Mong muốn Chính phủ đồng hành để doanh nghiệp tư nhân cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Sáng 10/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Nhà sáng lập, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển phát biểu ý kiến tại cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Nhà sáng lập, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển phát biểu ý kiến tại cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long và Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội doanh nghiệp, 26 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân lớn.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển; mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đóng góp tích cực, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Nhà sáng lập, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển đánh giá Hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và doanh nhân. Tập đoàn T&T là những doanh nhân dân tộc yêu nước, luôn có khát vọng cống hiến, khát vọng làm giàu, luôn gắn lợi ích dân tộc với lợi ích doanh nghiệp, doanh nhân. Tập đoàn nhận thấy, vận mệnh của đất nước đang vô cùng tốt đẹp. Tập đoàn T&T đã thành lập được 32 năm, đến nay đã có gần 80.000 cán bộ, công nhân viên; nộp ngân sách trong top 50 các doanh nghiệp Việt Nam nộp ngân sách lớn nhất cả nước.

Tập đoàn T&T đã đầu tư lớn, hàng chục tỷ USD vào nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động. Đó là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tập đoàn đã đầu tư, hòa vào lưới điện và hiện nay có một số dự án đang đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, tập đoàn đã đầu tư, hoàn thành hơn 1.000 MW. Và hiện nay, T&T đang tiếp tục đầu tư 2 dự án điện khí, công suất là 3.000 MW. Tập đoàn cũng đã mua một dự án điện gió tại Lào, công suất hơn 300 MW, hiện nay đang thi công ở Lào; tổng giá trị dự án đầu tư tại Lào là hơn 600 triệu USD.

Bên cạnh đó, T&T cũng đang đầu tư vào các dự án điện sinh khối, xử lý rác thải, điện rác... tại một số tỉnh. Hiện nay T&T cũng đang hợp tác với tập đoàn SK (Hàn Quốc), để đầu tư tổ hợp khí sản xuất hydrogen xanh và thu hồi khí thải carbon, đấy là thế mạnh của SK. Ngoài năng lượng tái tạo, T&T cũng đang đầu tư vào dự án logistics công nghệ cao đa phương thức tại Vĩnh Phúc rộng hơn 100 ha với Singapore, nhằm tạo thành chuỗi cung ứng Trung Quốc-Việt Nam-ASEAN. Tập đoàn cũng đang đầu tư vào dự án logistic công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ở lĩnh vực này, tập đoàn sử dụng công nghệ AI và tự động hóa hoàn toàn.

Vừa rồi, T&T cũng đầu tư vào dự án sân bay Quảng Trị. Hiện nay dự án này đang thi công và nếu không có gì thay đổi thì tháng 6/2026 thì khánh thành. Hiện nay, Tập đoàn cũng đang hợp tác với các tập đoàn tổ hợp công nghiệp linh kiện, năng lượng tái tạo. Khi đầu tư vào sân bay, đô thị sân bay và tổ hợp hàng không thì Tập đoàn đã nghiên cứu tập trung đầu tư vào hàng không. Trong đó T&T đã đầu tư 75% vào hãng hàng không Vietravel Airline. Và ngày hôm kia, 8/2, tập đoàn đã làm việc với Hãng sản xuất máy bay Boeing và Boeing rất quan tâm, đồng ý sẽ có đại diện Boeing tại Việt Nam, và T&T cũng là tập đoàn đối tác chiến lược của Boeing tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực hạ tầng, hiện nay đường vành đai 4, tập đoàn cũng đang chờ thành phố Hà Nội hoàn tất thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư. Tập đoàn cũng đăng ký được trở thành một nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang tham gia vào một số dự án bất động sản lớn, công nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục và thể thao.

Tập đoàn có một số kiến nghị với Thủ tướng. Đó là một số doanh nghiệp làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đang phải đàm phán giá điện với EVN. Tuy nhiên, vấn đề giá vẫn chưa có thống nhất. Ngoài ra, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Tập đoàn đề nghị, với những doanh nghiệp cổ phần mà nhà nước không chi phối thì cần đẩy nhanh việc thoái vốn hơn nữa.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO Trần Bá Dương phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO Trần Bá Dương phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO Trần Bá Dương cho biết, Sau hơn 25 năm phát triển, THACO đã trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành, tập trung vào các ngành như ô-tô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ và logistics. Với mục tiêu tăng trưởng của cả nước trong năm 2025 đạt 8%, cùng các năm tiếp theo là hai con số thì các ngành mà THACO đang làm cũng cố gắng đóng góp vào mục tiêu này.

THACO đã có được những nền tảng nhất định trong các ngành đang hoạt động sản xuất kinh doanh để hướng đến một kỷ nguyên mới và phát triển với những định hướng, chiến lược rất rõ ràng mà Chính phủ đề ra. Cụ thể, đối với ô-tô, THACO hiện sản xuất gần như là tất cả các loại sản phẩm và đến giờ này chúng tôi đang kiểm soát 32% thị phần.

Năm ngoái, THACO đã bán 92.000 xe, năm nay cố gắng bán 100.000 xe và sẽ tập trung vào xe lai, xe hybrid - xe vừa động cơ điện vừa động cơ xăng.

Đối với ô-tô thì THACO cũng đã đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa, xe du lịch là từ 27 đến 40%, xe tải trên 50% và xe bus là trên 70%. Tập đoàn đã giảm được chi phí và đặc biệt đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của khách hàng cũng như điều kiện sử dụng tại Việt Nam. Trong lĩnh vực cơ khí-công nghiệp hỗ trợ, THACO đã hình thành được nền tảng vừa là nghiên cứu phát triển sản phẩm, vừa tổ chức sản xuất. Đặc biệt, Tập đoàn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất cơ khí. Hiện nay, mức tăng trưởng xuất khẩu của THACO rất cao. Trong thời gian tới, vào tháng 9/2025, THACO sẽ khởi công Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô 700ha. Hiện nay, tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp FDI rất cần các doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện và thiết bị máy móc để giảm giá thành và chi phí logistics.

Cùng với định hướng của Thủ tướng hôm nay, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng trong quá trình thăm, làm việc tại miền trung, Chu Lai, Quảng Nam và THACO, Tập đoàn sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép. Với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, lãnh đạo THACO hứa với Thủ tướng sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành.

THACO cũng hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm.

Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nhấn mạnh, cam kết giai đoạn 2025 đến 2030 phát triển tối thiểu 15%; nêu rõ, hiện nay toàn bộ ngành thép Việt Nam nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng làm nguyên liệu sản xuất thép, chiếm 95%; kiến nghị: Chúng ta có 2 mỏ lớn là Quý Sa và Thạch Khê. Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, quy mô khoảng 500 triệu tấn, nằm tại Hà Tĩnh. Ông cho rằng cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ. Trong kế hoạch 2025- 2030 vốn đầu tư công rất lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Đây là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp.

Thời gian tới, Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10 nghìn tỷ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên, doanh nghiệp rất mong có 1 văn bản như một Nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án. Hòa Phát cam kết bảo đảm cung cấp thép chế tạo cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết bảo đảm số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu.

Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings Lê Văn Kiểm phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings Lê Văn Kiểm phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings Lê Văn Kiểm nêu rõ, là một trong những tập đoàn kinh doanh kinh tế tư nhân có lịch sử phát triển hơn 45 năm, KN luôn đặt mục tiêu đầu tư kinh doanh vì sự phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho cộng đồng. Những năm gần đây, Tập đoàn tập trung vào các lĩnh vực được khuyến khích như năng lượng tái tạo, khu công nghiệp xanh nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Về năng lượng tái tạo, Tập đoàn đề xuất Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh, cũng như thông qua Kế hoạch triển khai các nguồn năng lượng tái tạo giai đoạn đến năm 2030. Đối với các dự án năng lượng mặt trời, KN kiến nghị cần đầu tư hệ thống pin tích trữ để bảo đảm tối ưu vận hành và bảo đảm không bị quá tải của hệ thống.

Nghị định 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được ban hành từ tháng 7/2024, nhưng vẫn chưa có các thông tư hướng dẫn chi tiết, cũng như quy định cụ thể về các loại phí liên quan. Do đó, Tập đoàn mong Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để Nghị định 80 nhanh chóng đi vào thực tiễn, giúp doanh nghiệp tiếp cận năng lượng sạch và nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về hạ tầng khu công nghiệp, Tập đoàn KN mong muốn có những chính sách hỗ trợ để hình thành những dự án động lực phát triển của vùng, hình thành cụm liên kết ngành, từ đó có điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng kiến nghị cần cải cách hành chính, thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cho phép được thực hiện đồng thời các bước xin phép đầu tư, để giúp doanh nghiệp nhanh chóng triển khai đầu tư, sớm đưa dự án vào hoạt động, nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật.

Tập đoàn sẵn sàng tham gia các chương trình thí điểm do Chính phủ đề ra trong các lĩnh vực mà tập đoàn đang đầu tư và phát triển. KN nguyện đồng hành cùng Chính phủ để phát triển một nền kinh tế mạnh, bền vững và hội nhập quốc tế. Đồng thời Tập đoàn và cộng đồng doanh nghiệp cam kết tạo việc làm nhiều hơn nữa cho xã hội, đặc biệt là nâng cao cơ hội cho lao động chất lượng cao.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Trường phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Trường phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Trường bày tỏ, muốn làm việc lớn thì chúng ta phải có ý tưởng, phải có mục tiêu dự án, phải tổ chức thực hiện tốt. Thí dụ như Ninh Bình chỉ có 20 nghìn ha thì giao cho Xuân Trường 12 nghìn ha, tức là 57% diện tích của 1 tỉnh sẵn sàng giao cho doanh nghiệp chỉ trong một cuộc họp rất ngắn - 15 phút. Tập đoàn đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Ninh Bình mỗi năm đón 10 triệu khách, dân số Ninh Bình có 1 triệu người, như vậy cứ 10 người thì 9 người là khách du lịch. Tập đoàn quyết tâm xây dựng công trình văn hóa mang tính tầm cỡ quốc tế, để chúng ta sánh vai với các nước.

Trước đây Tràng An và Tam Chúc không hề có thương hiệu, thì bây giờ chúng ta có nhiều công trình có giá trị thương hiệu. Chúng ta cần bàn để có cơ chế chính sách, giao cho doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Với đường sắt cao tốc, đường giao thông, chúng ta phải có ý tưởng trước.

Chúng ta phải có văn bản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, ngân hàng mới cho vay tiền. Như với thép, để doanh nghiệp đầu tư 10 nghìn tỷ đồng thì ngoài vốn tự có thì phải vay thêm ngân hàng. Doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư văn hóa nên không phải vay tiền, không phụ thuộc ngân hàng. Theo ông, bây giờ quan trọng nhất là có cơ chế.

 Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng bày tỏ sự tri ân sự động viên của Thủ tướng Chính phủ, khi trực tiếp kiểm tra các dự án trọng điểm như Hữu Nghị-Chi Lăng, Đồng Đăng-Trà Lĩnh, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Chơn Thành-Thủ Dầu Một và mới đây là kiểm tra cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Thủ tướng đã chỉ đạo tháo gỡ cơ bản các nút thắt về thể chế, nguồn vốn tín dụng, yêu cầu khai thác đồng bộ hiệu quả các dự án cao tốc.

Để đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, Tập đoàn Đèo Cả muốn đóng góp ý kiến của mình thông qua các mô hình:

Thứ nhất là mô hình quản trị doanh nghiệp (thực chiến). Từ một doanh nghiệp tư nhân với mô hình hợp tác xã tại tỉnh Phú Yên, Đèo Cả đã xây dựng nguồn lực để tham gia hạ tầng giao thông. Đến nay, Tập đoàn có 20 đơn vị thành viên với quy mô 8.000 lao động, hoàn thành đầu tư, thi công hơn 47km hầm đường bộ, 480km đường cao tốc và quốc lộ, quản lý 18 trạm thu phí đường bộ trên cả nước.Tập đoàn đã chứng thực mô hình quản trị thành công, chuẩn hóa quy trình quản lý doanh nghiệp giao thông, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp thực chiến không chỉ cho mình đã nhân rộng cho các đối tác là doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Thứ hai là mô hình tài chính liên kết, kết nối với các doanh nghiệp khác cùng đầu tư, thi công theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa rủi ro chia sẻ" để cùng tham gia các Dự án đầu tư PPP. Qua đó, tổ chức đào tạo nâng cao khả năng quản trị, năng suất lao động khi tối ưu sản xuất khi kiểm soát chi phí khi đưa công nghệ vào quản lý chi phí, năng cao năng suất lao động khi tham gia thi công các dự án đầu tư công, hay hoạch định chuẩn bị nhân lực để thực hiện công trình đường sắt và metro trong tương lai. Doanh nghiệp cần sự nối kết của Chính phủ khi cùng chung tay hợp tác, cần cụ thể việc đặt hàng cho DN tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm chiến lược như đường sắt tốc độ cao, metro,...

Thứ ba, mô hình xây dựng văn hóa và ứng dụng công nghệ. Đèo Cả luôn quan niệm "văn hóa và nhân lực là hai thứ không thể vay mượn", từ đó tự chủ xây dựng nền văn hóa riêng và tự chủ trong hoạt động. Chú trọng xây dựng văn hóa Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, xác định mục tiêu của các đảng bộ, chi bộ phải đồng hành cùng phát triển kinh tế của Doanh nghiệp. Hiện nay Tập đoàn Đèo Cả có 2 đảng bộ, 10 chi bộ trực thuộc và 200 đảng viên. Tập đoàn đặc biệt coi trọng vai trò của tổ chức đảng và đảng viên trong mọi hoạt động của Tập đoàn.

Sẵn sàng đảm nhận những dự án lớn sắp tới của đất nước, Tập đoàn đặc biệt chú trọng phát triển, nâng cấp nguồn nhân lực; chủ động đào tạo nhiều cấp bậc, đa lĩnh vực cho toàn hệ thống, hoạch định và đầu tư cho nguồn nhân lực kế cận, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị đào tạo trong nước và quốc tế. Để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phần triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Tập đoàn Đèo Cả đưa ra một số kiến nghị, giải pháp.

Một là, tạo niềm tin để doanh nghiệp kiên định đồng hành cùng đất nước. Cần giải quyết các bất cập từ thể chế chính sách đã tồn tại nhiều năm không được giải quyết, xử lý triệt để đối với các dự án bị đình trệ, gây lãng phí.

Hai là, xác định giá trị mà doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho đất nước thông qua các dự án đầu tư PPP. Cần đánh giá nghiêm túc các dự án của tư nhân đầu tư về giá trị đầu tư, chất lượng, tiến độ thi công, chi phí,… so các dự án của khối Nhà nước và để chọn lọc các doanh nghiệp làm tốt, tạo điều kiện để trở thành các con chim đầu đàn của ngành nhằm tạo điều kiện để dìu dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển.

Ba là, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân xây dựng văn hóa trở thành "doanh nghiệp dân tộc". Một doanh nghiệp dân tộc không chỉ đơn thuần là các tổ chức kinh doanh trong nước mà còn mang sứ mệnh lớn hơn là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Bốn là, đồng hành để doanh nghiệp tư nhân trong nước hòa nhập quốc tế; tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước học tập mô hình từ các quốc gia tiên tiến nhằm nâng cao năng lực thiết kế, thi công, quản lý và vận hành dự án.

Năm là, tiếp tục kiến tạo cơ chế để đảng viên và tổ chức đảng thực sự đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Thanh Giang

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mong-muon-chinh-phu-dong-hanh-de-doanh-nghiep-tu-nhan-cung-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post859354.html
Zalo