Mong sớm công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2025
Đã gần cuối học kỳ 1, học sinh bước vào chặng nước rút của kỳ ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học năm 2025. Đây là kỳ tuyển sinh đại học đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới.
Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều trường vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh đại học khiến học sinh lo lắng, khó khăn trong ôn tập và chuẩn bị định hướng đăng ký xét tuyển.
Nhận diện khó khăn
Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6; thời gian đăng ký xét tuyển đại học từ khoảng giữa tháng 7. Học sinh lớp 12 hiện nay là lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp trung học phổ thông và tham gia xét tuyển đại học theo chương trình mới. Tuy nhiên, thời điểm này, khi các em đã sắp kết thúc học kỳ I, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh cụ thể khiến học sinh gặp khó khăn trong định hướng ôn tập.
Thách thức lớn mà học sinh lớp 12 phải đối diện là việc các trường đại học sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển từ năm 2025. Nếu như các năm trước, học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 bài, thực tế là có 6 môn (vì có 2 bài tổ hợp), tương ứng với số lượng tổ hợp xét tuyển đại học rất đa dạng, thì năm 2025, học sinh chỉ thi tốt nghiệp 4 môn (gồm 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn), số lượng tổ hợp dự báo giảm nhiều. Dù có định hướng như vậy, nhưng phương án cụ thể thế nào về các tổ hợp xét tuyển vẫn chưa được các trường công bố khiến học sinh càng hoang mang.
Đại học Kinh tế quốc dân là một trong số rất ít các trường đã công bố định hướng tuyển sinh năm 2025. Với chủ trương không gây xáo trộn với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp chương trình mới, nhà trường giữ ổn định các tổ hợp truyền thống, nhưng chỉ áp dụng 4 tổ hợp xét tuyển A00 (toán, vật lý, hóa học), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh), D07 (toán, hóa học, tiếng Anh); không sử dụng các tổ hợp từng được duy trì từ năm 2024 trở về trước. Nhà trường cũng dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp từ 18% (năm 2024) còn 15%.
Lưu ý điểm mới
Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh đại học đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố một số nội dung dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2025. Đây là căn cứ để các trường đại học xây dựng đề án tuyển sinh, cũng là định hướng căn bản cho học sinh trong học tập, ôn luyện chuẩn bị cho kỳ xét tuyển.
Điểm mới đáng chú ý từ kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 là quy định, nếu sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông để xét tuyển thì các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của học sinh. Lý giải về nội dung này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ năm 2024 trở về trước, hầu hết các trường xét tuyển học bạ cấp trung học phổ thông nhưng chỉ sử dụng kết quả học tập 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12), dẫn đến tình trạng nhiều học sinh chểnh mảng học tập ở học kỳ II.
Để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao trong bối cảnh các trường chưa công bố đề án tuyển sinh, học sinh lưu ý đến quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nguyên tắc xây dựng tổ hợp xét tuyển từ năm 2025. Theo đó, tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn. Nắm vững nguyên tắc này, học sinh có thể yên tâm học tập theo tổ hợp mình đã dự định đăng ký xét tuyển đại học. Nếu dự kiến đăng ký tổ hợp khoa học tự nhiên thì đừng lơ là với môn toán; nếu yêu thích tổ hợp khoa học xã hội thì nhất định phải học tốt ngữ văn.
Hà Nội hiện có hơn 100.000 học sinh lớp 12 - dẫn đầu trong các địa phương của cả nước về số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học. Trong khi học sinh thấp thỏm chờ các trường công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các nhà trường tiếp tục tìm nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành, giúp học sinh nắm vững thông tin và đáp ứng tốt với các yêu cầu của kỳ tuyển sinh đại học đầu tiên theo chương trình giáo dục mới.