Mối quan hệ 'đặc biệt' Nga-Thụy Sĩ đằng sau lệnh trừng phạt của phương Tây

Bất chấp các lệnh trừng phạt và tẩy chay hàng hóa từ Nga của phương Tây, Thụy Sĩ vẫn mua dầu và khí đốt của Nga thông qua các 'đại lý đặc biệt'.

Ẩn mình trong dãy Alps, Thụy Sĩ được biết đến là một trung tâm tài chính lớn. Mặc dù thương mại hàng hóa ít gây được sự chú ý hơn, nhưng hoạt động kinh doanh này rất quan trọng.

Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ ước tính người Nga nắm giữ 150-200 tỷ franc Thụy Sĩ (161-214 tỷ USD) tại các ngân hàng có trụ sở tại nước này. Ảnh: Reuters

Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ ước tính người Nga nắm giữ 150-200 tỷ franc Thụy Sĩ (161-214 tỷ USD) tại các ngân hàng có trụ sở tại nước này. Ảnh: Reuters

Điều đó có vẻ hơi kỳ lạ đối với một quốc gia cách xa các tuyến đường thương mại chính, không tiếp giáp với biển và không có thuộc địa cũ hoặc bất kỳ nguyên liệu thô quan trọng nào. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn là một trong những trung tâm thương mại nguyên liệu thô quan trọng nhất thế giới.

"Ở Thụy Sĩ, ngành công nghiệp này có tỷ trọng lớn hơn đáng kể so với du lịch hoặc công nghiệp máy móc trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP)", Oliver Classen thuộc tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ Public Eye nói.

Các giao dịch lớn được thực hiện ở đây gần như bí mật. Theo một báo cáo của Chính phủ Thụy Sĩ từ năm 2018, khối lượng thương mại được tiến hành thông qua Thụy Sĩ ước tính đạt gần 1 nghìn tỷ USD (906 tỷ Euro).

Năm công ty Thụy Sĩ lớn nhất về doanh số không phải là ngân hàng hay công ty dược phẩm, mà là những nhà kinh doanh hàng hóa. Hầu hết trong số 900 công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa có trụ sở tại Geneva, Zug hoặc Lugano.

Hàng hóa của Nga thường được trung chuyển qua Thụy Sĩ

Khoảng một phần ba lượng dầu giao dịch trên toàn thế giới được mua và bán ở Geneva. Tương tự như vậy, 2/3 kim ngạch thương mại toàn cầu về kim loại cơ bản như kẽm, đồng và nhôm, và 2/3 lượng ngũ cốc giao dịch quốc tế được thực hiện ở Thụy Sĩ.

Nga, nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới, có sự hiện diện đáng kể ở nước này. Theo báo cáo của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Moskva, khoảng 80% nguyên liệu thô của Nga được bán qua Thụy Sĩ.

Xuất khẩu dầu khí là nguồn thu nhập chính của Nga, chiếm từ 30% - 40% ngân sách nhà nước của Moskva. Chỉ tính riêng trong năm 2021, các công ty quốc doanh của Nga đã kiếm được khoảng 180 tỷ USD từ xuất khẩu dầu.

Với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, ngày càng nhiều chính trị gia Thụy Sĩ chỉ trích Nga. "Thụy Sĩ giờ đây phải siết chặt nguồn tài chính của Nga", Cedric Wermuth thuộc Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Sĩ phát biểu với đài phát thanh SRF.

Tuy nhiên, cho đến nay, các lệnh trừng phạt mà EU và Mỹ áp đặt vẫn chưa ảnh hưởng đến thương mại nguyên liệu thô của Nga tại Thụy Sĩ, bất chấp việc Mỹ dừng nhập khẩu dầu của Nga.

Hiện Thụy Sĩ vẫn duy trì tình trạng trung lập và không áp đặt các biện pháp trừng phạt riêng với Nga. Thụy Sĩ thường chỉ tham gia các lệnh trừng phạt mà các nước khác đã đưa ra và thực hiện chúng nếu bị áp lực sau khi các đối tác thương mại lớn hoặc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quyết định về các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Với giá dầu hiện tại, một chuyến chở dầu thô của một tàu chở dầu có thể trị giá 100 triệu USD và Thụy Sĩ đã đi đầu trong việc phát triển các công cụ tài chính cho các giao dịch lớn như vậy.

Trong các giao dịch này, thư tín dụng thường được sử dụng. Một ngân hàng cho đại lý một khoản vay và tạm thời trở thành chủ sở hữu của hàng hóa. Ngay sau khi người mua đã thanh toán cho ngân hàng về nguyên vật liệu thô, quyền sở hữu nguyên vật liệu thô sẽ được chuyển giao. Kết quả là, nhà bán lẻ có hạn mức tín dụng lớn và ngân hàng có hàng hóa là tài sản đảm bảo.

Cuối cùng, các nguyên liệu thô thường không đến Thụy Sĩ, mà đi trực tiếp từ nước xuất xứ đến tay người nhận. Được gọi là giao dịch quá cảnh, những giao dịch này đảm bảo rằng chỉ có tiền chảy qua Thụy Sĩ.

Theo đó, không có thông tin về quy mô thương mại tại Hải quan Thụy Sĩ. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ chỉ công bố một số dữ liệu, nhưng thông tin này không thể hiện chi tiết dòng chảy của các nguyên liệu thô.

Tóm lại, miễn là các nước phương Tây khác không trừng phạt thương mại nguyên liệu thô, các nhà kinh doanh hàng hóa Thụy Sĩ có thể tiếp tục kiếm lợi bằng dầu và khí đốt của Nga, từ đó giúp cho Moskva tăng cường ngân sách quốc gia của họ.

Công Thuận/Báo Tin tức(theo Deutsche Welle/Đức)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/moi-quan-he-dac-biet-ngathuy-si-dang-sau-lenh-trung-phat-cua-phuong-tay-20220323110236138.htm
Zalo