Mới nhất: Thủ tục dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam theo đề xuất của Bộ Công an

Bộ Công an vừa có đề xuất quy định mới về trình tự, thủ tục dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam, việc mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị yêu cầu dẫn độ…

Về trình tự, thủ tục dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam, dự thảo Luật Dẫn độ nêu rõ, cơ quan Trung ương về dẫn độ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, TAND của Việt Nam đang thụ lý vụ án hình sự mà bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù bỏ trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam là cơ quan lập yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Trong trường hợp phạm nhân đang chấp hành án phạt tù bỏ trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam thì cơ quan lập yêu cầu dẫn độ là Cơ quan Trung ương của Việt Nam về dẫn độ, cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an hoặc cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải.

Văn bản yêu cầu dẫn độ do cơ quan có thẩm quyền lập gồm các nội dung: Tên, địa chỉ và thông tin liên lạc của cơ quan yêu cầu dẫn độ; Tên cơ quan được yêu cầu dẫn độ; Mục đích của yêu cầu dẫn độ;

Thông tin về người bị yêu cầu dẫn độ; Tóm tắt nội dung vụ án là căn cứ đưa ra yêu cầu dẫn độ; Căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đưa vụ án ra xét xử;

Quyết định hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền đã ban hành đối với người bị yêu cầu dẫn độ, bao gồm: Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam; Quyết định phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam, Quyết định truy nã, Lệnh truy nã quốc tế, Quyết định đưa vụ án ra xét xử…;

Thông tin về tội danh bị nêu trong yêu cầu dẫn độ và khung hình phạt áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ hoặc thời gian còn lại người bị yêu cầu dẫn độ phải thi hành hình phạt;

Nội dung điều luật về tội phạm bị yêu cầu dẫn độ, về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thời hiệu thi hành hình phạt, miễn thi hành hình phạt;

Các đề nghị của nước yêu cầu dẫn độ đối với nước được yêu cầu dẫn độ theo quy định của các điều ước quốc tế về dẫn độ mà hai nước là thành viên hoặc theo pháp luật của nước yêu cầu dẫn độ;

Các cam kết của nước yêu cầu dẫn độ đối với nước được yêu cầu dẫn độ theo quy định của các điều ước quốc tế về dẫn độ mà hai nước là thành viên hoặc theo pháp luật của nước được yêu cầu dẫn độ...

Sau khi nhận được quyết định dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an phối hợp với cơ quan lập yêu cầu dẫn độ thành lập đoàn tiếp nhận, áp giải người bị yêu cầu dẫn độ. Thời gian, địa điểm tiếp nhận bị yêu cầu dẫn độ do Bộ Công an thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu dẫn độ.

Đặc biệt, dự thảo Luật Dẫn độ còn quy định về việc mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Theo đó, trong trường hợp cần mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự ngoài hành vi được nêu trong yêu cầu dẫn độ thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thỏa thuận với phía nước ngoài thông qua Bộ Công an.

Cơ quan lập yêu cầu dẫn độ, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, Tòa án nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo về tình hình truy cứu trách nhiệm hình sự, thi hành án hình sự của người bị yêu cầu dẫn độ cho Bộ Công an để thông báo cho phía nước ngoài biết, kể cả trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ chết, mất tích hoặc trốn khỏi lãnh thổ lãnh thổ Việt Nam.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/moi-nhat-thu-tuc-dan-do-tu-nuoc-ngoai-ve-viet-nam-theo-de-xuat-cua-bo-cong-an-post586363.antd
Zalo