Một dân tộc, một tương lai

Nửa thế kỷ sau thống nhất, Việt Nam đứng trước lựa chọn mới: vượt qua ký ức chia rẽ để kiến tạo tương lai đoàn kết và mở ra con đường xây đắp tương lai bằng lòng bao dung, khát vọng lớn lao.

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, lời kêu gọi hòa hợp dân tộc của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” vang lên như tiếng lòng chung của hàng triệu người Việt, trong và ngoài nước. Đó không chỉ là một thông điệp chính trị, mà là một lời nhắc nhở nhân văn sâu sắc: Quá khứ không thể thay đổi, nhưng tương lai là do chính chúng ta kiến tạo.

Trong bài viết, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù từng đứng ở phía nào của lịch sử, đều cùng mang một cội nguồn, một ngôn ngữ, một tình yêu dành cho quê hương, đất nước”.

Lời nhấn mạnh ấy như một lời hiệu triệu, một bản tuyên ngôn giản dị mà sâu xa: Dù những dòng chảy lịch sử từng đẩy người Việt về những bờ bãi khác nhau, nhưng sợi dây thiêng liêng gắn kết chúng ta không bao giờ đứt đoạn. Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn. Một mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng, trăm con - đó là ký ức chung bất biến của cả dân tộc.

 Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.

Nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi tiếng súng chấm dứt, Việt Nam đã thay da đổi thịt. Những người từng cầm súng đối đầu, những cộng đồng từng cách xa nhau bởi chiến tuyến, giờ đây đã chung tay trong các công trình, dự án, diễn đàn. Những ngôi trường, nhà máy, những cây cầu vắt qua sông lớn... đều in dấu ấn của những bàn tay Việt Nam - không phân biệt ai từng ở phía nào của lịch sử.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bóng tối của chia rẽ đôi khi vẫn âm ỉ đâu đó trong ký ức của một bộ phận người Việt, cả ở trong nước và hải ngoại. Có những nỗi đau chưa dễ nguôi ngoai, có những thành kiến chưa hoàn toàn xóa bỏ. Chính vì thế, tinh thần hòa hợp dân tộc hôm nay không chỉ là một chính sách, mà cần được vun đắp thành một nền tảng đạo đức quốc gia.

Tổng Bí thư đã đưa ra một so sánh thuyết phục: Việt Nam và Mỹ, từ hai quốc gia từng là cựu thù, đã trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, cùng hợp tác vì hòa bình, vì lợi ích nhân dân hai nước. Nếu hai dân tộc từng đổ máu cho nhau còn có thể vượt qua hận thù, thì không có lý do gì người Việt, cùng chung huyết thống, cùng tiếng nói, cùng khát vọng, lại không thể xóa đi những ngăn cách còn sót lại giữa mình.

Điều quan trọng, như Tổng Bí thư nhấn mạnh, hòa hợp dân tộc không phải là quên lãng lịch sử, không phải là phủ nhận những khác biệt đã từng tồn tại. Hòa hợp là biết chấp nhận những góc nhìn khác nhau bằng tinh thần bao dung, biết lắng nghe tiếng nói của những ký ức khác biệt, và từ đó hướng đến một mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Chúng ta không thể viết lại lịch sử. Nhưng chúng ta có thể, và phải, hoạch định lại tương lai. Đó là thông điệp sâu sắc nhất của Tổng bí thư.

Hãy thử hình dung: Nếu chúng ta chỉ sống trong ký ức của quá khứ, những nỗi đau sẽ mãi đè nặng lên vai thế hệ hôm nay. Nếu chúng ta cứ nuôi dưỡng sự phân biệt, thì những vết thương chưa bao giờ thực sự lành lặn. Nhưng nếu chúng ta biết biến những bài học lịch sử thành động lực đoàn kết, thì từ những khổ đau, sẽ nảy nở một sức mạnh mới - sức mạnh của sự hiểu biết, lòng nhân ái và sự tiến bộ.

 Mọi người con đất Việt - dù sinh sống ở đâu, dù quá khứ thế nào – đều có thể đồng hành, chung sức, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc.

Mọi người con đất Việt - dù sinh sống ở đâu, dù quá khứ thế nào – đều có thể đồng hành, chung sức, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc.

Thực tế cho thấy, tinh thần hòa hợp dân tộc không phải là lý thuyết viển vông. Suốt những năm qua, cộng đồng người Việt ở nước ngoài: từ Mỹ, Pháp, Australia, Canada đến Đức, Nhật, Hàn Quốc... ngày càng gắn bó hơn với quê hương. Hàng nghìn dự án đầu tư, hàng vạn sáng kiến khoa học, công nghệ, giáo dục đã được kiều bào mang về đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Hàng triệu lượt kiều bào về thăm quê hương mỗi năm không chỉ là những chuyến đi thăm thân, mà còn là những hành trình tìm lại cội nguồn, làm giàu thêm bản sắc dân tộc.

Trong nước, tư duy về hòa hợp dân tộc cũng ngày càng thực chất hơn. Những lễ tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh được tổ chức không phải để khơi dậy hận thù, mà để nhắc nhở thế hệ trẻ rằng hòa bình không phải tự nhiên mà có. Các chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài không còn nặng tính rào cản, mà mang tinh thần mở rộng vòng tay.

Đó là những tín hiệu đáng mừng. Nhưng hành trình này còn dài, và cần một sự kiên nhẫn, chân thành từ tất cả các phía.

Hòa hợp dân tộc không chỉ nằm trên văn bản hay những bài diễn văn trang trọng. Hòa hợp là những hành động cụ thể trong đời sống hàng ngày: một thái độ cởi mở hơn với những người có trải nghiệm khác biệt; một sự tôn trọng khi lắng nghe những câu chuyện của người từng ra đi hoặc ở lại; một tinh thần khoan dung khi nhìn nhận những góc khuất của lịch sử.

Khi nhìn lại nửa thế kỷ thống nhất, có thể thấy, dân tộc Việt Nam đã đi được một chặng đường dài: từ đau thương đến hồi sinh, từ chia cắt đến hội nhập. Nhưng như một dòng sông sau trận lũ, để lòng sông lắng trong, cần thêm thời gian, cần thêm sự bồi đắp của bao thế hệ.

Tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: tinh thần “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” - chính là dòng chảy lặng lẽ nhưng mãnh liệt ấy. Một dân tộc trưởng thành là dân tộc biết đối diện với những vết thương của mình bằng lòng tự trọng, biết vượt lên những ký ức đau buồn bằng khát vọng chung.

Chúng ta, những người đang sống trong thời đại mới, không có quyền lãng quên lịch sử. Nhưng chúng ta càng không có quyền giam cầm tương lai trong những xiềng xích của quá khứ. Tương lai của Việt Nam - một tương lai hòa bình, thống nhất, thịnh vượng- chỉ có thể được xây dựng từ lòng bao dung, từ khát vọng đoàn kết, từ niềm tin rằng: Dẫu từng đi qua những con đường khác nhau, chúng ta vẫn là anh em một nhà.

Không ai có thể chọn quá khứ cho mình. Nhưng ai cũng có thể chọn cách mình đối xử với tương lai. Và lựa chọn ấy, chính là phép thử cho tầm vóc và trí tuệ của một dân tộc.

Lê Thọ Bình

Lê Thọ Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/mot-dan-toc-mot-tuong-lai-post185036.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi
Zalo