'Mồi lửa' ở Liban có khiến Iran bị cuốn vào cuộc chiến toàn diện?
Iran cáo buộc Israel muốn đưa nước này vào một cuộc xung đột trực tiếp bằng cách ném bom Hezbollah, ngay cả khi tổng thống mới của Iran đang cố gắng tiếp cận phương Tây.
Theo tờ Thời báo New York, cuộc chiến của Israel chống lại Hezbollah ở miền Nam Liban là một đòn giáng đối với Iran và tổng thống mới của nước này, làm gia tăng áp lực buộc ông Pezeshkianphải trả đũa Israel để bảo vệ một đồng minh quan trọng.
Nhưng cho đến nay, Iran vẫn từ chối để mình bị cuốn vào một cuộc chiến tranh khu vực lớn hơn mà nhà lãnh đạo tối cao của nước này, Ali Khamenei, rõ ràng là không muốn.
Thay vào đó, Tổng thống Masoud Pezeshkian đã tới dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc với hy vọng thể hiện một quan điểm ôn hòa hơn với thế giới và gặp gỡ các nhà ngoại giao châu Âu với hy vọng tái khởi động các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, có thể dẫn đến việc nới lỏng lệnh trừng phạt, giảm áp lực đối với nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của nước này.
Tính toán thận trọng của Iran
Tại New York tuần này, Tổng thống Pezeshkian đã rất thẳng thắn. Ông cho biết Israel đang tìm cách đưa đất nước ông vào một cuộc chiến tranh lớn hơn. "Chính Israel đang tìm cách tạo ra cuộc xung đột toàn diện này", ông nói, "Họ đang kéo chúng tôi đến một điểm mà chúng tôi không muốn đi đến".
Rõ ràng, Iran phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Tehran muốn khôi phục khả năng răn đe đối với Israel trong khi tránh một cuộc chiến toàn diện giữa hai quốc gia có thể lôi kéo Mỹ vào cuộc và kết hợp lại, có thể phá hủy chính nước Cộng hòa Hồi giáo từ bên trong.
Theo các nhà quan sát, Iran muốn bảo vệ các lực lượng thân họ, gồm Hezbollah, Hamas và Houthis ở Yemen - vốn được họ coi là lực lượng tiên phong chống lại Israel - mà không cần phải tham gia vào cuộc chiến.
Cùng lúc, họ cũng muốn tìm cách dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với mình bằng cách nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với phương Tây trong khi vẫn duy trì mối quan hệ quân sự và thương mại chặt chẽ với Nga và Trung Quốc.
"Những nguyên tắc cơ bản vẫn không thay đổi đối với Iran", Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng quốc tế cho biết. "Iran hoàn toàn không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh lớn hơn trong khu vực”, ông nói và cho biết thêm rằng đây có thể là một lý do khiến Iran cho đến nay vẫn chưa trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh khi ông này đang ở Iran để tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Pezeshkian.
Iran có cần bảo vệ lực lượng thân mình?
Kể từ khi lật đổ chế độ Shah vào năm 1979 và thành lập Cộng hòa Hồi giáo, Iran đã cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp khu vực và tuyên bố sẽ tiêu diệt Israel. Nước này đã xây dựng một mạng lưới các lực lượng thân thiết, được họ tài trợ, cung cấp vũ khí nhưng không hoàn toàn kiểm soát.
Cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tháng 10/2023 đã đẩy vai trò của Iran lên hàng đầu. Và Israel đã nắm bắt cơ hội để tiêu diệt hoặc làm suy yếu hai lực lượng thân Iran: Hamas ở biên giới phía Nam và Hezbollah ở phía Bắc.
Đồng thời, Israel tiếp tục cuộc chiến “bóng tối” chống lại Iran, giết các chỉ huy cấp cao trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán Iran ở Damascus hồi tháng 4. Sau đó, Israel và Iran đã tấn công trả đũa qua lại hạn chế vào lãnh thổ nhau, trước khi hạ nhiệt căng thẳng.
Gần đây hơn, Israel được cho là gây ra sự hoảng loạn ở Liban với loạt vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm, thể hiện sự xâm nhập của mình vào cấu trúc của Hezbollah. Tiếp theo là một loạt tên lửa và bom khiến hàng trăm người ở Liban thiệt mạng ngày 23/9, ngày đẫm máu nhất kể từ sau cuộc nội chiến ở quốc gia này, kết thúc năm 1990.
Các nhà phân tích cho rằng, Israel đã đạt được các mục tiêu ngắn hạn trong một tuần tấn công vào Hezbollah, nhưng mục tiêu cuối cùng của họ vẫn chưa rõ ràng. “Israel đang cố dụ Hezbollah tấn công để gây ra một cuộc chiến toàn diện và cho phép Israel chiến đấu với những gì họ coi là mối đe dọa chiến lược thực sự của mình, chính là Iran”, Suzanne Maloney, một chuyên gia về Iran và là giám đốc chương trình chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, đánh giá.
Hezbollah cũng “không muốn tham gia vào một cuộc xung đột có khả năng dẫn đến sự hủy diệt của chính họ”, bà Maloney cho biết. Đối với Iran, “Hezbollah là lực lượng răn đe lớn — năng lực và vị trí gần Israel của họ là tuyến phòng thủ đầu tiên của nước Cộng hòa Hồi giáo, và nếu họ bị tiêu diệt, điều đó sẽ khiến người Iran dễ bị tổn thương hơn đáng kể”.
Các lực lượng đại diện cho chiến lược phòng thủ phía trước của Tehran, nhằm bảo vệ quê hương Iran, được cho là sẽ chiến đấu vì Iran, nhưng theo chuyên gia Ali Vaez, "không bao giờ có nguyên tắc là Iran sẽ chiến đấu để bảo vệ họ”.
Theo ông, hiện tại, Iran đang theo dõi cẩn thận, đồng thời cũng cho rằng Hezbollah được trang bị vũ khí tốt và được tổ chức tốt có thể tự đứng lên và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Israel mà không cần sự giúp đỡ công khai của Iran.
"Phép tính hạt nhân" có thể thay đổi nếu Iran thấy mất an toàn
Israel dường như đang tận dụng những thách thức của Iran, nhưng như thường lệ, rủi ro là họ có thể đánh giá sai.
Có những thành phần cứng rắn trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) ở Iran và trong chính Hezbollah - "những người coi cuộc đối đầu với Israel là điều không thể tránh khỏi và muốn nó xảy ra sớm hơn", Ellie Geranmayeh, một chuyên gia về Iran tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết.
Trong bài phát biểu ngắn vào 24/9 tại Liên hợp quốc, Tổng thống Pezeshkian đã chỉ trích Israel, nhưng cũng nói về “một kỷ nguyên mới” và cam kết sẽ đóng “một vai trò xây dựng”. Ông cho biết Iran đã sẵn sàng tái hợp với phương Tây về vấn đề hạt nhân.
Tổng thống Pezeshkian được coi là người ôn hòa trong hệ thống chính trị Iran. Và chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay được coi là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei, muốn giảm bớt căng thẳng cả nội bộ và đối ngoại.
Được tháp tùng tại Liên hợp quốc bởi các nhà đàm phán giàu kinh nghiệm mà phương Tây biết đến, Tổng thống Pezeshkian đang cố gắng thể hiện chính phủ của mình là ôn hòa, thực dụng và cởi mở về ngoại giao. Nhưng thời điểm thì phức tạp, với cuộc bầu cử của Mỹ vào tháng 11, và đây có thể là cơ hội cuối cùng cho một sự tiếp cận như vậy.
Nếu các lực lượng thân Iran bị đánh bại và các cuộc đàm phán mới về hồ sơ hạt nhân không hiệu quả, thì có thể có những tiếng nói mạnh mẽ bên trong Iran lập luận rằng nên vũ khí hóa chương trình hạt nhân của Iran và đạt được sự răn đe theo cách đó. Iran cũng có thể chọn cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Nga, hy vọng có được hệ thống phòng không S-400 tiên tiến, vì các hệ thống hiện tại của nước này đã chứng minh là dễ bị Israel tấn công.
"Iran đang ở ngã ba đường", chuyên gia Vaez bình luận. "Iran đang đánh giá xem liệu có con đường nào cho ngoại giao hạt nhân hay không. Nhưng bất kỳ cuộc chiến nào làm suy yếu đáng kể Hezbollah cũng sẽ khiến Iran cảm thấy kém an toàn hơn và có thể thay đổi phép tính hạt nhân của họ".