Khi con đến tuổi dậy thì...
12 tuổi, Tuệ An bắt đầu có những dấu hiệu của tuổi dậy thì. Em thay đổi cả về thể chất và tâm lý. Tuệ An thích làm điệu, thích có một không gian riêng tư... Tuệ An dễ nổi nóng, cáu kỉnh khiến bố mẹ nhiều khi cũng phải 'giật mình'...
Ngoài sự phát triển về thể chất thì tâm lý thất thường của trẻ nam và nữ ở tuổi dậy thì được biểu hiện khá rõ. Như trường hợp của Tuệ An ở phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) nói trên. Từ khi con bước vào tuổi dậy thì, chị Trúc Khuê, mẹ của Tuệ An luôn tỏ ra lo lắng và hay than phiền. Chị kể: “Lâu nay nhà chỉ có một cái gương, giờ con đòi mua thêm 1 cái đặt ở phòng riêng. Từ khi có gương, con học thì ít mà soi gương thì nhiều, soi xem màu son này có hợp không, cái kính này đeo có đẹp không, cái mặt hôm nay có mọc thêm mụn... Mà kính và son đều của mẹ, giấu mẹ để thử trang điểm cho bản thân. Mẹ phát hiện, nhắc nhở thì phụng phịu, dỗi hờn ngay, thậm chí bỏ cơm”.
Ở một câu chuyện khác, “đau đầu” hơn. Đại Bách, 13 tuổi ở thị trấn Hậu Hiền (Thiệu Hóa) là một cậu bé trước đây khá nghịch ngợm, nói nhiều. Nhưng từ khi bước vào tuổi dậy thì cách đây 1 năm, Đại Bách trở thành một người trầm tính hơn nhưng cũng rất dễ nổi nóng. Anh Đại Tùng là bố của Đại Bách đã từng chứng kiến một số lần con trai bỗng như “Trương Phi”. Anh kể: “Có lần đi học về, sau khi chào bố thì con đi thẳng vào trong phòng, đóng cửa lại. Đến giờ ăn cơm, gọi mãi không thấy con lên tiếng. Tôi đành đập mạnh vào cửa thì con nói vọng ra với giọng rất bực tức: Sao bố nói nhiều thế. Giờ con đang mệt, con chưa muốn ăn. Ừ, thôi vậy. Tôi vẫn vui vẻ đi ăn cơm một mình. Khi nào con bình tĩnh, tôi sẽ trò chuyện với con sau”.
Con trai tôi, năm nay 15 tuổi. Cách đây 1 năm, con bước vào tuổi dậy thì. Cũng từ đấy, con chú ý đến chăm sóc bản thân nhiều hơn. Con tự đặt mua quần áo online (mua qua trang web hay ứng dụng di động...) và “yêu cầu” mẹ trả tiền. Và mới hôm qua “bàn” với mẹ, rằng: "Con sẽ đi làm tóc hơi xoăn cho hợp với khuôn mặt. Nhưng mẹ yên tâm, vẫn là tóc đen chứ không phải tóc vàng". Rồi có hôm, vô tình tôi thấy trong lòng bàn tay con có vẽ một hình trái tim màu đỏ. Tôi đùa: “Ai gửi gắm gì nơi con à? Thích nhỉ!”. Con trai đỏ mặt, thẹn thùng và... im lặng.
Vẫn biết là trêu đùa con nhưng trong lòng tôi lúc đấy lại đang nghĩ cách sẽ trò chuyện cùng con về cái hình trái tim màu đỏ ấy... Sự thay đổi về tâm lý, trong đó có chuyện tình cảm, biết là khó nói nhưng cũng phải tìm ra cách ứng xử phù hợp với tuổi dậy thì của con...
Hãy kiên nhẫn và bao dung...
Tuổi dậy thì thường diễn ra trong khoảng từ 10 - 18 tuổi. Đây được xem là tuổi dễ “nổi loạn”, tuổi “dở dở ương ương”, là tuổi khó bảo nhất... Ở tuổi này, không chỉ thay đổi về thể chất mà tâm lý cũng hoàn toàn thay đổi. Ở đó, trẻ có sự thay đổi về nhận thức, trở nên độc lập hơn, thích khám phá bản thân, quan tâm đến ngoại hình... Vì cái tuổi lúc “nóng”, lúc “lạnh”, buồn, vui bất chợt nên đã khiến nhiều ông bố, bà mẹ bối rối, không biết xử lý những tình huống ra sao.
Thực tế, trước sự thay đổi về tính tình của con, nhiều người không kiềm chế được và đã có chửi bới hoặc dùng đòn roi... Những xúc phạm, vô tình dẫn con đến những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là hành động dại dột. Nhìn lại những vụ tự tử của học sinh mà nguyên nhân lớn nhất liên quan đến những cái chết này là do áp lực học tập, áp lực từ cha mẹ... Ở Trung Quốc, theo thống kê có 10 nghìn học sinh tự tử mỗi năm xuất phát từ xung đột với giáo viên, áp lực bài vở và bị cha mẹ chỉ trích. Và phần lớn số vụ tự tử lại rơi vào những trường hợp đang ở tuổi dậy thì. Ngay ở Việt Nam, số học sinh tự tử cũng chủ yếu nằm ở lứa tuổi này. Qua đó, cho thấy, cùng với sự thay đổi về tâm lý tuổi dậy thì, cùng với áp lực từ chính người thân...đã đẩy các em vào bế tắc, cùng quẫn.
Hãy kiên nhẫn và bao dung khi con đang ở tuổi dậy thì. Đó là nhắn gửi từ các chuyên gia tâm lý. Bởi một lứa tuổi dễ nhạy cảm, dễ tự ái, dễ tổn thương thì cần lắm một sự thông cảm, chia sẻ. Theo bác sĩ CKI Lê Thị Nguyên, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thì: "Trước hết cha mẹ phải là những người hiểu tâm lý con vì chính cha mẹ cũng đã đi qua cái tuổi này. Khi đã hiểu thì người lớn sẽ có sự bình tĩnh để trò chuyện cùng con, ngay khi con nóng tính hay có những hành động không đúng... Tâm lý tuổi dậy thì rất phức tạp. Vì vậy, mấu chốt ở đây là cha mẹ hãy kiên nhẫn và thấu hiểu để nắm bắt tâm lý, cùng con giải quyết vấn đề, sự việc một cách nhẹ nhàng hơn...Khi cha mẹ đồng hành cùng con cũng có nghĩa đã tạo niềm tin để con bớt đi cái “tôi” của chính mình..."