Môn tích hợp ở cấp THCS, nhìn từ kỳ thi học sinh giỏi năm đầu tiên
Kỳ thi học sinh giỏi văn hóa nhưng các môn tích hợp chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ là kiến thức chung cho cả môn học còn lại đa số là kiến thức của từng phân môn.
Cuối tuần vừa qua (tuần 19 của năm học), địa phương chúng tôi tổ chức kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp huyện cho học sinh lớp 9. Điều khá bất ngờ là số lượng thí sinh đăng ký thi học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí không nhiều như các năm trước. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi giảm và điểm thi của học sinh cũng thấp hơn các kỳ thi trước (Chương trình 2006).
Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng trong lộ trình cuốn chiếu Chương trình 2018 và là năm đầu tiên các địa phương tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở chương trình mới nhưng còn nhiều điều băn khoăn. Trong đó, các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ từ các bộ phận chuyên môn của ngành.
Môn tích hợp nhưng đang thực hiện riêng lẻ cả trong giảng dạy và kiểm tra, thi cử
Thực hiện Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng kế hoạch dạy học các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp nên hiện nay đa số các nhà trường đang bố trí các phân môn trong 2 môn tích hợp dạy song song với nhau.
Mỗi môn học đang có 2-3 giáo viên giảng dạy theo phân môn và học sinh cũng đang có từ 2-3 quyển vở để ghi chép môn tích hợp trong quá trình học tập. Khi kiểm tra thường xuyên thì phân môn nào, phân môn đó kiểm tra. Kiểm tra định kỳ cũng đang thực hiện riêng, hoặc có trường chung đề nhưng chia từng phân môn riêng.
Đối với việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi văn hóa nhưng các môn tích hợp chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ là kiến thức chung cho cả môn học còn lại đa số là kiến thức của từng phân môn.
Ở địa phương người viết công tác chia tỉ lệ môn Khoa học tự nhiên có 3 đề thi, học sinh chọn 1 trong 3 đề thi. Mỗi đề thi có 2 phần, phần chung (3,0 điểm, chiếm 15%); phần riêng (17,0 điểm, chiếm 85%).
Nội dung mỗi đề thi phần riêng là 1 chủ đề trong 3 chủ đề. Chủ đề 1: Năng lượng và sự biến đổi (khoa học vật lí); Chủ đề 2: Chất và sự biến đổi chất (khoa học hóa học); Chủ đề 3: Vật sống (khoa học sinh học).
Như vậy, chúng ta thấy tỉ lệ cho kiến thức chung (kiến thức của 3 phân môn trong môn Khoa học tự nhiên) chỉ chiếm tỉ lệ khá nhỏ. Học sinh vẫn đang ôn theo phân môn, khi thi, các em cũng dự thi theo phân môn riêng lẻ. Dù sở giáo dục hướng dẫn kiến thức chung là 15% nhưng nếu trừ đi phân môn học sinh dự thi thì chỉ còn 10% cho 2 phân môn còn lại.
Đối với môn Lịch sử và Địa lí có 2 (hai) đề thi, học sinh chọn 1 (một) trong 2 (hai) đề thi. Mỗi đề thi có 2 phần, phần chung (2,0 điểm, chiếm 10%); phần riêng (18,0 điểm, chiếm 90%). Nội dung mỗi đề thi là 1 phân môn trong 2 phân môn Lịch sử hoặc Địa lí.
Như vậy, chúng ta thấy học sinh dự thi học sinh giỏi môn Lịch sử và Địa lí có tới 90% cho kiến thức phân môn dự thi. Chỉ có 10% kiến thức chung cho cả 2 phân môn.
Trong thực tế, khi thi học sinh giỏi, học sinh thi phân môn nào xếp riêng vào phòng thi đó và thực hiện đề riêng cho từng phân môn. Các phân môn tích hợp vẫn thi phòng riêng, bảng điểm riêng và tất nhiên học sinh cũng được ôn thi riêng với từng giáo viên của phân môn các em dự thi.
Suy cho cùng, mặc dù là cấp trung học cơ sở đang có 2 môn tích hợp nhưng thực tế thực hiện đang riêng biệt theo từng phân môn từ phân công giảng dạy; xếp thời khóa biểu; kiểm tra; thi học sinh giỏi. Chỉ có một cái chung là cùng tên môn học và bảng điểm chung đứng cùng môn học (nhưng điểm cơ sở riêng).
Sau kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện chỉ còn rất ít học sinh đủ điều kiện dự thi cấp tỉnh
Khác với cấp trung học phổ thông là giáo dục định hướng nghề nghiệp còn cấp trung học cơ sở đang là giáo dục cơ bản nên việc lựa chọn môn thi học sinh giỏi ở cấp trung học cơ sở cũng chưa được rạch ròi, thực dụng như cấp trung học phổ thông.
Học sinh lựa chọn môn thi học sinh giỏi ở cấp trung học cơ sở có thể là sở thích nhưng cũng có thể là do thầy cô lựa chọn, học sinh nể thầy cô, hoặc học sinh thấy môn học đó dễ hơn các môn học khác.
Vì vậy, môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở có yếu tố tích hợp và đặc biệt là khóa lớp 9 năm nay có 2 năm đầu tiên (lớp 6 và lớp 7)- khi Bộ chưa ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH nên học theo mạch kiến thức ở nhiều giai đoạn khác nhau trong năm học.
Học sinh lớp 9 của năm học này thiệt thòi hơn các khóa học sau. Không chỉ các em là khóa đầu tiên mà còn rơi vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 và kiến thức các phân môn giảng dạy không song song giống như hiện nay.
Chính vì thế, trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa năm nay, tại địa phương người viết công tác, học sinh đăng ký ôn tập, dự thi 2 môn tích hợp không nhiều và những em học sinh giỏi đều cũng không mặn mà với 2 môn tích hợp. Việc khó khăn trong học tập, ôn thi, khi dự thi dẫn đến nguồn thi học sinh giỏi 2 môn tích hợp không mạnh. Từ đó, dẫn đến điểm thi học sinh giỏi không cao.
Theo người viết tham khảo từ đồng nghiệp ở một số địa phương khác, có tỉnh có kế hoạch mỗi huyện được lựa chọn 10 em vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng sau kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện thì không có nguồn để tuyển đủ số lượng vì khống chế 10 điểm (điểm trung bình) mới đủ điều kiện dự thi cấp tỉnh.
Chỉ còn mấy tháng nữa là kết thúc lộ trình cuốn chiếu các lớp thuộc chương trình 2018. Chương trình 2018 ở cấp trung học cơ sở chỉ còn một kỳ thi tuyển sinh vào 10, vào lớp 10 chuyên nữa là có thể đánh giá toàn diện chương trình.
Nhưng, những gì đã và đang thực hiện đã xuất hiện khá nhiều bất cập từ chương trình, sách giáo khoa (bố trí theo phân môn, mạch kiến thức, tác giả phân môn riêng), bồi dưỡng giáo viên (theo từng phân môn); giảng dạy theo phân môn, thi học sinh giỏi cơ bản theo phân môn. Vì vậy, 2 môn tích hợp còn nhiều vấn đề rất cần được phân tích, đánh giá khi năm học 2024-2025 kết thúc.