Mối nguy từ pháo tự chế

Những ngày qua, các bệnh viện trên cả nước liên tục tiếp nhận trẻ bị dập nát tay chân vì pháo nổ. Bất chấp các cảnh báo, dạng tai nạn này đang tăng cao dịp cận tết, nạn nhân chủ yếu ở tuổi học sinh trung học do tự chế tạo pháo từ các clip hướng dẫn trên mạng xã hội.

Tàn phế vì chế pháo

Chăm con tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, ông Điểu Cui (ngụ tỉnh Bình Phước) bàng hoàng nhớ lại ngày con trai gặp nạn. Ở nhà một mình, Đ.S.R. (12 tuổi) đã lấy bột từ hộp diêm cho vào vòi của ruột xe để đập gây nổ. Hậu quả, Đ.S.R. bị dập nát bàn tay trái, nhiều ngón bị gãy, phải phẫu thuật khẩn cấp.

Đ.S.R. không phải là nạn nhân duy nhất của việc chế pháo. Chỉ trong 2 tuần, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM tiếp nhận 3 trường hợp bị thương nặng liên quan đến pháo nổ. Trong đó, 2 nam sinh bị bỏng sâu 40%-50% cơ thể, nhiều vết thương ở vùng mặt và tay chân.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, các em học cùng lớp, đặt mua thuốc nổ trên mạng về chơi. Thuốc đột ngột phát nổ trên tay khiến cả 2 bị thương nặng. Mới đây, một thiếu niên tên P., 15 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng, gặp nạn khi học làm pháo tại nhà. Nạn nhân bị dập phần mềm bàn tay, gãy xương ngón tay, một số đốt tay bị đứt rời, không thể nối liền.

 Một nạn nhân của pháo tự chế đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: BVCC

Một nạn nhân của pháo tự chế đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: BVCC

Nằm trên giường bệnh với bàn tay bị pháo hủy hoại, em H.V.P. (sinh năm 2010, trú huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk) liên tục khóc vì đau đớn. Em cho biết, ngày 18-12 vừa qua, sau khi xem hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng, em đã lên các kênh bán hàng trực tuyến đặt mua các hợp chất để chế tạo pháo. Trong lúc chế tạo thì pháo bất ngờ nổ khiến P. bị thương nặng, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nát bàn tay trái và đa chấn thương.

Bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết, chỉ trong tuần qua, bệnh viện đã tiếp nhận 5 học sinh bị thương nặng do pháo nổ. Trong đó có 1 trường hợp phải cắt bỏ 3 ngón tay vì vết thương quá nặng.

Theo thống kê của Công an tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 15-12 đến ngày 19-12, lực lượng công an đã phát hiện 24 vụ, 46 đối tượng liên quan đến vật liệu nổ, pháo. Trong số này, có 10 vụ với 28 học sinh liên quan đến việc tự chế tạo pháo để sử dụng và bán cho các bạn sử dụng.

Tại tỉnh Đắk Nông, từ đầu tháng 12 đến nay, lực lượng công an đã liên tiếp phát hiện, bắt quả tang 6 trường hợp với 11 học sinh từ 13-15 tuổi có hành vi tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép. Ngoài ra, 1 trường hợp bị pháo nổ nát bàn tay hiện đang được điều trị tại TPHCM.

Kiểm soát các video dạy chế tạo pháo

Tìm kiếm cụm từ “cách làm pháo tự chế” trên YouTube, hàng loạt video xuất hiện với hàng trăm ngàn lượt xem. Ở phần bình luận, rất nhiều tài khoản hỏi mua pháo hoặc công thức làm pháo sao cho... nổ mạnh nhất. Trên Facebook, các hội nhóm “Đam mê chế pháo” thu hút 4.000 - 40.000 thành viên tham gia. Đây cũng là nơi công khai rao bán các nguyên liệu, tiền chất, pháo bi. Sau màn hình điện thoại, “thần chết” hiện diện gần hơn bao giờ hết.

Theo Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM, lực lượng công an sẽ tăng cường phối hợp kiểm soát trên không gian mạng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Đồng thời, tuyên truyền và cho người dân ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, pháo nổ, quy định về phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học.

Theo Đại tá Trần Bình Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, mặc dù các cấp, ngành đã tuyên truyền, cảnh báo, tuy nhiên tình trạng học sinh tự học cách chế tạo pháo trên các trang mạng xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có trường hợp tử vong hoặc tàn tật suốt đời. Do đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị Sở GD-ĐT tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống tự chế tạo pháo nổ trong học sinh các trường học.

Thượng tá Đình Thanh Tùng, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kết hợp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, nhất là các quy định về quản lý, sản xuất, vận chuyển, sử dụng pháo nổ.

Theo BS-CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó trưởng Khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2, tai nạn do pháo nổ (hỏa khí) rải rác quanh năm nhưng tăng nhanh vào thời điểm cận tết. Hầu hết nạn nhân ở độ tuổi học sinh trung học, tò mò và bắt chước các video dạy chế tạo pháo trên mạng.

BS Nguyễn Thị Ngọc Ngà nhấn mạnh, tổn thương do pháo nổ thường rất nặng nề, nhất là vùng tiếp xúc trực tiếp với pháo, thường kèm theo dị vật cắm vào cơ thể. Nạn nhân đối mặt với nguy cơ tàn phế, di chứng suốt đời, thậm chí tử vong.

Tối 23-12, một vụ nổ lớn khiến 6 người bị thương xảy ra tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, nghi do chế tạo pháo. Sau khi bệnh viện địa phương xử trí cấp cứu, 4 nạn nhân từ 15-17 tuổi được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) tiếp tục điều trị.

Do vết thương quá nặng, 1 bệnh nhân tử vong trên đường chuyển viện. Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 3 trường hợp trong tình trạng rất nặng, đa chấn thương, phải phẫu thuật khẩn cấp. Trong đó, bệnh nhân 17 tuổi bị bỏng 68% cơ thể, dập nhãn cầu, gãy xương, dập ngón tay, dập tinh hoàn, tiên lượng rất dè dặt. Hiện các bệnh nhân đang được theo dõi sát sao tại Khoa Bỏng và phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy.

GIAO LINH - MAI CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/moi-nguy-tu-phao-tu-che-post774857.html
Zalo