Xuân về trên vùng biển đảo Tây Nam - Bài 3: Gieo chữ nơi đảo xa

Hình ảnh thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Bình Phục, Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối đứng lớp dạy học sinh, gieo chữ nơi đảo xa đã trở nên quen thuộc.

Clip: Thầy giáo Trần Bình Phục giảng bài cho học sinh lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối

Thầy giáo mang quân hàm xanh

Đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), nằm cách đất liền gần 32 km về phía tây, diện tích đảo khoảng 7 km2. Đảo Hòn Chuối có địa hình rất phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều với hai mùa gió rõ rệt.

Hòn Chuối có 1 tổ nhân dân tự quản với gần 50 hộ dân và hơn 150 nhân khẩu. Người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy hải sản.

Những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, hình ảnh những cháu nhỏ lấm lem theo bố mẹ đi nuôi cá lồng đã làm "nhói lòng" người lính trẻ Trần Bình Phục. Trên đảo chưa có trạm y tế và trường học nên dân trên đảo có nhiều gia đình cả nhà không biết chữ, tương lai của các em nhỏ rất mờ mịt.

Thiếu tá Trần Bình Phục đứng lớp giảng bài cho học sinh nhiều khối lớp khác nhau

Thiếu tá Trần Bình Phục đứng lớp giảng bài cho học sinh nhiều khối lớp khác nhau

Thiếu tá Phục đã xin phép được mở lớp dạy các cháu học để biết đọc, biết viết. Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối chính thức ra đời, được dựng tạm. Đến năm 2016, được sự hỗ trợ của thanh niên tình nguyện, lớp học đã được đầu tư khang trang trị giá trên 500 triệu đồng.

Vì không có nghiệp vụ sư phạm, để đứng lớp với nhiều khối khác nhau, thầy giáo Phục phải thức trắng nhiều đêm để tự học, soạn giáo án. Thầy Phục kể có nhiều lần phải tự tập đứng lớp, tự cầm phấn viết lên bảng, giảng một mình để trau dồi kinh nghiệm mới có thể tự tin truyền đạt cho học trò.

Em Kim Quỳnh Anh, học lớp vỡ lòng tại lớp học tình thương

Em Kim Quỳnh Anh, học lớp vỡ lòng tại lớp học tình thương

Ghé thăm lớp học tình thương của thầy giáo mang quân hàm xanh Trần Bình Phục, tôi thấy có 3 chiếc bảng dài gắn ở 3 bức tường với mỗi hướng khác nhau. Lớp học hiện nay có 12 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi.

Học sinh các khối lớp ngồi cố định theo hướng bảng xuôi – ngược để học, chỉ có thầy Phục di chuyển quanh lớp để giảng bài cho từng học sinh. Giảng xong, thầy giao bài cho học sinh làm rồi tiếp tục qua giảng cho học sinh với chiếc bảng khác.

Quan sát hồi lâu, chúng tôi thấy học sinh lớp học tình thương của thầy Phục rất chú ý học. Trong lúc thầy giảng bài cho lớp này, các học sinh lớp khác dù ngồi gần nhưng không bị tác động.

Em Nguyễn Ngọc Thái, học lớp 5 của lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối có anh trai là Nguyễn Thái Châu cũng từng học tại đây.

"Thầy giáo tận tình hỏi đi hỏi lại kiến thức cho em nhớ. Em chưa hiểu thầy sẽ giảng lại đến khi hiểu mới thôi", em Thái cho biết.

“Để các em không bị phân tâm, tôi chủ động sắp xếp dạy các lớp không trùng môn. Nếu lớp 3 hôm nay học toán thì các em lớp 5 học văn hoặc ngược lại để bài giảng của lớp này không ảnh hưởng đến lớp kia. Ban đầu, không khí học tập của lớp ghép cũng bị loãng, nhưng lâu dần các em đã quen”, thầy giáo Phục chia sẻ.

Cây tốt sinh quả ngọt

Đã hơn 15 năm “người đưa đò” Trần Bình Phục gắn bó với lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối. Thầy Phục không thể nhớ hết, chỉ đếm khoảng hơn 60 học trò đã được học tại lớp. Trong đó có 6 học sinh đã tốt nghiệp đại học, có việc làm tốt.

Có cháu sau khi nắm bắt kiến thức cơ bản đã theo học nghề, đã có việc làm ổn định. Đến nay không học sinh nào của lớp học tình thương dính vào tệ nạn xã hội.

Trách nhiệm và tình cảm của người lính nơi đảo xa như thầy Phục là sợi dây gắn kết tình cảm quân - dân, giúp cho nhân dân đoàn kết cùng các lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt là bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

Học sinh trên đảo Hòn Chuối hào hứng đến lớp học tình thương

Học sinh trên đảo Hòn Chuối hào hứng đến lớp học tình thương

Ngoài nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy cho học sinh, thầy giáo Phục còn vận động những gia đình có các cháu tới tuổi đi học tham gia lớp học tình thương. Thiếu tá Phục còn tham gia sửa chữa nhà, phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai giúp bà con địa phương.

Lý giải lý do đứng lớp giảng dạy suốt 15 năm qua, thầy Phục nhấn mạnh về tinh thần trách nhiệm của người lính và tình cảm đối với các em học sinh. "Trình độ, cuộc sống của các em trên đảo Hòn Chuối được nâng lên là động lực của tôi. Tôi tự thấy mình chưa làm được nhiều. Dù dạy học là nghề tay trái, nhưng tôi mong muốn được gắn bó lâu dài hơn nữa để được dạy những đứa con của mình", thầy Phục nói.

Thầy giáo Trần Bình Phục và các học trò trên đảo Hòn Chuối

Thầy giáo Trần Bình Phục và các học trò trên đảo Hòn Chuối

Mặc áo lính đã 28 năm, có 15 năm công tác trên đảo Hòn Chuối là từng ấy năm thầy Phục ăn Tết trên đảo. Thầy giáo Phục là nhân tố tích cực gắn kết tình quân - dân trên đảo, được cấp trên, đồng đội, người dân đánh giá là tấm gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với những thành tích đã đạt được, thiếu tá Phục đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng...

Ở đảo xa đất liền, tình quân dân luôn đoàn kết gắn bó. Nhờ có lớp học của thầy Phục mà không em nhỏ nào trên đảo không biết chữ. Chữ tình - nghĩa quân dân đang từng ngày xây dựng đảo Hòn Chuối trở nên tốt đẹp hơn. Người dân đã và đang an tâm sinh sống, bám biển cùng với các lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bài cuối: Những người con Hải Dương cắm chốt tiền tiêu

THÀNH ĐẠT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/xuan-ve-tren-vung-bien-dao-tay-nam-bai-3-gieo-chu-noi-dao-xa-403641.html
Zalo