Một doanh nghiệp may mặc tại Hà Nội giảm góp vốn vào công ty con để dành tiền thưởng Tết cho nhân viên

CTCP May Thanh Trì (UPCoM: TTG) sẽ giảm tỷ lệ vốn góp vào công ty con CTCP May Thanh Trì TTG từ 60% xuống 49% do gặp một số khó khăn về dòng tiền, chưa kể chi thưởng Tết cho CBCNV dịp cuối năm nên nguồn lực hạn chế.

Theo nghị quyết HĐQT vừa được công bố, Công ty CP May Thanh Trì (UPCoM: TTG) quyết định giảm tỷ lệ vốn góp tại Công ty CP May Thanh Trì TTG từ 60% xuống 49%, tương ứng với việc giảm vốn góp 5,94 tỷ đồng. Lý do được đưa ra là công ty đang gặp một số khó khăn về dòng tiền và cần dành nguồn lực chi thưởng Tết cho cán bộ nhân viên dịp cuối năm dẫn đến chưa thể hoàn thành góp đủ vốn theo cam kết ban đầu 5,94 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhấn mạnh, quyết định nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định về góp vốn trong công ty cổ phần, đồng thời tránh vi phạm các cam kết pháp lý. Mặc dù giảm vốn, May Thanh Trì vẫn duy trì vai trò cổ đông lớn, đảm bảo ảnh hưởng chiến lược trong các quyết định quan trọng của công ty con.

Trước đó, May Thanh Trì cũng đã thành lập công ty con khác là Công ty CP May Thanh Trì Phú Thọ với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng hoạt động, công ty đã rút vốn với lý do chiến lược phát triển không còn phù hợp.

Liên quan đến vấn đề lương thưởng của nhân viên, hồi tháng 5, May Thanh Trì từng chào bán riêng lẻ thành công 1,4 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, thu về 14 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng để thanh toán các khoản nợ cấp bách, bao gồm tiền lương cho cán bộ nhân viên trong quý III/2024 và tiền bảo hiểm xã hội.

May Thanh Trì tiền thân là Xí nghiệp May xuất khẩu Thanh Trì, được thành lập năm 1992 tại Hà Nội và cổ phần hóa vào năm 2008. Trải qua những giai đoạn thăng trầm, May Thanh Trì hiện chỉ còn khoảng 188 lao động, giảm mạnh so với con số 1.800 người ở thời kỳ đỉnh cao năm 2003.

TTG không công bố thông tin BCTC hàng quý. Theo BCTC kiểm toán năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu đạt 33,4 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,8 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với mức lỗ gần 1,6 tỷ năm 2022. Trước khi có lãi trở lại trong năm qua, TTG đã lỗ 3 năm liên tiếp giai đoạn 2020-2022 với số lỗ giảm dần.

Năm 2023, doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng và ký kết thêm hợp đồng với các đối tác mới nên doanh thu và lợi nhuận đều khởi sắc so với năm trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may này vẫn còn lỗ lũy kế 15,5 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu chỉ còn 5,8 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 20 tỷ đồng.

Tổng tài sản cuối năm 2023 đạt 12,2 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước, nhưng phần lớn nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn (5,4 tỷ đồng) và đầu tư vào liên doanh, liên kết (4 tỷ đồng). Tiền mặt còn chưa tới 1 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn gần 1,3 tỷ đồng – một áp lực không nhỏ cho hoạt động kinh doanh.

Trong một diễn biến khác, ông Đặng Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT đã bán thành công toàn bộ 181.500 cổ phiếu TTG, tương đương 5,34% vốn điều lệ trong ngày 11/12/2024. Nếu thành công bán với mức giá này, ông Tuấn đã có thể thu về khoảng 3,3 tỷ đồng, không còn là cổ đông của công ty.

Bên cạnh Chủ tịch Tuấn, cổ đông khác là ông Nguyễn Đình Tú cũng đã báo cáo bán thành công toàn bộ 90.000 cổ phiếu TTG như đã đăng ký trong ngày 16/12/2024. Sau thương vụ, ông Tú có thể thu về khoảng 1,2 tỷ đồng.

Trung Hiếu

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/mot-doanh-nghiep-may-mac-tai-ha-noi-giam-gop-von-vao-cong-ty-con-de-danh-tien-thuong-tet-cho-nhan-vien-79992.html
Zalo