Mọi thứ chỉ mới bắt đầu ở Syria

Sự sụp đổ của chế độ Bashar al-Assad kéo theo một chính phủ chuyển tiếp mới được hình thành. Liệu điều này có giúp chấm dứt cuộc nội chiến và mang đến hòa bình, thịnh vượng cho người dân Syria?

Sự sụp đổ bất ngờ của chế độ Bashar al-Assad ở Syria gợi lên mối liên hệ với các sự kiện năm 2021 ở Afghanistan. Trong cả hai trường hợp, các lực lượng vũ trang quốc gia thể hiện sự bất mãn với giới cầm quyền, sau đó chính phủ mong mạnh bị sụp đổ như một lẽ tất yếu.

Ashraf Ghani là nhà lãnh đạo Afghanistan trong 7 năm, nhưng trong những năm này, ông không những thất bại trong việc mở rộng cơ sở chính trị và xã hội cho quyền lực của mình, mà còn đánh mất phần lớn những gì ông được thừa hưởng từ người tiền nhiệm Hamid Karzai.

Bashar al-Assad, người cũng đã được cứu trong giây phút “ngàn cân treo sợi tóc” vào mùa thu năm 2015 nhờ nỗ lực của Iran và Nga, đã có tới 9 năm để thúc đẩy hòa giải dân tộc, nhưng chưa bao giờ đoàn kết được người Syria.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ tình hình của hai nước có thể phát hiện ra những điểm khác biệt. Nếu ở Afghanistan, phong trào Taliban đã củng cố được quyền lực ở Kabul, tránh được thảm họa nhân đạo, ngăn chặn dòng người tị nạn có thể lên tới hàng triệu người, và thậm chí thực hiện những bước đi đầu tiên hướng tới sự công nhận của quốc tế, thì khả năng thành công như vậy ở Syria có vẻ thấp hơn.

Bất đồng quan điểm và xung đột lợi ích quyền lực giữa các lực lượng tuyên bố tham giao vào việc phân chia di sản của chính quyền Assad là rất lớn - giữa người Sunni và người Shiite, người Kurd và người Thổ Nhĩ Kỳ, người Alawite và người Druze, các chính trị gia thế tục và những người theo trào lưu chính thống Hồi giáo, giữa những người ôn hòa và những người cấp tiến. Liên minh hỗn tạp chống lại chính quyền Assad sẽ rất khó duy trì sau khi ông bị lật đổ.

Các nước láng giềng của Syria khó có thể đóng vai trò là người bảo đảm cho tình trạng nhà nước của Syria hoặc ít nhất là an ninh ở Syria. Israel quá bận rộn ở Gaza và miền nam Lebanon để có thể nghĩ đến tương lai của Syria; ưu tiên của nước này là giữ lại Cao nguyên Golan và tạo vùng đệm an ninh chiến lược ở khu vực biên giới với Syria. Ảnh hưởng của Ankara đối với các nhóm cực đoan ở tỉnh Idlib không phải là tuyệt đối; Tổng thống Recep Erdogan có lý do chính đáng để lo ngại sự gia tăng mạnh mẽ của những người theo trào lưu chính thống ở biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, Iran và Iraq sẽ không thể đóng vai trò là trọng tài khách quan trong các vấn đề của Syria. Về vấn đề này, có nguy cơ Syria sẽ biến thành một Somalia thứ hai, nơi xung đột dân sự và các cuộc nổi dậy chống lại chính quyền trung ương ở Mogadishu không dừng lại.

Điều này có nghĩa là với sự sụp đổ của Chính quyền Tổng tống Bashar al-Assad, trò chơi chính trị ở Syria và khu vực chỉ mới bắt đầu. Trong ván cờ này, Moscow không còn “con át chủ bài” trong tay là nhà lãnh đạo duy nhất của Syria, nhưng vẫn giữ lại một số quân bài mạnh. Tổng đầu tư của Nga vào Syria lên tới hơn 20 tỷ USD. Moscow là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Damascus. Cộng đồng người Syria ở Nga không quá đông nhưng rất thành công về mặt kinh tế và hoạt động xã hội. Và ngay tại Syria, những thiện cảm mạnh mẽ dành cho Nga hình thành từ thời Xô Viết xa xôi vẫn chưa hề biến mất. Nói tóm lại, Moscow có nhiều lý do để tiếp tục là một bên tham gia tích cực thay vì trở thành người ngoài cuộc trong vấn đề Syria.

Sự thay đổi lãnh đạo chính trị sắp tới ở Washington cũng đặt ra câu hỏi về vai trò tương lai của Mỹ trong khu vực. Đối với người Mỹ, việc Tổng thống Bashar al-Assad bị lật bản là kịch bản có lợi; bởi lẽ, Mỹ luôn xem ông Assad là cái gai trong mắt. Tuy nhiên, bài toán cần tân Tổng thống Donald Trump tìm lời giải là làm thế nào để có thể thỏa hiệp với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề người Kurd ở Syria.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/moi-thu-chi-moi-bat-dau-o-syria-233180.htm
Zalo