Livestream bán hàng đang phát triển nhanh chóng nhưng...

Livestream bán hàng đang phát triển nhanh chóng nhưng quy định pháp lý về thương mại điện tử mới chỉ điều chỉnh chung, chưa có quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream, định danh chủ tài khoản

Theo thông tin tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS ) vừa diễn ra, năm 2024 quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam vượt mốc 25 tỉ USD, tăng 20% so với năm ngoái.

TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng 18%- 25% mỗi năm. Tỉ trọng về TMĐT chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam.

TMĐT và KTS Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc tốp 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Trong năm qua, Cục TMĐT và KTS đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu lợi dụng TMĐT kinh doanh hàng hóa nhập lậu có quy mô và số lượng lớn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng…với hàng triệu đơn hàng đã bán.

Đoàn kiểm tra tạm thu giữ hơn 125.000 sản phẩm các loại gồm thực phẩm, mỹ phẩm...

 Cục TMĐT và KTS đã hướng dẫn người dân thận trọng mua sắm trên nền tảng như Temu, Shein

Cục TMĐT và KTS đã hướng dẫn người dân thận trọng mua sắm trên nền tảng như Temu, Shein

Đối với việc xử lý các nền tảng TMĐT xuyên biên giới hoạt động không phép, Cục TMĐT và KTS đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về TMĐT.

Đồng thời nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành Luật chuyên ngành về TMĐT và sửa đổi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Song song đó, đơn vị tăng cường truyền thông hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein nói riêng...

Bên cạnh đạt được nhiều kết quả tích cực, lãnh đạo Cục TMĐT và KTS cho rằng vẫn còn một số hạn chế phải khắc phục.

Cụ thể, Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã có quy định ban đầu về các điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới vào Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước còn gặp khó khăn trong giám sát hoạt động kinh doanh các nền tảng TMĐT xuyên biên giới.

Nhiều nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được cấp phép hoặc đang trong quá trình cấp phép vẫn thực hiện cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam, bán hàng xuyên biên giới vào Việt Nam với giá thấp. Điều này ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ trong nước, gây áp lực cạnh tranh với các nền tảng TMĐT nội địa.

Ngoài ra, livestream bán hàng đang phát triển nhanh chóng nhưng quy định pháp lý về TMĐT mới chỉ điều chỉnh chung. Chưa có quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream, các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, định danh chủ tài khoản, kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestream …

Theo Cục TMĐT và KTS, năm 2025 đơn vị tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện luật chuyên ngành về TMĐT. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo ra môi trường pháp lý ổn định và phát triển TMĐT bền vững.

Tăng cường quản lý nền tảng TMĐT xuyên biên giới, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật.

Năm 2024, Cục TMĐT và KTS tiếp nhận, xử lý 165 lượt phản ánh trong đó gồm các hành vi vi phạm chính như cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng…

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/livestream-ban-hang-dang-phat-trien-nhanh-chong-nhung-post828476.html
Zalo