Bộ Ngoại giao Ukraine phản hồi thông tin về kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân
Phản hồi này được đưa ra sau khi một số phương tiện truyền thông cho rằng Ukraine có thể đang xem xét phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt để đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh viện trợ từ Mỹ có thể bị gián đoạn dưới thời tổng thống mới.
Tờ Kiev Independent (Ukraine) ngày 14/11 cho biết, Bộ Ngoại giao Ukraine đã phủ nhận các thông tin của giới truyền thông cho rằng Kiev đang có kế hoạch phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
"Ukraine cam kết thực hiện NPT (Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân); chúng tôi không sở hữu, phát triển hoặc có ý định sở hữu vũ khí hạt nhân", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi nêu rõ.
"Ukraine hợp tác chặt chẽ với IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) và hoàn toàn minh bạch trong quá trình giám sát của cơ quan này, loại trừ việc sử dụng vật liệu hạt nhân cho mục đích quân sự", người phát ngôn trên lưu ý thêm.
Trước đó, Tờ Times đưa tin vào ngày 13/11 rằng Ukraine có thể phát triển một quả bom hạt nhân thô sơ trong vòng vài tháng nếu viện trợ quân sự của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump chấm dứt, theo một tài liệu tóm tắt được chuẩn bị cho Bộ Quốc phòng Ukraine mà tờ báo này xem được.
Báo cáo tóm tắt cho rằng Ukraine có thể nhanh chóng chế tạo một thiết bị cơ bản sử dụng plutoni và công nghệ tương tự như quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945.
Tài liệu viết rằng: "Việc tạo ra một quả bom nguyên tử đơn giản, như Mỹ đã làm trong Dự án Manhattan, sẽ không phải là nhiệm vụ khó khăn sau 80 năm".
Bộ Ngoại giao Ukraine trước đó cũng đã phủ nhận các tin tức của phương tiện truyền thông rằng Ukraine có kế hoạch phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt riêng.
Đồn đoán về các lựa chọn hạt nhân của Ukraine tăng lên sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky vào ngày 17/10 vừa qua cho biết ông đã nói với ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Trump vào tháng 9 rằng Kiev phải gia nhập NATO hoặc theo đuổi năng lực hạt nhân để bảo vệ đất nước.
Tổng thống Zelensky sau đó đã rút lại bình luận này, nói rằng Kiev không theo đuổi vũ khí hạt nhân và những phát biểu này được đưa ra nhằm nhấn mạnh những "thất bại của Bản ghi nhớ Budapest". Theo thỏa thuận năm 1994, Ukraine tự nguyện giao nộp kho vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy sự bảo đảm an ninh từ Mỹ, Anh và Nga.