Một năm đáng nhớ của thương mại điện tử

Năm qua, thương mại điện tử phát triển bùng nổ, khi các sàn thương mại điện tử đua nhau lập kỷ lục doanh số, các phiên MegaLive 'gây bão' với những con số tiền tỷ…

 ăm 2024, thương mại điện tử tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ

ăm 2024, thương mại điện tử tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ

Thương mại điện tử, một xu hướng đã định hình lại hành vi tiêu dùng của người Việt, tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong năm 2024. Năm 2024, không chỉ là một năm chứng kiến sự ra đời của nhiều nền tảng thương mại điện tử mới, mà còn là năm ghi nhận những đột phá về công nghệ, từ thanh toán trực tuyến, giao hàng nhanh chóng đến trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa.

CUỘC ĐUA GIÀNH THỊ PHẦN THƯƠNG MẠI ĐIỆN CỦA CÁC “ÔNG LỚN”

Năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam đã chứng kiến một sự tăng trưởng đột phá với doanh thu tăng 25% so với năm trước. Sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada đã tạo nên những cơn sốt mua sắm trực tuyến, thu hút hàng triệu người tham gia. Không chỉ là nơi mua sắm, thương mại điện tử còn là một kênh quảng bá hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần thúc đẩy kinh tế số.

Theo báo cáo mới nhất được Metric (nền tảng số liệu thương mại điện tử ) vừa phát hành, trong 9 tháng năm nay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh thu đạt 227.700 tỷ đồng, (tương đương 9,5 tỷ USD), tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý 3, doanh thu đã đóng góp 84.700 tỷ đồng, thể hiện sự sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.

Thị trường Việt Nam hiện xoay quanh 5 sàn thương mại điện tử nổi bật nhất là Shopee , Lazada, TikTok Shop, Tiki, và Sendo. Năm ngoái, doanh thu của 5 sàn này đạt 232.100 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022; trong đó Shopee vẫn đứng đầu với hơn 70% thị phần, xếp thứ 2 là Lazada và tiếp đến là TikTok Shop.

Tuy nhiên, ngay sau quý 1 năm nay, thị trường chứng kiến sự phân chia lại thị phần giữa các sàn. Shopee - sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore tiếp tục dẫn đầu, nhưng vị trí thứ 2 đã chuyển từ Lazada (một ông lớn trong ngành, được sự hậu thuẫn từ gã khổng lồ Alibaba của Trung Quốc) sang TikTok Shop – một tân binh mới nổi.

Theo dữ liệu từ Metric, trong nửa đầu năm, Shopee đạt doanh thu khoảng 53.740 tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần; còn TikTok Shop đạt 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Ngược lại, Lazada chỉ đạt 6.030 tỷ đồng, chiếm 7,6% thị phần và Tiki vỏn vẹn 1,3% thị phần với 997,06 tỷ đồng.

Trong số các sàn thương mại điện tử, Shopee và Tiktok Shop là hai nền tảng ghi nhận mức tăng trưởng cả về số lượng bán lẫn doanh số từ Shop Mall. Tiktok Shop mặc dù sở hữu số lượng cửa hàng chính hãng ít hơn Shopee, nhưng lại có mức tăng trưởng doanh số cao gấp 3 lần.

NHỮNG PHIÊN MEGA LIVE SIÊU DOANH SỐ

Năm 2024, các phiên Mega Live đã trở thành hiện tượng và đóng góp không nhỏ vào thành công của thương mại điện tử. Với sự kết hợp giữa livestream bán hàng, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và sự tương tác trực tiếp giữa người bán và người mua, Mega Live đã tạo ra một cơn sốt mua sắm chưa từng có. Hàng triệu người tiêu dùng đã đổ xô tham gia các phiên đấu giá, săn sale, tạo nên những kỷ lục doanh số ấn tượng.

Đặc biệt là sự tham gia của các KOL, KOC (người có tầm ảnh hưởng) không ngừng sáng tạo những nội dung mới lạ, kết hợp với các ưu đãi hấp dẫn của nhãn hàng để thu hút người xem, tạo ra một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ. Cùng điểm qua một số phiên live của các “chiến thần livestream” đạt doanh thu cực khủng trong năm qua:

Phiên live ngày 4/4 của “chiến thần” Võ Hà Linh trên nền tảng TikTok Shop đã đạt kỷ lục hơn 300.000 lượt xem và gần 60.000 người đặt mua cùng lúc, một con số cực kỳ ấn tượng trên nền tảng này. Vào cuối tháng 6/2024, theo thông tin từ mạng xã hội, doanh số từ siêu livestream của Võ Hà Linh vào ngày 6/6 đạt 237 tỷ đồng – cao nhất Việt Nam. Con số này được xác nhận bởi đối tác nền tảng. Chỉ sau 1,5 giờ bắt đầu livestream, Hà Linh đã đạt được 90% mục tiêu doanh thu, với đỉnh điểm là 316.000 lượt xem.

 Võ Hà Linh là một trong các "chiến thần livestream" nổi bật năm 2024

Võ Hà Linh là một trong các "chiến thần livestream" nổi bật năm 2024

Hằng Du Mục cũng đang là một cái tên khá “hot”, theo thông tin được tiết lộ từ đối tác của nền tảng livestream, trong mega live ngày 6/6, Hằng Du Mục đã đạt doanh số 72 tỷ đồng, đứng thứ 3 trên toàn quốc, chỉ sau Võ Hà Linh và Quyền Leo Daily. Kết quả bán hàng trong các phiên livestream của Hằng Du Mục cũng minh chứng cho khả năng "chốt đơn" thần tốc.

Quyền Leo Daily là cái tên nổi bật ngay nửa đầu năm 2024 với những phiên live doanh thu hàng chục tỷ đồng. Chỉ hai tháng sau phiên livestream kéo dài hơn 13h trên TikTok, thu về hơn 75 tỷ đồng hồi tháng 3, cặp vợ chồng này tiếp tục tổ chức một phiên livestream đặc biệt mang tên "Mega Live 100 tỷ", kéo dài 17h (từ 10h ngày 5/5 đến 3h ngày 6/5). Lượng người xem luôn duy trì ở mức cao, từ 25.000 - 30.000 người, và có thời điểm lên tới gần 70.000 người. Doanh số của phiên livestream tăng vọt theo từng giờ, từ 10 tỷ, 20 tỷ đến 30 tỷ đồng. Đến 3h ngày 6/5, cặp đôi này công bố đạt được mục tiêu 100 tỷ đồng, chính thức phá vỡ kỷ lục 75 tỷ đồng từ phiên livestream trước đó.

SỰ XÂM NHẬP CỦA SÀN THƯƠNG MẠI XUYÊN BIÊN GIỚI

Với thị trường được đánh giá màu mỡ như Việt Nam, các sàn thương mại điện tử liên tục đốt tiền để chạy đua giành thị phần. Trong năm nay người tiêu dùng chứng kiến sự xuất hiện của một số gương mặt mới như Temu, Shein... Đặc biệt sự xâm nhập mạnh mẽ của Temu đã gây biến động thị trường rất lớn.

Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings. Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.

Chính sách bán hàng của Temu được định hướng đến những mặt hàng giá rất rẻ so với mặt bằng chung sản phẩm tương tự tại các quốc gia sở tại nên tăng tính cạnh tranh rất cao tại thị trường trong nước. Do vậy, tại thị trường Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã hình thành làn sóng tẩy chay Temu rất mạnh mẽ. Đáng chú ý, thời điểm hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam, Temu vẫn chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.

Trước việc sàn thương mại điện tử nước ngoài hoạt động không phép tại Việt Nam, lãnh đạo ngành thuế và ngành công thương đã có những động thái quyết liệt, ngăn chặn sự phát triển của hoạt động này. Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới khẩn trương đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo quy định pháp luật Việt Nam trong tháng 11/2024. Trong thời gian triển khai đăng ký, phải thông báo với người tiêu dùng là đang thực hiện thủ tục đăng ký.

Khi chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, Temu, Shein phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng. Bộ Công Thương cũng yêu cầu các sàn này khẩn trương nghiên cứu các pháp luật khác có liên quan đến thương mại điện tử như hải quan, thuế.

Trước sự nở rộ hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long khẳng định tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, ngành công thương sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ rà soát các quy định có liên quan, kiến nghị Chính phủ về các khuôn khổ quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang được sự quan tâm của dư luận.

Huyền Ly

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/mot-nam-dang-nho-cua-thuong-mai-dien-tu-post556940.html
Zalo