Một đời theo dấu chân Người

Không quá lời khi nói rằng, 'sứ mệnh' cầm bút của GS-TS Trình Quang Phú là viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập truyện ký Theo dấu chân Người (NXB Hội Nhà văn) tiếp tục mạch đề tài này sau 5 cuốn sách viết về Bác mà ông đã xuất bản trước đó.

Từ lời hứa với chú Tô và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhắc đến nhà văn Trình Quang Phú không thể không nhắc đến chặng đường miệt mài với những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Miền Nam trong trái tim Người, Người là niềm tin, Đường Bác Hồ đi cứu nước, Theo Bác Hồ đi kháng chiến, Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng và Theo dấu chân Người. Trong đó, tác phẩm Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng trong 26 năm xuất bản đã tái bản 22 lần, Đường Bác Hồ đi cứu nước và Theo Bác đi kháng chiến đã tái bản 17 lần.

 Nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ trong buổi ra mắt tác phẩm Theo dấu chân Người

Nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ trong buổi ra mắt tác phẩm Theo dấu chân Người

GS-TS Trình Quang Phú kể, sau khi tác phẩm Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng in lần đầu ở NXB Văn học năm 1996, ông mang sách đến tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà ông vẫn thường gọi một cách thân thương là chú Tô. Trong cuộc gặp thân mật đó, ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng căn dặn: “Cháu nên dành thì giờ nghiên cứu về 30 năm Bác ở nước ngoài. Ba mươi năm tính từ ngày Bác rời Sài Gòn cho đến ngày Bác về nước là một kho tàng rất hấp dẫn đó cháu”. Cũng như vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần nói chuyện, cũng nhắc ông nghiên cứu viết về thời gian Bác ở nước ngoài. “Tác phẩm Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng đã viết về Bác từ giai đoạn tuổi thơ cho đến ngày 5-5-1911, khi Bác rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Đại tướng rất mong chờ tôi viết tiếp về quãng thời gian Bác ở nước ngoài”, nhà văn Trình Quang Phú nhớ lại.

Sau một thời gian dài không ngừng tìm tòi những tư liệu quý giá, đi, sưu tập, ghi chép, đối chiếu rồi miệt mài trên trang viết, ở tuổi 84, nhà văn Trình Quang Phú ra mắt truyện ký Theo dấu chân Người, như một cách thực hiện lời hứa với chú Tô và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm nào.

Khắc họa chân dung người thanh niên Nguyễn Tất Thành

Theo dấu chân Người với gần 600 trang cùng rất nhiều hình ảnh tư liệu quý giá, đưa bạn đọc hòa vào hành trình 30 năm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành kể từ khi bước chân lên tàu Amiral Latouche Tréville rời bến sông Sài Gòn. Trên hành trình ấy, bức chân dung chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng được hiện lên vừa gần gũi, vừa cho thấy sự kiệt xuất, vĩ đại của một thanh niên trẻ sớm nuôi chí lớn.

Để thực hiện tác phẩm, GS-TS Trình Quang Phú đã đến Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô (nay là Nga), Quảng Châu, Hồng Công (Trung Quốc)… Có những nơi như Pháp, Nga, ông phải đi đến hàng chục lần. Thậm chí, ông đã đến cả vùng Viễn Đông Liên Xô, đến Khabarovsk và cảng Vladivostok, đến ga tàu lửa và khách sạn Versailles ở Vladivostok. Đặc biệt, có những thời điểm ở Nga rất lạnh nhưng ông vẫn đi, bởi đơn giản đây là thời gian Bác Hồ đã sống và làm việc. Nhờ đó, tác phẩm chạm đến trái tim người đọc với những chi tiết, hình ảnh đầy sinh động.

Cuốn sách mở đầu là những năm tháng Bác Hồ ở Pháp. Tại đây, Người đã phải làm nhiều nghề khác nhau như cào tuyết, bồi bàn, thợ làm bánh, thợ phóng ảnh… để có tiền sống qua ngày. Đặc biệt, tinh thần tự học luôn thường trực ở chàng trai Nguyễn Tất Thành, như một biểu tượng để nhiều thế hệ noi theo. Từ Pháp, dấu chân của Người tiếp tục lan xa tới Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc… và kết thúc hành trình 30 năm vào ngày 28-1-1941, khi Bác đặt chân về lại Pác Bó.

Viết về Bác nhưng không chỉ dừng ở lòng yêu thương và kính trọng, GS-TS Trình Quang Phú còn cất công đi đến nhiều nơi cả trong và ngoài nước để sưu tập, ghi chép rồi đối chiếu các tài liệu, tìm ra những câu chuyện, chi tiết có lý nhất để viết. Chính vì lẽ đó, khi lật giở những trang sách của Theo dấu chân Người, bạn đọc có thêm những thông tin mới thú vị và đáng tin cậy về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác.

GS-TS Trình Quang Phú hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông. Ông đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM. Từ những năm 1960-1962, ông đã bắt đầu bén duyên với trang viết, từng được giải nhì Ký sự báo Cứu Quốc.

Nhiều tác phẩm của ông được vinh danh ở những giải thưởng uy tín như: Ký sự xứ người đoạt Giải thưởng Văn học Mê Kông năm 2022 và Giải Sáng tạo TPHCM năm 2023, Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng đoạt giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương… Vừa qua, truyện ký Theo dấu chân Người của ông đoạt giải nhất lĩnh vực văn học trong Cuộc vận động sáng tác “50 năm - Tự hào bản anh hùng ca” của UBND TPHCM.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mot-doi-theo-dau-chan-nguoi-post790838.html
Zalo