Mới vào mùa nắng nóng, nhiều gia đình đã trả hóa đơn tiền điện gấp đôi

Trong kỳ hóa đơn tiền điện tháng 3-2025, nhiều người dân TP.HCM cho biết tiền điện trong sinh hoạt gia đình đã tăng cao so với những tháng trước đó.

Hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình ở TP.HCM đã tăng từ 30-40% vào kỳ điện tháng 3-2025, thậm chí tiền điện của một số gia đình đã tăng gấp đôi.

Giật mình với hóa đơn tiền điện

Chị Nguyễn Thị Quyên (TP Thủ Đức) cho biết thông thường mỗi tháng gia đình chị thanh toán khoảng 1,2-1,5 triệu đồng tiền điện. Thế nhưng, khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 3-2025, chị đã bất ngờ khi số tiền đã tăng gần gấp đôi, lên tới 2,7 triệu đồng.

"Nhận hóa đơn tiền điện tăng gần gấp đôi mà tôi giật mình, bởi nhu cầu sử dụng điện của gia đình tôi vẫn giống như những tháng trước. Nếu vào đợt nắng nóng kỷ lục không biết tiền điện sẽ tăng bao nhiêu nữa" - chị Quyên lo lắng.

 Hóa đơn tiền điện tháng 3 của nhiều gia đình đã tăng cao. Ảnh: EVNHCMC

Hóa đơn tiền điện tháng 3 của nhiều gia đình đã tăng cao. Ảnh: EVNHCMC

Tương tự, anh Nguyễn Văn Thái (quận 3), cho biết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 3 của gia đình anh cũng tăng 40%. Theo anh Thái, 4 người trong gia đình anh đều đi làm, đi học nên chỉ sử dụng điện vào buổi tối, gia đình vẫn sử dụng điện như mọi ngày nhưng không rõ vì sao hóa đơn tiền điện lại tăng.

Chị Nguyễn Thị Hoa (TP Thủ Đức) cũng bất ngờ khi hóa đơn tiền điện tháng 3 của gia đình tăng gấp đôi dù không phát sinh thêm các thiết bị sử dụng điện. Quá lo lắng, chị Hoa liên hệ với Ban Quản lý chung cư nơi mình ở để phối hợp với ngành điện kiểm tra công tơ nhưng kết quả bình thường.

"Tôi theo dõi qua app của ngành điện thì phát hiện có 3 ngày sử dụng tới 50 số điện. Tôi cũng hỏi thăm nhiều gia đình trong chung cư thì được biết nhiều nhà cũng nhận hóa đơn tiền điện tăng cao mà không rõ nguyên nhân" - chị Hoa nói.

Máy lạnh chiếm tới 50% hóa đơn tiền điện

Đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết theo dự báo, nhiệt độ tối đa trung bình của tháng 4-2025 dự kiến đạt 35,10°C, thấp hơn so với mức 36,57°C của năm 2024, nhưng thực tế có thể cao hơn. Từ tháng 3 đến tháng 5, nhiệt độ dao động từ 34-37°C, với giai đoạn cuối tháng 4 và 5 thường ghi nhận các đợt nắng nóng kéo dài.

Phân tích số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM cho thấy trong tháng 2, sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày toàn TP đạt 74,76 triệu kWh/ngày tăng 10,68% so với cùng kỳ tháng 2-2024 là 67,55 triệu kWh/ ngày.

Trong đó, sản lượng điện sinh hoạt tương đối thấp, chỉ đạt 35,59 triệu kWh/ngày. Nguyên nhân chính là khoảng thời gian này rơi vào Tết Nguyên đán, một bộ phận người dân rời TP và các hoạt động sản xuất tạm ngưng nên nhu cầu sử dụng điện giảm. Ngoài ra, thời tiết trong dịp Tết khá lạnh so với thời tiết trong cùng khoảng 10 năm gần đây dẫn đến việc tiêu thụ điện năng trong tháng 2 ở mức thấp.

Trong tháng 3, sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày toàn TP đạt 86,97 triệu kWh/ngày, cao hơn 16,32% (tương đương 12,02 triệu kWh/ngày) so với tháng 2-2025 là 74,76 triệu kWh/ngày.

Trong đó, sản lượng điện sinh hoạt cũng tăng dần, đạt 42,64 triệu kWh/ngày, cao hơn 19,81% so với sản lượng điện sinh hoạt bình quân ngày của tháng 2. Lý do là tháng 3 có 31 ngày và là tháng đầu tiên của chu kỳ nắng nóng, chưa có mưa. Nhiệt độ trung bình tháng 3 cao hơn tháng 2 nên người dân sử dụng máy lạnh nhiều dẫn đến sản lượng điện sinh hoạt tháng 3 cao hơn tháng 2.

Tháng 4 là tháng đỉnh điểm của nắng nóng, thời tiết oi bức và chưa có mưa. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày toàn TP dự kiến đạt 100,80 triệu kWh/ngày cao hơn 34,83% so với tháng 2 và cao hơn 15,80% so với tháng 3-2025. Do vậy, sản lượng điện sinh hoạt của tháng 4 là cao nhất trong 3 tháng (cao hơn 15,83% so với tháng 3 và cao hơn gần 38,77% so với tháng 2). Trong tháng 4, nắng nóng kéo dài dẫn đến việc sử dụng máy lạnh ở mức cao nhất trong năm.

EVNHCMC cho biết

EVNHCMC cho biết nhiệt độ môi trường có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ điện, đặc biệt trong mùa nắng nóng. Khi nhiệt độ tăng cao, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt điện, và tủ lạnh tăng mạnh, kéo theo lượng điện tiêu thụ tăng đáng kể.

 Máy lạnh chiếm tới 50% hóa đơn tiền điện. Ảnh: ĐÀO TRANG

Máy lạnh chiếm tới 50% hóa đơn tiền điện. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đối với hộ gia đình, điều hòa không khí có thể chiếm tới 50% tổng điện năng vào mùa nóng, đặc biệt khi nhiệt độ vượt ngưỡng 35°C. Ngoài ra, tủ lạnh và các thiết bị điện khác cũng hoạt động nhiều hơn để duy trì hiệu suất, làm tăng mức tiêu thụ điện từ 20-30% so với các tháng còn lại.

Theo EVNHCM, trong sản xuất, các nhà máy phải vận hành hệ thống làm mát công nghiệp liên tục để đảm bảo điều kiện làm việc, dẫn đến mức tiêu thụ điện tăng 10-15%. Nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng đến hiệu suất máy móc, khiến doanh nghiệp phải tiêu hao nhiều điện hơn để duy trì hoạt động ổn định. Do đó, các giải pháp tiết kiệm điện như sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, tối ưu hệ thống làm mát trong doanh nghiệp, và tận dụng năng lượng tái tạo là rất quan trọng.

Nhìn chung, tình hình tiêu thụ điện tại TP sẽ tiếp tục tăng cao vào tháng 4 và tháng 5 khi thời tiết trở nên oi bức hơn. Việc tiết kiệm điện không chỉ giúp giảm chi phí sinh hoạt mà còn góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để đạt được hiệu quả cao trong việc sử dụng điện, đặc biệt là với các thiết bị làm mát, người dân có thể áp dụng các biện pháp sau: chọn thiết bị tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh nhiệt độ hợp lý, bảo dưỡng thiết bị điện định kỳ, tận dụng các nguồn làm mát tự nhiên...

Từ ứng dụng EVNHCMC CSKH, khách hàng có thể tra cứu nhanh hóa đơn tiền điện, chỉ số điện và lịch sử thanh toán một cách thuận tiện nhất. Đồng thời, khách hàng có thể giám sát tình hình sử dụng điện thông qua biểu đồ phụ tải và cảnh báo bất thường, giúp khách hàng dễ dàng theo dõi và quản lý tiêu thụ điện năng.

Bên cạnh đó, khách hàng có thể sử dụng công cụ “ước tính điện năng” để ước tính điện năng tiêu thụ của từng thiết bị điện trong gia đình, giúp gia đình sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm hơn.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/moi-vao-mua-nang-nong-nhieu-gia-dinh-da-tra-hoa-don-tien-dien-gap-doi-post843224.html
Zalo