Moody's dự báo lộ trình giảm lãi suất và triển vọng ngân hàng toàn cầu năm 2025

Moody's Ratings điều chỉnh triển vọng của các ngân hàng trên toàn cầu năm 2025 từ tiêu cực thành ổn định, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và chính sách nới lỏng tiền tệ. Dự báo lãi suất giảm sẽ cải thiện khả năng trả nợ của người đi vay song gây áp lực lên NIM (tỷ suất lợi nhuận ròng).

Trong báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng trên toàn cầu năm 2025 mới công bố, ông David Yin - Phó Trưởng Ban kiêm Giám đốc tín dụng cấp cao của Moody's Ratings cho biết, việc thay đổi triển vọng toàn cầu của các ngân hàng từ tiêu cực sang ổn định phản ánh kỳ vọng của Moody's Ratings về việc ổn định tăng trưởng kinh tế và nới lỏng tiền tệ sẽ hỗ trợ môi trường hoạt động cho các ngân hàng, giảm bớt áp lực lên chất lượng tài sản và giúp tăng trưởng tiền gửi của ngân hàng phục hồi.

Tuy nhiên, tổ chức đánh giá tín dụng uy tín hàng đầu trên thế giới này cũng lưu ý xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại và những thay đổi chính sách sau bầu cử tại Mỹ cũng tạo ra bất ổn và rủi ro đáng kể.

Lộ trình cắt giảm lãi suất

Moody's Ratings kỳ vọng hầu hết các ngân hàng trung ương lớn sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ khi áp lực lạm phát giảm xuống, điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng và tăng trưởng tín dụng. Đơn vị này cũng giả định, các tác động từ chính sách chính quyền mới của Mỹ sẽ gây ra một lực cản nhỏ đối với hoạt động kinh tế, song trong báo cáo này chưa tính đến những thay đổi về chính sách tài chính, nhập cư hoặc thương mại cho đến khi được thực hiện.

Việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạo cho các ngân hàng trung ương khác nhiều không gian hơn để điều chỉnh lập trường chính sách dựa trên các điều kiện kinh tế trong nước.

Đến nay, Fed cắt giảm lãi suất tổng cộng 75 điểm cơ bản vào tháng 9/2024 và tháng 11/2024 xuống còn 4,5-4,75%.

Mặc dù rủi ro đến từ chính quyền Trump 2.0 đưa ra các biện pháp có khả năng gây lạm phát làm ảnh hưởng triển vọng nới lỏng tiền tệ, song Moody's Ratings kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất chính sách xuống còn 3,5-3,75% vào giữa năm 2025 và tạm dừng để đánh giá các điều kiện kinh tế và tài chính.

Moody's Ratings dự báo tốc độ cắt giảm lãi suất các ngân hàng trung ương lớn đến năm 2027.

Moody's Ratings dự báo tốc độ cắt giảm lãi suất các ngân hàng trung ương lớn đến năm 2027.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất 3 lần và mới đây hạ thêm lần thứ 4 xuống còn 3%. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy yếu và lạm phát giảm, ECB có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay cho đến giữa năm 2025.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất chính sách để kích thích tăng trưởng kinh tế kể từ năm 2020, dự kiến lãi suất ở Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Moody's Ratings cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) sẽ thận trọng tăng lãi suất chính sách từ mức cực thấp sau khi vào tháng 7/2024, BOJ bất ngờ tăng lãi suất chính sách thêm 20 điểm cơ bản làm rung chuyển thị trường tài chính. Dự báo sẽ có thêm một đợt tăng 25 điểm cơ bản nữa vào tháng 12/2024 hoặc năm 2025 song kỳ vọng bất kỳ đợt tăng lãi suất nào khác của BOJ sẽ diễn ra nhẹ nhàng.

Đong đếm tác động lên nợ xấu và NIM

Cũng theo Moody's Ratings, rủi ro địa chính trị và những thay đổi sau bầu cử trong chính sách của Mỹ là những nhân tố chính gây ra sự khó đoán định thời gian tới. Các cuộc xung đột đang diễn ra ở Châu Âu và Trung Đông, cùng với căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc - Mỹ làm tăng sự bất ổn đáng kể cho triển vọng kinh tế toàn cầu.

Các chính phủ và doanh nghiệp đang nỗ lực xây dựng khả năng phục hồi bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng khó đoán định các diễn biến địa chính trị có thể gây nên những cú sốc mới.

Theo Moody's Ratings, chất lượng tài sản ở hầu hết các hệ thống ngân hàng ở Bắc Mỹ và Châu Á - Thái Bình Dương sẽ phần lớn ổn định, với mức tăng tỷ lệ nợ xấu khiêm tốn. Với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, lãi suất giảm sẽ giúp cải thiện khả năng trả nợ của người vay. Rủi ro từ các khoản vay bất động sản giảm ở Việt Nam và Hàn Quốc, nhưng vẫn sẽ cao ở Trung Quốc và Hồng Kông.

"Việc cắt giảm lãi suất và tăng trưởng kinh tế sẽ giúp cải thiện khả năng trả nợ của người vay trong các hệ thống ngân hàng lớn, hỗ trợ chất lượng cho vay. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu (NPL) sẽ tăng nhẹ do tác động chậm trễ của lãi suất cao và căng thẳng tại một số công ty bất động sản thương mại nhưng ở mức tương đối thấp" - Moody's Ratings đánh giá.

Tuy nhiên, chất lượng tài sản tại các ngân hàng ở Tây Âu sẽ giảm nhẹ do chất lượng các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực bất động sản thương mại suy yếu.

Về xu hướng NIM (biên lãi ròng), theo Moody's Ratings, lãi suất giảm sẽ gây áp lực lên NIM, vì lãi suất cho vay giảm trước khi lãi suất tiền gửi giảm. Áp lực lên NIM sẽ được bù đắp một phần bởi sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng do điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi, cũng như việc nới lỏng các tiêu chuẩn bảo lãnh trong bối cảnh điều kiện tín dụng ổn định.

Căng thẳng đối với NIM sẽ nghiêm trọng hơn ở những hệ thống ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như Indonesia và Philippines.

Các ngân hàng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực kéo dài về lợi nhuận do NIM giảm vì cạnh tranh gay gắt, khiến khó giảm chi phí tiền gửi để bù đắp cho sự sụt giảm của lãi suất cho vay. Còn lợi nhuận của các ngân hàng Nhật Bản sẽ được cải thiện nhờ NIM tăng khi lãi suất trong nước tăng dần./.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/moodys-du-bao-lo-trinh-giam-lai-suat-va-trien-vong-ngan-hang-toan-cau-nam-2025-166339.html
Zalo