Món ăn ngày Tết
Tết đến, là dịp để mọi người trong gia đình đoàn tụ sau một năm làm việc vất vả. Vì thế, nhà nhà, người người chuẩn bị các lễ vật, mâm cỗ thịnh soạn và đầy đủ tùy theo điều kiện của mỗi gia đình với mong muốn năm mới an lành, đầy đủ và hạnh phúc.
Những ngày Tết, hầu như gia đình nào cũng đều chuẩn bị khay bánh, mứt để cho các thành viên trong gia đình sum họp cùng thưởng thức và tiếp đãi khách. Trong đó, sản phẩm mứt dừa là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết.
Bà Nguyễn Thị Cẩm, chủ cơ sở sản xuất mứt dừa sáp Cẩm Hằng, Khóm 2, thị trấn Cầu Kè cho biết: trong năm nay nhờ tham gia thường xuyên các cuộc hội thảo, hội chợ xúc tiến thương mại, nên sản phẩm mứt dừa sáp đã tiếp cận nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, do đó, sản lượng mứt, kẹo dừa sáp sản xuất ổn định hàng ngày.
Kế hoạch sản xuất Tết năm nay, cơ sở sản xuất khoảng 200kg mứt dừa sáp/ngày và 300kg kẹo dừa sáp/ngày và giá bán ổn định như những ngày thường là 500.000 đồng/kg mứt dừa sáp, kẹo dừa sáp 300.000 đồng/kg, giải quyết đầu ra cho nông dân khoảng trên 20.000 trái dừa sáp, giải quyết việc làm cho 15 lao động, thu nhập 300.000 đồng/ngày/lao động.
Các món chả lụa cũng góp phần làm cho bữa ăn ngày Tết thêm phong phú hơn. Đặc biệt gần đây, món chả bò xuất hiện trên các bàn tiệc để tiếp đãi khách với khoanh chả bò màu hồng đỏ, thơm ngon với đủ vị ngọt, mặn, cay,… đã khiến cho món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Mặc dù giống nhau nhưng món chả bò Sao Kim của Công ty TNHH thực phẩm Sao Kim VFG, ấp Ba, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang chế biến thơm ngon và được thị trường ưa chuộng, món được ăn kèm với các món khai vị khác.
Bà Trần Thị Thu Ba, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Sao Kim VFG cho biết: món chả bò Sao Kim là món ăn đặc sản của Công ty được làm từ thịt bò tươi, sau đó được tẩm ướp gia vị, xay nhuyễn và đóng gói bằng lá chuối. Thành công của món ăn này nhờ được học hỏi kinh nghiệm từ một người quen ở Đà Nẵng và được thị trường ưa chuộng nhiều nhất.
Ngoài sản phẩm chả bò, Công ty chế biến các món chả khác như chả heo, chả cá, xúc xích… giá bán từ 180.000 - 380.000 đồng/kg. Đây là món ăn được làm từ thịt heo, thịt bò, cá xây nhuyễn và đóng gói bằng lá chuối và hiện đã đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất Tết, ngoài sản xuất các loại chả truyền thống, Công ty đầu tư mới, nâng cấp dây chuyền sản xuất thêm một số sản phẩm mới như bò viên, tôm viên, cá viên phục vụ món ăn lẩu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hiện nay, phần lớn Công ty sản xuất theo đơn đặt hàng cung cấp sỉ và lẻ, trung bình sản xuất từ 50 - 70kg chả các loại, giải quyết việc làm cho 06 lao động với thu nhập trung bình từ 04 - 07 triệu đồng/người/tháng. Dịp Tết, sản lượng sản xuất tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Ngoài những món ăn, bánh, mứt truyền thống, dịp Tết năm nay xuất hiện sản phẩm mứt cóc đã tạo nên món ăn hấp dẫn. Nghe qua món ăn tuy đơn giản, nhưng để tạo ra món mứt cóc thì tốn không ít thời gian và tỉ mỉ.
Bà Đào Thị Kim Xuyến, chủ cơ sở sản xuất mứt Đào Xuyến, ấp Số 8, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long cho biết: trái cóc là loại trái cây ăn vặt của người dân địa phương, có nhiều lợi ích sức khỏe như hỗ trợ trị cảm, giảm cân, tăng cường đề kháng, tăng cường thị lực,… Để món ăn trái cóc tiếp cận người tiêu dùng, góp phần giải quyết đầu ra cho người dân, sau thời gian nghiên cứu, bà chế biến thành công món mứt cóc sấy muối ớt được người tiêu dùng tiếp nhận và đạt chuẩn OCOP 3 sao. Để có sản phẩm mứt cóc sấy thơm ngon, sau khi sơ chế 20kg nguyên liệu cóc thái, ướp thêm gia vị như đường, muối, ớt sau đó đem sên và sấy khoảng 10 giờ thành phẩm 2,5kg mứt sấy.
Ngoài sản xuất mứt cóc sấy muối ớt, cơ sở chế biến thêm sản phẩm mứt gừng, mứt chùm ruột, mứt me. Trong đó, sức tiêu thụ sản phẩm mứt cóc sấy luôn đạt cao hơn so với các loại mứt khác. Trung bình cơ sở sản xuất từ 30 - 50kg mứt/tháng với giá bán từ 120.000 - 180.000 đồng/kg. Riêng tháng Tết sản xuất tăng lên gấp đôi, góp phần giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình và lao động địa phương.
Với sự linh hoạt nhạy bén trong kinh doanh và đổi mới tư duy, sáng tạo trong sản xuất, góp phần tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền vẫn còn khó khăn; đồng thời góp phần quảng bá giá trị sản phẩm OCOP, đặc sản của tỉnh, hướng đến thị trường ngoài nước.