Một huyện của Hà Nội không vận động đóng góp, phụ huynh tự mua sắm quản lý
Các trường học trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) đều đồng nhất thực hiện chủ trương, chỉ đạo không vận động xã hội hóa đóng góp tiền từ phụ huynh.
Vừa qua, trên mạng xã hội đăng tải video về hoạt động của các nam phụ huynh trường Tiểu học Quang Minh A (Mê Linh, Hà Nội) cùng nhau sơn sửa, trang trí lại lớp học. Clip nhận được sự tán thành của nhiều người, bởi sự vui vẻ của phụ huynh với sự đồng thuận của nhà trường.
Liên quan đến clip trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Phạm Thị Thảo (phụ huynh lớp 4E, trường Tiểu học Quang Minh A) chia sẻ, vợ chồng chị có hai con, đứa lớn năm nay học lớp 11 (Trung học phổ thông Tự Lập, Mê Linh), đứa út học lớp 4 (trường Tiểu học Quang Minh A), trong 11 năm cho con đi học nhưng chị chưa bao giờ phải đóng tiền xã hội hóa mua sắm cơ sở vật chất ở trường, lớp.
Theo vị phụ huynh, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, mọi người thấy tường của lớp học bị bẩn nên có phụ huynh đề xuất tặng sơn, người đề xuất tặng đề can trang trí lại lớp học.
"Đề xuất trên được các phụ huynh chấp nhận, và một số phụ huynh nam đến trường để thực hiện việc trang trí lại lớp vào cuối tuần", chị Thảo nói.
Vị phụ huynh cho biết, khi đứa con út của chị vào học lớp 1 tại trường Tiểu học Quang Minh A, cơ sở vật chất của nhà trường như máy chiếu, điều hòa đều đã được trang bị sẵn, phụ huynh không phải đóng góp.
"Nhiều khi vào dịp 20/11, phụ huynh tặng bó hoa thì cô nhận nhưng phong bì thì các thầy cô cũng không nhận đâu", chị Thảo nói.
Vị phụ huynh nhớ lại cách đây 6 năm về trước, đứa con lớn khi đang học tại trường Tiểu học Quang Minh A, nếu lớp có nhu cầu mua sắm như rèm cửa... thì hội phụ huynh cũng sẽ tự mua sắm và khi các con ra trường, hội phụ huynh sẽ tự bán thanh lý.
"Đến lúc con vào học tại trường Trung học cơ sở Quang Minh, phụ huynh xin phép nhà trường để lắp thêm quạt cho lớp và được sự đồng ý của nhà trường. Sau khi kết thúc khóa học, phụ huynh cũng sẽ tự thanh lý đồ dùng đã mua", chị Thảo chia sẻ.
Theo chị Thảo, các cấp học ở đây không vận động đóng góp mua sắm cơ sở vật chất cho nhà trường.
Chia sẻ về kinh tế xã hội của địa phương, chị Thảo cho biết, địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp nên người dân phần đông là đi làm tại các công ty, doanh nghiệp, đời sống kinh tế của người dân cũng hạn hẹp. Vì vậy, việc không vận động đóng góp xã hội hóa theo đã giúp phụ huynh giảm bớt gánh nặng về kinh tế và được mọi người rất ủng hộ, đồng tình.
Phụ huynh không phải đóng các khoản vận động cũng giúp gắn kết giữa đại diện hội phụ huynh trường, lớp với các phụ huynh trong lớp, cũng như sự gắn kết giữa phụ huynh với nhà trường.
"Tùng có trường hợp đặc biệt về một bạn học sinh trong lớp giận dỗi bố mẹ nên bỏ nhà đi, khi đó các phụ huynh trong lớp đã chia nhau đi tìm học sinh này và đã tìm thấy cháu", chị Thảo chia sẻ.
Chia sẻ về việc không thực hiện vận động xã hội hóa, thầy Nguyễn Văn Lương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Minh A chia sẻ, năm nay là năm thứ 8 ông về công tác tại nhà trường, trong quãng thời gian đó nhà trường chưa từng có chủ trương đóng góp xã hội hóa đối với phụ huynh.
Đầu năm học, nhà trường chỉ vận động phụ huynh đến trường lau chùi bàn ghế, dọn dẹp quét mạng nhện sạch sẽ. Điều này nhằm tạo môi trường học tập sạch sẽ, thơm tho, để cô và trò đều yêu trường, yêu lớp.
"Chúng tôi chỉ vận động nhân lực phụ huynh chung tay cùng nhà trường, còn việc vận động xã hội hóa đóng góp tiền là không có", thầy Lương khẳng định.
Chủ trương không thực hiện xã hội hóa đóng góp tiền đều thể hiện trong biên bản họp cha mẹ học sinh. Việc mua sắm trang thiết bị, nhà trường đều sử dụng ngân sách chi thường xuyên để thực hiện. Khi tài sản bị hư hỏng như máy chiếu, điều hòa, hay như tiền điện... nhà trường đều tự chi", thầy Lương chia sẻ.
Theo lãnh đạo trường Tiểu học Quang Minh A, đơn vị được cấp ngân sách dựa trên số lượng học sinh. Ví như năm học 2022-2023, nhà trường được chi ngân sách là hơn 1 tỷ đồng.
Hằng năm, Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh cùng với Phòng Giáo dục đều có các văn bản chỉ đạo đối với các nhà trường trước khi vào năm học mới.
"Nếu thiếu ngân sách chi cho hoạt động của nhà trường, chúng tôi sẽ báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện cấp. Nếu không có, chúng tôi có đến đâu dùng đến đó", thầy Lương nói.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc vào đầu năm học, tình trạng lạm thu tại các trường là rất nhiều, tại sao nhà trường lại "đi ngược" với điều đó?
Trả lời câu hỏi trên, thầy Nguyễn Văn Lương chia sẻ, mỗi lãnh đạo nhà trường có nhận thức và quan điểm khác nhau, riêng đối với quan điểm của thầy Lương, thầy khẳng định: "Quan điểm của tôi là càng thu ít tiền của nhân dân càng tốt, tôi còn mong nhà nước có điều kiện thì miễn các khoản phí cho học sinh càng tốt, càng quý. Chúng tôi không mượn danh nghĩa Hội cha mẹ học sinh để thực hiện thu các khoản thu xã hội hóa".
Chia sẻ thêm về việc thực hiện không vận động xã hội hóa đóng góp tiền tại các trường học ở địa phương, thầy Nguyễn Văn Hậu -Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Mê Linh cho biết, việc các trường trên địa bàn không vận động xã hội hóa theo hình thức đóng góp tiền thực hiện nghiêm theo quy định của nhà nước, thành phố và huyện.
"Phòng Giáo dục cũng đã quán triệt các trường nghiêm túc thực hiện quy định trên. Cơ bản các trường tại huyện Mê Linh đều thực hiện nghiêm túc", thầy Hậu chia sẻ.
Về hoạt động của Ban phụ huynh, thầy Hậu cho hay, Ban phụ huynh thực hiện theo điều lệ của Hội cha mẹ học sinh.
"Chúng tôi quán triệt Hội cha mẹ học sinh thực hiện theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện của cha mẹ học sinh cũng như điều kiện nhà trường. Bởi vậy, cũng không có sự bức xúc trong việc đóng góp quỹ Hội cha mẹ học sinh", thầy Hậu chia sẻ.
Ngoài hội nghị giao ban, Phòng Giáo dục còn được sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện yêu cầu các trường thực hiện nghiêm. Các trường nào để xảy ra vi phạm, Hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm.
"Đơn vị chưa phải xử lý đơn vị nào lạm thu trong nhà trường", thầy Hậu cho hay.