Mối lo mang tên ngộ độc thực phẩm

Vụ nghi ngộ độc thực phẩm lên tới 379 người ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về những vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTT) tập thể rất nguy hiểm.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thăm hỏi công nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra Vĩnh Phúc.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thăm hỏi công nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra Vĩnh Phúc.

Gia tăng số người bị ngộ độc thực phẩm

Tính đến 16 giờ ngày 29/11, hệ thống giám sát của Ngành Y tế ghi nhận tổng số bệnh nhân đến nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu và Trung tâm Y tế Vietsovpetro là 379 người, do ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ tại tiệm bánh mỳ - xôi Cô Ba Bến Đình. Trong đó có một người tử vong.

NĐTP tuy liên tục được cảnh báo nhưng đáng tiếc là vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều vụ ngộ độc tập thể. Theo thông tin của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 36 vụ NĐTP làm 2.138 người mắc và 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ NĐTP giảm 4 vụ (10%), số mắc tăng 1.432 người (tức tăng khoảng đến hơn 202%); số vụ NĐTP có xu hướng giảm ở khu vực miền núi phía Bắc nhưng tăng ở khu vực duyên hải miền Trung và khu vực Đông Nam Bộ. Còn trong 9 tháng năm 2024, cả nước đã xảy ra 111 vụ NĐTP, tăng 2 vụ so với 9 tháng năm 2023. Tuy nhiên, số người ngộ độc tăng hơn 2 lần, số vụ có người mắc trên 30 người tăng.

Phân tích của Bộ Y tế cho thấy NĐTP tại bếp ăn, gia đình, đám cưới/giỗ/liên hoan giảm cả về số vụ, số mắc nhưng có xu hướng gia tăng tại quán ăn, nhà hàng/khách sạn, nhất là do thức ăn đường phố. Thời gian vừa qua đã ghi nhận một số vụ NĐTP xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty (tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Đồng Nai); bếp ăn trường học, và cả căn tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học (tỉnh Khánh Hòa, TPHCM).

Những điều người tiêu dùng nhất thiết phải biết

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cho biết trong số các vụ NĐTP từ đầu năm đến nay, nhiều vụ có liên quan đến vi sinh vật. Đặc biệt do vi sinh vật salmonella, vi khuẩn bacillus cereus. Còn theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong 3 nhóm nguyên nhân gây NĐTP do vi sinh vật; hóa chất bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản… và độc tố (chất độc tự nhiên) thì nhóm vi sinh vật là nguyên nhân gây ngộ độc nhiều nhất. Ông Nguyên cảnh báo, khi nhiễm khuẩn salmonella bệnh nhân thường biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước, nhiễm trùng. Tuy nhiên, có tới 8% trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, bacillus cereus là một loại vi khuẩn dễ sinh độc tố, thường có trong đất và thảm thực vật. Nhưng nó cũng có cả trong thực phẩm. Khi bị nhiễm khuẩn, nạn nhân có thể bị nôn ói với thời gian ủ bệnh ngắn, hay tiêu chảy có thời gian ủ bệnh dài hơn từ 8 -16 giờ.

Để phòng tránh NĐTP do vi khuẩn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, người dân không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm; đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống. Bên cạnh đó, thực hiện triệt để việc ăn chín, uống sôi; sử dụng nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm; rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến. Không mua, không sử dụng thực phẩm đã hết hạn sử dụng. Nếu phía bên ngoài của đồ hộp bị móp méo, gỉ sắt... thì dù còn hạn sử dụng cũng không mua vì sản phẩm đã không được bảo quản tốt.

Trách nhiệm của cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm

Từ các vụ NĐTP cho thấy, việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa tốt. Không ít cơ sở không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cũng không có kiến thức cần thiết về lĩnh vực này.

TS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, vẫn còn tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan ngoài thị trường, không bảo đảm về chất lượng, không rõ nguồn gốc. Nhiều nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng. Những hóa chất cấm trong chế biến nông thủy sản và sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt, cá ôi thiu. NĐTP còn đến từ quy trình chế biến không nghiêm ngặt hay do nhiễm độc từ môi trường không đảm bảo vệ sinh, sử dụng nước thải sinh hoạt trong chế biến… NĐTP đã gây ra nỗi bất an khi nó có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trước khi ăn.

Vì thế, không chỉ người dân mà các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng rất cần bảo quản thực phẩm đúng cách. Với các cơ sơ chế biến, nhất thiết phải chọn lựa thực phẩm đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc, còn hạn sử dụng; cần bảo quản thực phẩm từ lúc chưa chế biến (đông lạnh, ướp muối...) và cả khi đã chế biến; vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng; sử dụng nguồn nước sạch.

Chưa hết, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh - Bộ môn Nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội, còn cảnh báo, việc đun nấu lại nhiều lần các món ăn không chỉ làm mất dinh dưỡng mà còn dễ gây nhiễm khuẩn. Chưa kể nếu bảo quản không đúng cách, đồ ăn để lâu ngày có nguy cơ nấm mốc, ôi thiu... Khi để thức ăn trong tủ lạnh, cần để riêng thức ăn sống, chín và bọc kỹ từng loại.

Các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm cần có sự hiểu biết và thực hiện nghiêm những quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm để bảo vệ sự an toàn sức khỏe cộng đồng và cũng không dẫn tới hậu quả cho chính mình.

Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý thế nào?
Theo Luật An toàn thực phẩm, khái niệm an toàn thực phẩm và NĐTP, gồm: An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người; NĐTP là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.
Đối với trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì sẽ dựa vào tính chất, mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý vi phạm khác nhau. Đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, phải bồi thường và khắc phục hậu quả nếu gây ra thiệt hại.
Điều 6 Luật An toàn thực phẩm quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm như sau: Mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Trong trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được chia làm 4 khung hình phạt sau đây (từ thấp tới cao):
- Khung 1 bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 trệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
- Khung 2: Bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm khi vi phạm có tổ chức; làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người; gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; tái phạm nguy hiểm.
- Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Làm chết 2 người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người; gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
- Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Làm chết 3 người trở lên; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt hành chính, hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

BẮC PHONG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/moi-lo-mang-ten-ngo-doc-thuc-pham-10295638.html
Zalo