Hành trình 8 năm của thủ khoa 'kép' ngành Sư phạm Hóa

Nguyễn Hoàng Gia Khánh (sinh năm 1997) đã từng bảo lưu 3 năm học Y để thi lại vào ngành Sư phạm Hóa. Thay vì học 4 năm, Gia Khánh đã mất đến gần 8 năm để cầm tấm bằng cử nhân trên tay. Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm TP. HCM vào năm 2023, Gia Khánh vẫn tiếp tục học cao học và nâng cao chuyên môn của mình bằng việc đi dạy gia sư.

Trở về con đường luôn sẵn có

Năm 2015, Nguyễn Hoàng Gia Khánh trở thành thủ khoa toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, với tổng điểm 6 môn là 53,75/60 điểm. Sau nhiều đắn đo và suy xét, Gia Khánh đã quyết định đặt nguyện vọng vào ngành Y Đa khoa, trường ĐH Y Dược TP. HCM.

“Ngày xưa, trong suy nghĩ của mình, kiến thức ngành Y rất hay, sau khi học xong ra trường, sẽ không thất nghiệp và nếu làm lâu thì sẽ có thể mở phòng khám. Bên cạnh đó, điểm khối B của mình cũng cao, mọi người xung quanh bảo, nếu điểm cao mà không dùng đến thì tiếc. Vì vậy, năm 18 tuổi, mình đã chọn ngành Y mà không phải Sư phạm như hiện tại”, Gia Khánh chia sẻ.

Từ năm thứ nhất, Khánh đã bị “choáng ngợp” bởi lượng kiến thức quá dày và áp lực học tập cao. Ngoài ra, việc đi học xa cũng là một trở ngại đối với Khánh. Tuy vậy, Gia Khánh ở thời điểm đó luôn nghĩ rằng, chỉ cần cố gắng thêm một chút, biết đâu sẽ đạt được thành công, đó là lý do khiến anh kiên trì học hết năm thứ nhất tại trường Y.

Chân dung Nguyễn Hoàng Gia Khánh. (Ảnh: NVCC)

Chân dung Nguyễn Hoàng Gia Khánh. (Ảnh: NVCC)

Đến năm thứ ba, Khánh gặp cú sốc lớn khi bắt đầu đi thực tập tại bệnh viện. Lịch trình bận rộn khi vừa phải đi viện, đi học và đi trực đã khiến Khánh gặp áp lực lớn. “Mình bắt đầu ám ảnh với việc mỗi sáng phải chuẩn bị áo blouse để đi viện và mỗi tối lại chuẩn bị chăn gối để đi trực”, Gia Khánh cho biết.

Cuối kì II của năm thứ ba, sau nhiều trăn trở, Khánh quyết định bảo lưu kết quả học tập 3 năm tại trường Y để bắt đầu một hành trình mới. Gia Khánh cho biết, dự định ban đầu của anh sau khi tốt nghiệp Y là trở thành giảng viên giảng dạy các môn cơ bản như sinh lý, hóa sinh. Vì vậy, việc theo khối ngành Sư phạm đã ở trong suy nghĩ của anh ngay từ lúc đầu.

“Tiếc là mình không vượt qua được 6 năm học Y để có thể hiện thực hóa suy nghĩ này. Vậy nên, mình đã quay lại với con đường Sư phạm, luôn nằm sẵn ở đó”, Gia Khánh chia sẻ về lý do anh quyết định thi lại vào ngành Sư phạm Hóa, sau khi bảo lưu tại trường Y.

Học để dạy và dạy để học

Bắt đầu một hành trình mới tại trường ĐH Sư phạm TP. HCM vào năm 2019, Gia Khánh tạm gác lại những hoạt động ngoại khóa để tập trung vào việc học. Bên cạnh đó, anh bắt đầu đi dạy gia sư từ năm thứ nhất để áp dụng thực hành các lý thuyết về việc dạy học vào thực tế. Gia Khánh cho rằng, với đặc thù của ngành Sư phạm, anh không cần phải cố gắng cân bằng giữa việc học và dạy gia sư, bởi thực chất chúng cũng đang song hành, bổ trợ cho nhau.

Gia Khánh là thủ khoa 'kép' của trường ĐH Sư phạm TP. HCM. (Ảnh: NVCC)

Gia Khánh là thủ khoa 'kép' của trường ĐH Sư phạm TP. HCM. (Ảnh: NVCC)

“Nhờ đi dạy, mình mới có thêm trải nghiệm để học tốt, và nhờ kiến thức đã học mà mình mới dạy tốt”, Gia Khánh chia sẻ.

Phương pháp dạy của Gia Khánh tập trung vào việc tìm hiểu rõ bản chất của Hóa học. Thông qua các ví dụ, hình ảnh và thí nghiệm, Gia Khánh mong muốn học sinh hiểu được “Tại sao phản ứng này lại xảy ra”, hay “Tại sao lại có hiện tượng này”, chứ không đơn thuần chỉ là học kỹ thuật để giải bài.

Đối mặt với sự đổi mới của chương trình giáo dục trong những năm gần đây, Gia Khánh đánh giá đây không phải trở ngại mà là một cơ hội để bản thân có thể thử sức với những điều mới.

Gia Khánh vẫn tiếp tục học cao học sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Sư phạm Hóa. (Ảnh: NVCC)

Gia Khánh vẫn tiếp tục học cao học sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Sư phạm Hóa. (Ảnh: NVCC)

“Những năm trước, mình phải có cách dạy khác nhau cho những học sinh có mục tiêu khác nhau. Nhưng những năm gần đây, đặc biệt là năm nay, chương trình đổi mới khiến đề thi quy về chung một dạng, giúp mình dễ dàng và hướng dẫn học sinh hơn”, Gia Khánh chia sẻ.

Sau hành trình gần 8 năm để cầm được tấm bằng cử nhân trên tay, Gia Khánh ở tuổi 26 đã nhìn thấy nhiều điểm tích cực về ngành Sư phạm hơn so với năm 18 tuổi. Ngày trước, Gia Khánh từng nghĩ học Sư phạm chỉ để hợp thức hóa bằng cấp, phục vụ cho việc dạy học. Nhưng hiện tại, Khánh nhận ra rằng, việc học Sư phạm không chỉ bổ trợ về mặt chuyên môn, mà còn để biết phương pháp dạy và truyền tải kiến thức. Có thể nói, việc học Sư phạm đã thay đổi triết lý giáo dục của Gia Khánh.

Nguyễn Hoàng Gia Khánh đã từng 3 lần đạt danh hiệu thủ khoa. Lần thứ nhất vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2015, anh là thủ khoa toàn quốc với tổng điểm 6 môn là 53,75/60 điểm. Lần thứ hai, anh là thủ khoa đầu vào của trường ĐH Sư phạm TP. HCM năm 2019, với tổng điểm khối D07 (Toán, Hóa, Anh) là 28,05 điểm. Lần thứ ba, Gia Khánh là thủ khoa đầu ra năm 2023 của ngành Sư phạm Hóa với GPA 3,94/4, giúp anh đạt được danh hiệu thủ khoa 'kép'.

Khánh Ngọc

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hanh-trinh-8-nam-cua-thu-khoa-kep-nganh-su-pham-hoa-post1702926.tpo
Zalo