Một di sản quý hiếm của báo chí cách mạng Việt Nam

33 số báo Quân đội nhân dân xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954 là một thành tựu rất ấn tượng của báo chí trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Chắc chắn nó sẽ đi vào lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam như một kỳ tích có một không hai bởi các số báo này được xuất bản trong một điều kiện hết sức đặc biệt.

Toàn bộ 33 số báo, từ số 116 đến số 148, xuất bản từ ngày 28-12-1953 đến 16-5-1954 đều mang đậm dấu ấn của những trang báo chiến dịch. Tất cả đều được xuất bản ở Mường Phăng, sát với lòng chảo Điện Biên Phủ đang đỏ lửa. Những bài báo của hôm qua ấy vẫn gợi cho độc giả hôm nay cảm giác của mùi thuốc súng và màu đất chiến hào.

Có thể xem đây như một dạng báo chuyên đề, dành riêng cho đơn vị bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các số báo phần lớn chỉ là một tờ hai mặt, tức là chỉ hai trang, hết sức gọn nhẹ, dễ chuyền tay nhau. Báo chỉ in đủ số lượng, phát cho mỗi trung đội một tờ. Với nhiệm vụ đăng tải các chủ trương, quyết định của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận, thông báo tin chiến thắng hay lan tỏa tấm gương, hành động dũng cảm trong chiến đấu của chiến sĩ... Báo đã thể hiện rất rõ định hướng xây dựng ý thức kỷ luật và giáo dục chính trị tư tưởng cho các độc giả-chiến sĩ. Tuy nhiên, tờ báo Quân đội nhân dân tiền phương này không dừng lại ở chức năng chỉ thị, tuyên truyền mà còn mở rộng sang các mục tiêu nhận thức thẩm mỹ hết sức phong phú, hấp dẫn. Các số báo đều đa dạng về hình thức thể loại. Nhờ vậy mà 33 số báo được chuyển đến các hầm hào, công sự cho mỗi đơn vị như một món ăn tinh thần sảng khoái, giúp người cầm súng lạc quan, tin tưởng, giữ vững ý chí quyết chiến, quyết thắng.

Đại tá, nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng nói chuyện với phóng viên Báo QĐND về 33 số báo QĐND xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ (ảnh chụp tháng 4-2018, tại Phòng truyền thống Báo QĐND). Ảnh: Phú Sơn

Đại tá, nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng nói chuyện với phóng viên Báo QĐND về 33 số báo QĐND xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ (ảnh chụp tháng 4-2018, tại Phòng truyền thống Báo QĐND). Ảnh: Phú Sơn

Cố nhiên, không ai có thể đến với các trang báo bằng tâm thế và tầm nhận thức của những độc giả thế kỷ 21 đương đại. Không thể lấy tiêu chí truyền thông hiện đại để đánh giá và tiếp nhận các tác phẩm báo chí của thời đại trước. Chính niềm tự hào dân tộc, tự hào truyền thống Quân đội, tình yêu với Bộ đội Cụ Hồ cùng nhu cầu trải nghiệm, khám phá lịch sử mới giúp độc giả trẻ tuổi hôm nay thụ hưởng hết cái hay và vẻ đẹp của mỗi trang báo Quân đội nhân dân xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Và chính những tin, bài viết vội, những tấm sơ đồ, những bức tranh cổ động với các nét phác họa đơn sơ, mộc mạc lại gây ấn tượng mạnh mẽ hơn, sinh động hơn về hiện thực chiến trận.

Có thể bắt gặp trong từng trang báo hình ảnh nguyên sơ của người lính Cụ Hồ, khi Quân đội nhân dân Việt Nam mới sang tuổi thứ 7 trưởng thành. Đó là câu chuyện “Bữa rau mát ruột” của hai chiến sĩ anh nuôi là anh Thổ và anh Cồ. Hai anh thấy rá cơm đơn vị bị bỏ lại, thừa nhiều, đã đi 3 ngày đêm liền, trèo đèo, lội suối tìm mua được 40kg rau về nấu cho anh em bữa cơm có rau ăn mát ruột. Dọc đường, biết mình “mua nhầm” rau ở khu vực có thương binh, hai anh kiên quyết trả lại, sợ vi phạm chính sách ưu tiên thương binh. Đó là câu chuyện chiến sĩ du kích Lại Văn Việt trong lá thư anh gửi cho anh hùng phi công Hồng quân Liên Xô-thương binh cụt chân M.Alex. Lại Văn Việt bị mù nhưng vẫn kiên nhẫn tập đi, tập nhận đường, trở thành chiến sĩ quân báo, liên lạc. Khi bị lạc đường, anh lại nhớ tới tấm gương phi công Alex. Nằm kiệt sức ven đường, giữa đêm mưa dông gió, anh lại sờ tay lên túi ngực tìm tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để lấy thêm sức mạnh, tiếp tục lên đường...

Hình ảnh chiến sĩ Điện Biên trở thành hình ảnh trung tâm xuyên suốt toàn bộ 33 số báo. Đó là những người lính nông dân, chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn vũ khí, trang thiết bị, đã phải phát huy sáng kiến, một sáng kiến kiểu kinh nghiệm nông dân: Đào hào chỗ đất cứng dùng xẻng sắt, khi xúc đất hất lên cao thì dùng xẻng gỗ để giữ cho xẻng sắt bớt mòn... Trong chiến đấu, các chiến sĩ Điện Biên vẫn phải dùng những vũ khí cổ điển. Số báo 123 ra ngày 18-2-1954 có bài tường thuật chiến công của Hoàng Văn Nô, thanh niên dân tộc Thổ, một mình rượt đuổi, đâm chết 4 tên địch, trở thành một “dũng sĩ đâm lê” huyền thoại đầu tiên và duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam!

Trong trận đánh đồi Him Lam, tiểu đội đồng chí Thi (bài viết đăng số báo 134) vừa đánh vừa khéo léo gọi hàng, bắt được 46 tù binh lê dương. Trong trận chốt giữ đồi 836, không phụ lòng tin cậy của đồng đội, xạ thủ Vượng tự ý thức trách nhiệm “xạ viên” của mình, bị thương máu chảy ròng ròng xuống mặt vẫn bình tĩnh nhắm bắn, bóp cò, tiết kiệm từng viên đạn, tiêu diệt 15 tên địch. Tiểu đội đồng chí Doãn đánh thọc sâu diệt chỉ huy sở địch trên đồi Độc Lập, người trước ngã xuống, người sau nối gót, ôm lá cờ đẫm máu đồng đội tiếp tục xông lên, diệt địch trong từng ngách hầm, cắm bằng được lá cờ Quyết chiến, quyết thắng lên nóc đồn giặc.

Hình ảnh người lính trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đồng nghĩa với hình ảnh người lính Cụ Hồ. Vì Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh thường trực trong trái tim mỗi người lính. Đúng như trong lời thơ Tố Hữu: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Trái tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”. Quân đội nhân dân là tờ báo được Bác trực tiếp đặt tên, là tờ báo thực hiện tôn chỉ, mục đích, đặc biệt là thực hiện phương châm tác nghiệp mà Bác đã căn dặn: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Chính vì vậy mà lối hành văn và hình thức trình bày mộc mạc, giản dị, cụ thể, súc tích, có chỗ gây cảm giác vội vã, đơn sơ trong 33 số báo xuất bản trực tiếp tại Mặt trận Điện Biên Phủ lại đạt được hiệu quả truyền thông sâu sắc nhất. Cũng vì vậy mà hình ảnh Bác Hồ luôn thấp thoáng trong từng trang báo, ngay cả khi tên Người không xuất hiện.

Một khi cái tên Hồ Chí Minh xuất hiện chính là lúc trang báo Quân đội nhân dân đưa hình ảnh Người đến với độc giả-chiến sĩ Điện Biên như hình ảnh của một người Anh thân thương, gần gũi. Trong các thư Bác viết, Bác gọi bộ đội là các chú, với ý nghĩa quan hệ anh-em trong một gia đình. Bác không quan niệm tự nâng mình lên bậc Cha-Bác. Đáp lại tình cảm huynh đệ ấy, chiến sĩ ta cảm thấy Bác của mình thật kính yêu, cảm phục mà cũng thật giản dị, dễ thương. Bác kính yêu qua “Thơ chúc Tết Giáp Ngọ”, qua bài báo “Đêm nay Bác không ngủ”, qua “Thư khen” tự tay Bác viết ngày 8-5 đã trở nên gần gũi, đáng yêu qua dự đoán của các chiến sĩ: Đánh thắng thế nào cũng được Bác khen và cuối thư nào cũng được Bác gửi cái hôn thắm thiết. Tất cả gợi cho ta hình dung ra kiểu hôn của Bác ngoài đời-một kiểu hôn rất nồng nàn, mạnh mẽ, không có chất ước lệ xã giao của bậc bề trên.

33 số báo Quân đội nhân dân xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ không phải là những số báo chuyên trách, theo chân Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy cao nhất ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Một sự thật chắc chắn là, không chỉ thực hiện chức năng thông tin chiến sự và giáo dục chính trị tư tưởng cho chiến sĩ, 33 số báo tiền phương này còn phản ánh rất nhanh nhạy, kịp thời những sự kiện chính trị-xã hội trong nước và thế giới. Những tin tức về thắng lợi bước đầu của công cuộc cải cách ruộng đất ở hậu phương, những lá thư của các anh hùng Chí nguyện quân Trung Quốc trên đất Triều Tiên, tin tức chiến thắng của quân đội Pa thét Lào, của quân dân Nam Bộ v.v.. như phác thảo một bức tranh toàn cảnh về cách mạng Việt Nam, đem đến cho độc giả-chiến sĩ niềm tin tưởng, tự hào và ý thức về một trận Điện Biên Phủ sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường trong nước cũng như quốc tế: Ta đang đứng trong cuộc đồng hành vĩ đại với cách mạng thế giới.

70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ và cả nhiều chục năm sau nữa, có thể đọc từng con chữ của 33 số báo Quân đội nhân dân đặc biệt này, tin rằng độc giả sẽ có cảm giác như đang thực hiện một cuộc viễn du tinh thần tìm về lịch sử hào hùng của một đội quân anh hùng của một dân tộc anh hùng. Đây chính là di sản quý hiếm của báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/mot-di-san-quy-hiem-cua-bao-chi-cach-mang-viet-nam-5012257.html
Zalo