Mỗi năm có 1.400 dự án khởi nghiệp của học sinh phổ thông
Giáo dục phổ thông là nền móng của khởi nghiệp, điểm khó là làm sao khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, chọn đúng ngành nghề.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi trong hội thảo "Giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của học sinh từ các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, việc làm" sáng 19-4, tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Hội thảo nằm trong khuôn khổ "Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII".

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh vai trò định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trong giáo dục phổ thông
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng hội thảo không phải để báo cáo hiệu quả đã có mà là dịp để các lãnh đạo, đại diện các trường "mổ xẻ" những vấn đề, điểm nghẽn liên quan Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (Đề án 1665), đặc biệt trong bối cảnh hiện đại với Nghị quyết 57 về đổi mới khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
"Năm 2025 là năm đầu tiên "hái quả ngọt" với chương trình GDPT 2018, mục tiêu phát triển năng lực và định hướng tố chất cho học sinh". Việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT chính là "chìa khóa vàng" giúp định hướng tương lai đúng đắn, đặc biệt trong giai đoạn then chốt của chương trình đào tạo đổi mới"– Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết một số địa phương đi đầu trong triển khai giáo dục khởi nghiệp tại phổ thông có thể kể đến như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hải Phòng. Những mô hình này đã trở thành điểm tham chiếu, nguồn học hỏi cho các tỉnh thành khác.
Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2020- 2024, cả nước ghi nhận khoảng 8.700 dự án khởi nghiệp từ học sinh phổ thông, với trung bình hơn 1.400 dự án mỗi năm. Đây là con số rất đáng khích lệ, phản ánh rõ nét sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy và hành động của học sinh – cũng như sự vào cuộc tích cực của các cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) tham gia workshop làm nến thơm
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông chỉ ra 5 khó khăn chính trong giáo dục khởi nghiệp ở bậc phổ thông tại Việt Nam, gồm:
- Thiếu chương trình chính thức và hệ thống: Các hoạt động khởi nghiệp còn rời rạc, tích hợp trong các môn học hoặc ngoại khóa, thiếu đồng bộ và khó đánh giá.
- Hạn chế về năng lực đội ngũ: Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thiếu kỹ năng, kiến thức chuyên môn về giáo dục khởi nghiệp và tư duy đổi mới sáng tạo, chưa được tập huấn bài bản.
- Thiếu thốn cơ sở vật chất: Nhiều trường học thiếu không gian sáng tạo, trang thiết bị để học sinh thực hành và hiện thực hóa ý tưởng.
- Khoảng cách giữa nhà trường và thực tiễn: Kết nối với doanh nghiệp, chuyên gia khởi nghiệp còn yếu, khiến học sinh thiếu cơ hội tiếp cận bài toán thực tế và sự cố vấn chuyên môn.
- Tư vấn hướng nghiệp còn hình thức: Chưa đi vào chiều sâu, chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động, khiến học sinh thiếu định hướng và tự tin trong các dự án đổi mới sáng tạo.
Năm nay, ngày hội "Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII" và cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20-4, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
Ngày hội do Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP HCM chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.