Vị thái giám bí ẩn thời chúa Nguyễn

Mai Văn Hoan là vị chưởng thái giám có vài trò quan trọng thời chúa Nguyễn nhưng tiếc thay những thông tin về ông ngày nay không nhiều người biết tới.

Ít ai biết xứ Đàng Trong từng có một vị thái giám có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong hệ thống chính trị dưới thời các chúa Nguyễn. Không chỉ thế, ông còn là đệ tử của Thiền sư Liễu Quán và có những đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của phật giáo xứ Đàng Trong xưa. Ông là Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan.

Giải mã lai lịch mộ cổ ven đường

Mộ của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan nằm cạnh trục đường Thiên Thai (phường An Tây, TP Huế). Gần đó là mộ tháp của Thiền sư Liễu Quán.

Mộ của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan nằm ngay ven đường Thiên Thai (phường An Tây, TP Huế). (Ảnh: Nguyễn Luân)

Mộ của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan nằm ngay ven đường Thiên Thai (phường An Tây, TP Huế). (Ảnh: Nguyễn Luân)

Những người sống gần đó cũng không biết thân phận cũng như lai lịch của người nằm dưới mộ. Họ chỉ biết đó là một đệ tử của Thiền sư Liễu Quán - người sáng lập dòng thiền thuần Việt lâu đời chỉ sau Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Bà Lê Thị Liễu (87 tuổi, trú phường An Tây, TP Huế) chia sẻ: “Dân địa phương thường quen gọi đó là mộ “ông Phèn” đệ tử của Thiền sư Liễu Quán chứ thực tế không rõ danh tính, lai lịch. Dân cũng chỉ biết mộ xây từ hàng trăm năm trước chứ không rõ mốc thời gian cụ thể.

Trước đây, ngôi mộ nằm ở vị trí thấp nhưng sau đó được trùng tu và được đưa lên vị trí cao hơn và có làm bậc cấp để lên mộ. Người Huế sùng đạo phật, mặc dù không rõ danh tính người nằm dưới mộ nhưng biết ngài là đệ tử của Tổ sư Liễu Quán nên dân vùng này rất tôn kính. Thi thoảng, dân chúng tôi vẫn tổ chức thắp hương và quét dọn mộ của ngài”.

Đại đức Thích Đồng Dưỡng (chùa Ba Phong, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - là một trong số ít những nhà nghiên cứu từng nghiên cứu về cuộc đời của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan) cho biết, tấm bia trước mộ của Thái giám Mai Văn Hoan ở Huế được chế tác từ đá sa thạch, màu gan gà.

Trên bia có tất cả 10 hàng chữ Hán, mỗi hàng có 63 chữ, khắc theo lối khải thư, nét bút cạn, chữ nhỏ và tinh xảo. Bia do “Dưỡng tử Nguyễn Quang Vinh, cháu là Mai Văn Trường” cùng đứng ra lập vào ngày 18/5 năm Cảnh Hưng (1785). Bia không đề tác giả, khi đọc bài mộ chí minh thì nhận ra người soạn có mối quan hệ khá thân với người nằm dưới mộ”, Đại đức Thích Đồng Dưỡng cho hay.

Bia đá cổ làm bằng đá sa thạch màu gan gà trong lăng mộ của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Bia đá cổ làm bằng đá sa thạch màu gan gà trong lăng mộ của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Theo Đại đức Thích Đồng Dưỡng, căn cứ bản dịch chữ Hán khắc trên bia mộ có thể xác định Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan là người xã Tân Lập, viên từ An Xá, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam ngày nay).

Thuở nhỏ, ngài Mai Văn Hoan dốc chí giữ vững tự lập. Năm 16 tuổi được đưa vào làm Nội giám. Năm Ất Tỵ thăng lên làm Thái giám Chánh đội trưởng, kiêm quản thuế dịch thuyền buôn các nước. Năm Mậu Ngọ (1738) thăng làm Chưởng thái giám kiêm Cai đội, quy y với hòa thượng Liễu Quán, phó chúc làm cư sĩ, pháp danh Tế Ý.

Từ đó, Thái giám Mai Văn Hoan tôn sùng phật pháp, vui vẻ làm thiện không mệt, xây dựng chùa Thuyền Tôn (chùa hiện vẫn còn nằm tại TP Huế), in kinh, cúng dường và làm nhiều việc thiện. Năm Giáp Tuất (1754) Thái giám Mai Văn Hoan bỗng dưng nhiễm bệnh, thuốc thang không khỏi và qua đời ngày 2/5 năm Ất hợi (1754).

Đại đức Thích Đồng Dưỡng chia sẻ, tại chùa Thuyền Tôn (TP Huế) hiện có ba bài vị thờ ngài Mai Văn Hoan và song thân. Cha ngài là cụ ông Mai Quý Công, thụy Độn Hậu; mẹ là cụ bà họ Nguyễn, pháp danh Tế Tịch, tự Đắc Thiệu, thụy Trinh Thục.

Vị thái giám có tầm ảnh hưởng

TS. Võ Vinh Quang – Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế là người từng dành thời gian nghiên cứu về Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan. Theo ông, vị thái giám này có vai trò và tẩm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống chính quyền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đặc biệt dưới thời Ninh vương Nguyễn Phúc Chú và Võ vương Nguyễn Phúc Khoát.

Theo phân tích của TS. Võ Vinh Quang, năm Ất Tỵ (1725) Thái giám Mai Văn Hoan được thăng chức Thái giám chánh Đội trưởng kiêm Tri chư quốc Tào vụ. Chức quan kiêm nhiệm Tri chư quốc Tào vụ vai trò quản lý mọi việc liên quan đến hệ thống các tàu buôn của các quốc gia và vùng lãnh thổ đến buôn bán trao đổi giao thương ở Đàng Trong.

Thời chúa Nguyễn, vấn đề ngoại thương rất được triều đình quan tâm, đó là một trong những nguồn lực chính yếu để xây dựng và phát triển xứ Nam Hà. Như thế, chứng tỏ chức “tri Chư quốc Tào vụ” (kiêm nhiệm quản lý sự việc tàu buôn các nước) là một chức quan cao cấp trong hệ thống quan chức thời chúa Nguyễn”, TS. Võ Vinh Quang nói.

TS. Võ Vinh Quang cho biết, theo những thông tin ghi chép trong sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn thì Chưởng quản Thái giám Mai Văn Hoan không chỉ nắm quyền quản lý “Tào vụ” các nước giao thương với xứ Nam Hà, mà còn là quan chức quản lý về thuế lệ toàn xứ Đàng Trong. Có thể là một trong những vị quan chức cấp cao của bộ Hộ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (Năm Giáp Tý 1744, tức năm chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng Quốc vương trở đi).

Nội dung trên bản văn bia khắc chữ Hán trước mộ phần nào hé lộ thân thế của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Nội dung trên bản văn bia khắc chữ Hán trước mộ phần nào hé lộ thân thế của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Khi ngài qua đời, Chúa Nguyễn thương tiếc ban sắc chỉ cho ngài làm Chưởng Thái giám kiêm Cai đội Đoán Tài hầu Mai Văn Hoan, tặng Khiêm Cung công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y Đô Chỉ huy sứ ty Đô Chỉ huy sứ, Tổng đốc kiêm Cai cơ Đoán Tài hầu Mai quý công, ban thụy là Thận Cần phủ quân”, TS. Võ Vinh Quang cho biết thêm.

Không chỉ có tầm ảnh hưởng về mặt chính trị, Thái giám Mai Văn Hoan cũng là người có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của phật giáo xứ Đàng Trong. Dòng thiền Liễu Quán sở dĩ phát triển mạnh và tồn tại đến ngày nay có những đóng góp không nhỏ của vị thái giám này.

Theo nghiên cứu của Đại đức Thích Đồng Dưỡng, từ sau ngày quy y với Tổ sư Liễu Quán với pháp danh Tế Ý thì Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan thực hiện nhiều công đức hộ trì quan trọng, góp phần xiển dương chánh pháp. Tiêu biểu là việc ngài hưng công xây dựng chùa Thiền Tông (nay là chùa Thuyền Tôn nổi tiếng ở xứ Huế).

Khoảng năm Cảnh Hưng thứ 4, và thứ 5, Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan bắt đầu mua các số lượng lớn ruộng đất để xây dựng chùa. Năm Đinh Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8 (1747), Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan đứng ra làm hội chủ chú tạo một quả đại hồng chung cúng vào chùa làm pháp khí vĩnh viễn”, Đại đức Thích Đồng Dưỡng chia sẻ.

Không chỉ vậy, Thái giám Mai Văn Hoan tổ chức in ấn kinh sách, lập các đàn tràng cúng dường trai tăng. Kho sách của Thư viện Huệ Quang (TP.HCM) hiện còn lưu tập sách do Thái giám Mai Văn Hoan đứng in năm Giáp Tuất (1754) có tên “Chuẩn đề hiển mật viên thông” in gộp chung 3 văn bản.

Phía trước sách có bài tựa do nhà sư Thiện Kế soạn nhưng không ghi niên đại. Cuối sách có bài ký do ngài Tế Phổ Trí Thông chùa Kỳ Viên (Huế) soạn, có đề niên đại ngày trường chí năm Cảnh Hưng Giáp Tuất. Bài tựa và ký đều ca ngợi về Thái giám Mai Văn Hoan, là người tổ chức bỏ tiền thuê thợ khắc ván và ấn thí cúng dường. Tư liệu này có ghi đạo hiệu của ngài Mai Văn Hoan là Thanh Đức đạo nhân hay Thanh Đức cư sĩ”, Đại đức Thích Đồng Dưỡng thông tin.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-thai-giam-bi-an-thoi-chua-nguyen-ar882711.html
Zalo