Mối quan hệ 'vàng' với ông Trump: Qualcomm tăng tốc giữa căng thẳng Mỹ-Trung
Qualcomm, nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, đang tận dụng mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump để đẩy mạnh các kế hoạch phát triển đầy tham vọng.
Theo Reuters, tại một sự kiện dành cho nhà đầu tư ở New York, Qualcomm không chỉ công bố các dự báo tăng trưởng ấn tượng mà còn khẳng định rằng các chính sách thuế quan của Mỹ với Trung Quốc sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của họ.
Để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường điện thoại thông minh – vốn chiếm hơn 50% doanh thu năm tài chính trước – Qualcomm đang chuyển hướng sang các lĩnh vực tiềm năng khác. Trong vòng 5 năm tới, công ty dự kiến đạt 22 tỉ USD doanh thu từ nhiều ngành.
Qualcomm hợp tác với Microsoft để cạnh tranh với các đối thủ lớn như Intel và AMD trong việc sản xuất chip máy tính, đặt mục tiêu đạt 4 tỉ USD vào năm 2029. Công ty cũng đã hợp tác với General Motors để phát triển chip hỗ trợ các hệ thống lái tự động và điều khiển trên xe hơi, với kỳ vọng mang về 8 tỉ USD doanh thu trong cùng kỳ.
Các chip của Qualcomm hiện đã được sử dụng trong thiết bị của Meta Platforms, với mục tiêu tạo ra 2 tỉ USD doanh thu vào năm 2029. Qualcomm đặt mục tiêu đạt 4 tỉ USD từ việc bán chip cho các thiết bị gia dụng thông minh và hệ thống công nghiệp. Những chiến lược này đánh dấu bước tiến lớn của Qualcomm, từ việc chỉ tập trung vào điện thoại thông minh sang trở thành một công ty công nghệ đa ngành.
Một phần lớn sự tự tin của Qualcomm đến từ mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền ông Trump. Alex Rogers, Giám đốc bộ phận cấp phép công nghệ của Qualcomm, nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của chính quyền Trump trước đây đã giúp công ty vượt qua các thách thức lớn. Ví dụ, vào năm 2018, chính quyền Trump đã ngăn chặn một nỗ lực thâu tóm Qualcomm trị giá hàng tỉ USD từ đối thủ Broadcom.
"Chúng tôi kỳ vọng mối quan hệ này sẽ tiếp tục bền chặt, tương tự như những gì chúng tôi đã trải nghiệm trước đây", Rogers cho biết.
Lutnick, CEO của Cantor Fitzgerald, là người công khai ủng hộ các chính sách thuế quan của Trump và dự kiến sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho Qualcomm trong việc phát triển kinh doanh chiến lược.
Đáng chú ý, ông Howard Lutnick – một người ủng hộ trung thành của các chính sách kinh tế do Trump đưa ra – đang được đề cử làm Bộ trưởng Thương mại.
Mặc dù Trung Quốc chiếm 46% doanh thu của Qualcomm trong năm tài chính gần nhất, CEO Cristiano Amon cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung không phải là mối đe dọa lớn đối với công ty. Amon nhấn mạnh rằng các đối tác Trung Quốc vẫn tiếp tục mua chip ô tô từ Qualcomm, ngay cả khi Mỹ áp đặt các chính sách thuế quan nghiêm ngặt.
Hơn nữa, việc Qualcomm mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác ngoài điện thoại thông minh đã củng cố mối quan hệ của công ty với các đối tác Trung Quốc. Điều này cho thấy Qualcomm không chỉ biết cách thích nghi mà còn biết cách tận dụng những biến động địa chính trị để thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh tiềm năng tăng trưởng, Qualcomm cũng phải đối mặt với một số thách thức lớn. Apple, khách hàng lớn nhất của Qualcomm, đang phát triển chip modem không dây riêng. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu từ mảng kinh doanh truyền thống của Qualcomm. Ngoài ra, doanh thu từ mảng IoT (Internet vạn vật) - một mạng lưới các thiết bị, máy móc, phương tiện, cảm biến, và các đối tượng được kết nối với nhau qua internet - đã giảm từ dự báo 9 tỉ USD xuống còn 5,4 tỉ USD trong năm tài chính vừa qua, cho thấy lĩnh vực này cần cải thiện để đáp ứng kỳ vọng.
Tuy nhiên, Qualcomm vẫn tự tin vào chiến lược giảm phụ thuộc vào các đối tác lớn như Apple. CFO Akash Palkhiwala cho biết: "Doanh thu từ các danh mục mới sẽ vượt xa quy mô kinh doanh chip của Apple hiện nay".