập vào mấy lát gừng”. Tấn dẫn chúng tôi ra vườn, hắn len lỏi vào bờ bụi, vạch cây này, vạch cây kia. Tay hắn bứt nắm lá này, lại bứt nắm lá khác. Nhiều lúc hắn nhăn mày nhăn mặt, suy nghĩ vẻ nghiêm trọng. Khi cái rổ trên tay tôi đã đầy lá, Tấn bảo chúng tôi vào nhà, sai Ninh rửa lá, sai tôi lấy chày cối. Hắn giã lá cho thật nhuyễn, đưa tay vớt bã ra, lấy môi múc nước trong cối. Được lưng bát con, Tấn bê bát thuốc đến bên cậu út, bảo bác Phùng: “Bác đỡ em ngồi dậy”. Bảo tôi “Cậu đỡ lấy cái đầu của út” bảo Ninh: “Cậu cậy miệng út ra và giữ chặt vào”. Mọi người làm đúng mệnh lệnh của Tấn, hắn từ từ nâng bát thuốc lên, nhẹ nhàng rót vào miệng thằng út. Chắc thứ lá đấy đắng lắm nên cậu út ngúc ngắc đầu chừng như không chịu uống, tôi và Ninh giữ chặt nên cuối cùng bát thuốc cũng được Tấn rót hết vào mồm thằng út. Cậu út uống thuốc xong nằm im thin thít, một lúc sau xoa xoa bụng: “Mẹ ơi con đói”. Bác Phùng gái xuống bếp múc cháo bưng lên. Cu cậu húp soàm soạp một lúc hết bay.
Sáng hôm sau thằng út nhà bác Phùng như chẳng có vấn đề gì xảy ra đêm qua, nó vui vẻ khỏe khoắn như thường vậy. Không chỉ tôi và Ninh mà cả hai bác Phùng phục Tấn lắm. Ai ngờ nó lại có cả tài thầy lang nữa chứ. Những hôm, sau lúc nào rảnh nó gọi bác Phùng và mấy người hàng xóm ra vườn, chỉ vào từng cái cây trong bụi nói, cây này chữa cảm sốt, lá này chữa sổ mũi nhức đầu, loại búp ổi non chữa được đau bụng đi ngoài... Bác Phùng gật đầu, bác cẩn thận mang giấy bút ghi chép tỉ mỉ.
Ở làng Sầm có một cái hồ lớn. Bao quanh hồ là những quả đồi mướt mát cỏ cây và một rừng thông. Nước trong hồ lúc nào cũng xanh trong và mùa hè mát rượi. Có nhiều buổi huấn luyện chúng tôi mang quân trang, quân dụng, đeo ba lô chạy xung quanh hồ. Một buổi trong lúc chạy quanh hồ chợt chúng tôi phát hiện ra có người đang chới với dưới mặt nước. Cánh tay người ấy cố đưa lên cao vẫy vẫy. Chúng tôi nghĩ đó là dân địa phương đang bơi lặn thấy bộ đội giơ tay vẫy chào. Tấn không nghĩ vậy, hình như linh tính mách bảo hắn điều gì, hắn nói to: “Tiểu đội trưởng ơi có người đuối nước... cho tôi xin phép...”.
Tấn nhanh chóng tháo bỏ quân trang, quân phục, lao xuống hồ. Tấn bơi nhanh thoăn thoắt, đến người sắp đuối, lặn xuống ra phía sau người đó. Tấn lấy hết sức bình sinh dùng hai tay đẩy thật mạnh. Đoạn Tấn ngoi lên, vẫn ở phía sau nhưng tay túm tóc người kia, vừa bơi vừa kéo. Đánh vật một lúc Tấn cũng kéo người ấy vào sát bờ.
Anh em bộ đội tiếp ứng, cùng nhau kéo người bị nạn lên. Trong lúc mọi người chưa biết xử lý tình huống tiếp theo như nào, Tấn lại nhanh nhẹn ghé mồm sát miệng người kia dùng hết sức dồn hơi thổi ngạt. Tấn chụm tay đè lên bụng ấn mạnh, nước phọt ra từ miệng, hơi thở người ấy từ từ trở lại. Người ấy được cứu sống trước sự ngỡ ngàng của cả đơn vị.
Mấy tháng huấn luyện tân binh ở Sầm là những ngày chúng tôi hết thán phục này đến thán phục khác với Tấn. Hắn cũng chỉ bằng tuổi chúng tôi sao kỹ năng sống và ứng xử chuyện đời nhanh, khéo, giỏi đến vậy. Có lần chúng tôi hỏi: “Sao cậu giỏi vậy”, Tấn nheo nheo mắt, nở một nụ cười rồi nói đùa: “Vì tớ là người Cố đô!”.
Vừa đến cửa nhà Tấn tôi đã nghe tiếng Ninh choang choác từ bên trong vọng ra: “Ông cứ khoe giỏi hơn dê leo núi thoăn thoắt vậy mà cũng...” Tôi bước vào đế theo: “Cũng kềnh kếnh cang chứ gì”. Tấn nhỏm dậy, hắn nhìn tôi cười hì hì: “Bị thường thôi...” Ninh càu nhàu: “Bó bột chặt chân mà bảo thường!” Tôi giả vờ giận dỗi: “Bị thường sao còn điện cho tôi. Nhà đang bao nhiêu việc!” Tấn cười ha hả: “Chẳng qua lấy cớ để gọi các ông về quê tôi chơi vài ngày. Mới lại sắp Tết rồi có ít quà Cố đô để các ông mang về!”.
Ba đứa chúng tôi, ba lính trẻ thời nào huấn luyện ở Sầm, vào biên giới Tây Nam chiến đấu, giờ đứa nào mái tóc cũng lơ phơ cả rồi. Thật may chiến trận ác liệt mà ba đứa vẫn lành lặn. May nữa giờ đây chúng tôi đều cơ ngơi đuề huề, con cái trưởng thành, kinh tế đứa nào cũng có của ăn của để…
Tôi và Ninh dìu Tấn ra sân. Tấn bảo : “ Bận bịu công việc, dịp gần Tết này, nhờ cái chân bó bột này chúng mình mới có dịp gặp nhau”. Rồi Tấn gọi: “Mình ơi ra chụp cho chúng tôi kiểu ảnh nào.” Chúng tôi ôm chặt lấy nhau. Trong vòng tay đồng đội, tôi chợt nhận thấy, mùa Xuân đang đến và mùa Xuân ở Cố đô thật huyền ảo, lung linh và thanh bình biết bao.