Đà giảm giá gạo trong 2 tháng cuối năm sẽ chậm lại
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, xét về triển vọng giá gạo trong nước, mặc dù xu hướng giảm vẫn đang diễn ra, song mức giá khó có thể chạm ngưỡng 500 USD/tấn trong ngắn hạn. Đối với thị trường thế giới, đà giảm của giá gạo trong 2 tháng cuối năm có thể sẽ chậm lại, không còn diễn biến mạnh mẽ như trong tháng trước.
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, khiến giá gạo giảm
Theo ghi nhận của MXV, kể từ quý II/2024 tới nay, thị trường lúa gạo trong nước và thế giới đã trải qua nhiều phiên biến động mạnh. Trong quý II, giá gạo thô giao dịch trên sàn CBOT luôn dao động ở vùng giá cao, trên mốc 300 USD/tấn. Đặc biệt, vào cuối tháng 4, giá mặt hàng này đã tăng nóng lên đỉnh 383 USD/tấn.
Việt Nam hướng đến xuất khẩu gạo cao cấp, giảm áp lực cạnh tranh
Một yếu tố quan trọng là sự khác biệt về phân khúc thị trường mà gạo Việt Nam và Ấn Độ hướng đến. Trong khi Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu gạo đồ và gạo chất lượng thấp với giá rẻ, Việt Nam lại tập trung vào gạo trắng và gạo thơm cao cấp. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng biệt, giảm áp lực cạnh tranh trực tiếp giữa gạo hai nước. - Phó Tổng Giám đốc MXV Nguyễn Đức Dũng
Tuy nhiên, cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu kéo dài hơn 14 tháng đối với mặt hàng gạo xay xát, ngoại trừ gạo basmati, đồng thời giảm thuế xuất khẩu gạo lứt và gạo đồ từ 20% xuống còn 10%. Do đó, kể từ tháng 10, giá gạo thế giới đã quay đầu giảm, hiện chỉ còn khoảng 285 USD/tấn, giảm khoảng 35 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
MXV cho biết, dữ liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy hiện nay, giá gạo 5% tấm của 4 quốc gia xuất khẩu top đầu thế giới là Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan đều đã chạm đáy trong vòng một năm qua. Tính đến 4/11, giá gạo 5% tấm của ta ở mức 525 USD/tấn, giảm 55 USD so với đầu quý II. Trong khi đó, giá gạo cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt giảm 85 USD và 135 USD. Hiện nay, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao nhất thế giới; cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan 35 USD/tấn và Ấn Độ 55 USD/tấn.
Ở trong nước, giá gạo cũng đi theo xu hướng chung của thế giới nhưng biến động nhẹ hơn. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo IR 504 hiện ở mức 12.550 - 12.700 đồng/kg, giảm nhẹ so với mức 13.900 - 14.000 đồng/kg đầu tháng 4/2024.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc MXV cho rằng, việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và bãi bỏ thuế xuất khẩu gạo đồ, gạo lứt là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến diễn biến suy yếu của giá gạo thế giới trong thời gian gần đây. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nước này ghi nhận sản lượng gạo tăng cao, kho dự trữ quốc gia đầy ắp, đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời, nông dân Ấn Độ cũng đang chuẩn bị thu hoạch vụ mùa mới trong vài tuần tới.
Trước đó, tháng 7/2023, lệnh cấm xuất khẩu gạo này của Ấn Độ đã gây ra cú sốc nguồn cung toàn cầu, đẩy giá gạo lên mức đỉnh 15 năm. Cuối năm 2023, giá gạo trắng xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam còn tăng lên mức gần 660 USD/tấn - là mức giá cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn gần 38% so với đầu năm. Báo giá tại nhiều trung tâm xuất khẩu gạo khác ở châu Á, thậm chí đã tăng 40 - 45% trong năm 2023. Như vậy, trong vòng 14 tháng kể từ ngày Ấn Độ cấm xuất khẩu, giá gạo thế giới luôn dao động ở mức cao.
Theo ông Dũng, như đã phân tích ở trên, vào cuối tháng 9 năm nay, Ấn Độ bật đèn xanh cho các doanh nghiệp nước này đẩy mạnh xuất khẩu gạo trở lại thì giá gạo thế giới đã chính thức “hạ nhiệt”.
Riêng với gạo Việt Nam, giá gạo xuất khẩu cũng như giá gạo tại thị trường nội địa giảm ít hơn so với giá gạo thế giới do hạt gạo nước ta đã khẳng định được vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế với thị phần ổn định, giá trị và chất lượng được công nhận. Các thị trường nhập khẩu truyền thống của Việt Nam có nhu cầu tương đối ổn định và đã quen với nguồn cung từ nước ta, giúp hạn chế tác động từ biến động nguồn cung của Ấn Độ.
Xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành lúa gạo Việt Nam
Theo Tổng cục Hải quan, tính chung 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, thu về 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 23,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành lúa gạo Việt Nam, cao hơn khoảng 160 triệu USD so với cả năm 2023.
Đáng chú ý, ngay cả trong bối cảnh Ấn Độ mở rộng nguồn cung trở lại, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2024 vẫn đạt 0,8 triệu tấn gạo, thu về 505 triệu USD, chỉ giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng tăng 29% về lượng và tăng 27,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Điều này phản ánh hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta vẫn duy trì ổn định và chỉ chịu tác động hạn chế từ động thái của Ấn Độ.
Xét về triển vọng giá gạo trong nước, ông Dũng phân tích, mặc dù xu hướng giảm vẫn đang diễn ra, song mức giá khó có thể chạm ngưỡng 500 USD/tấn trong ngắn hạn. Nguyên nhân một phần đến từ nguồn cung nội địa không quá dồi dào, đặc biệt khi sản lượng vụ mùa ở miền Bắc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cơn bão Yagi. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ gạo dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm khi Tết Nguyên đán cận kề, tạo điều kiện thuận lợi cho giá gạo nội địa phục hồi trở lại.
Đối với thị trường thế giới, nhìn chung, phần lớn tác động từ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có lẽ đã được phản ánh vào giá gạo thế giới. Chính vì vậy, đà giảm của giá gạo trên thị trường toàn cầu trong 2 tháng cuối năm có thể sẽ chậm lại, không còn diễn biến mạnh mẽ như trong tháng trước.
10 tháng, Việt Nam chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu gạo
Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu gạo, tăng gần 72,9% so với cùng kỳ năm trước và là mức kỷ lục từ trước đến nay. Đặc biệt, chỉ trong tháng 10/2024, giá trị nhập khẩu gạo vọt lên 148 triệu USD, tăng 225%, tương đương gấp gần 3,3 lần so với tháng 10/2023.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguồn cung từ Ấn Độ tăng trở lại, đáp ứng nhu cầu gạo cấp thấp trong nước khi Việt Nam đang ưu tiên sản xuất hàng chất lượng cao.
Theo đó, gạo nhập khẩu về chủ yếu dùng loại gạo tấm có giá rẻ của Ấn Độ dùng để làm bánh, bún, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi... Ngoài ra, doanh nghiệp Việt còn nhập khẩu gạo từ Campuchia, Myanmar, Pakistan với giá thấp hơn so với gạo trong nước.
Đáng chú ý, Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu đã khiến giá gạo thế giới giảm mạnh về mức đáy nên các doanh nghiệp cũng tranh thủ đẩy mạnh nhập khẩu. Đây cũng là một phần nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu gạo tháng 10 tăng đột biến.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2024 Việt Nam phải tăng nhập khẩu gạo từ 2,6 triệu tấn lên 2,9 triệu tấn. Việt Nam trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới sau Philippines, dự báo 4,7 triệu tấn và Indonesia 3,8 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng sản lượng và giá trị gạo xuất khẩu do nhu cầu gạo trên toàn cầu tăng cao, đồng nghĩa với Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu gạo trong tương lai./.