Mối đe dọa của ngành phim ảnh
Sự gia tăng của nội dung dạng ngắn đang định hình lại bối cảnh giải trí, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Xu hướng này được cho là tất yếu, nhưng các chuyên gia lại lo ngại về chất lượng và tính bền vững.
Xu hướng xem phim mới
Đối với anh Nguyễn Hoàng (33 tuổi), chủ tiệm hoa trên đường Nguyễn Văn Tuyết (Hà Nội), xem video tóm tắt phim của Facebook là một trong những thói quen trong lúc làm việc, bên cạnh nghe nhạc.
Anh cho biết công việc từ gói hoa cho khách, nhận đặt hàng, ship đơn đến nhập hoa và làm sổ sách khiến anh đầu tắt, mặt tối suốt ngày, không còn thời gian hay tâm trí để theo dõi một bộ phim truyền hình dài tập, cũng như ra rạp chiếu phim như thời sinh viên. Những video tóm tắt phim giúp anh có thể chuyên tâm làm việc mà vẫn “xem” được biết một bộ phim.
“Mặc dù biết khó đọng lại như xem phim thông thường, nhưng bản thân không có thời gian, việc xem nguyên một bộ phim là khá xa xỉ. Nếu gặp được video review đầy đủ, bộ phim vẫn đọng lại trong tôi vì đã nắm được tình tiết chính. Có thể giải trí trong thời gian eo hẹp”, anh Hoàng nói.
Giống như anh Hoàng, chị Nhật Lệ (33 tuổi), nhân viên tín dụng của một ngân hàng có trụ sở ở phố Hoàng Cầu (Hà Nội), không có nhiều thời gian rảnh để xem phim như trước đây, vì ngoài công việc cơ quan, còn phải chăm sóc gia đình nhỏ.
Chị Lệ cho biết những video tóm tắt phim trên mạng xã hội giúp chị tiết kiệm được nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, theo chị Lệ, hầu hết phim được tóm tắt đều hay, có chọn lọc.
Chị Minh Thùy (36 tuổi), giám đốc kinh doanh phòng khám nha khoa ở TP.HCM, cho rằng video tóm tắt phim đáp ứng được nhu cầu của hầu hết người trong độ tuổi lao động hiện nay. Nó nhanh gọn, đỡ mất thời gian mà vẫn cập nhật các nội dung chính của bộ phim mà mình yêu thích.
“Những video đó phù hợp cho những người thích xem phim những người theo dõi như tôi”, chị Thùy nói.
Không xem thường xuyên như những người trên, chị Vân Anh (33 tuổi), nhân viên công ty cung cấp dịch vụ thủy phi cơ ở Hà Nội, tìm đến video review phim để không phải mất công xem những bộ phim không hợp sở thích. Nếu xem video ngắn xong và thấy hứng thú với nội dung, chị Vân Anh sẽ tìm bộ phim gốc để xem đầy đủ.
Những khán giả trên chỉ là số ít những người thích xem video tóm tắt phim. Nhìn vào số liệu thống kê bên dưới những video review phim của Facebook, ai cũng có thể thấy được chúng dễ dàng có được hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng triệu lượt xem, với vô số lượt thảo luận. Đây là con số mà bất kỳ nhà sản xuất phim nào cũng khao khát có được cho tác phẩm gốc của họ.
Hiểu được thị hiếu của người dùng, các nền tảng nổi tiếng đều có những thay đổi phù hợp với thời đại, ví dụ như YouTube thêm mục Shorts, Facebook có Video và Reels, Instagram cũng bổ sung mục Reels hay sự bùng nổ của TikTok trên toàn cầu...
Không chỉ giới hạn ở tóm tắt lại phim, mạng xã hội cũng rộ lên làn sóng sản xuất phim ngắn với đủ thể loại nội dung, chủ yếu là có nội dung gây tranh cãi như mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, ngoại tình, phân biệt giàu - nghèo... Tất cả có điểm chung là chỉ có thời lượng vài phút đến vài chục phút, dễ dàng tiếp cận với thế hệ người xem không đủ kiên nhẫn.
Xu hướng này không chỉ phát triển ở Việt Nam. Theo The Korea Times, nhiều người trẻ Hàn Quốc đang quay lưng lại với các hình thức giải trí dài truyền thống, thay vào đó là lựa chọn các đoạn nội dung ngắn, dễ theo dõi.
Nhân viên văn phòng Park Seung Jin (28 tuổi) xem liên tục một loạt phim truyền hình trong 20 phút di chuyển từ nhà đến công ty và ngược lại.
Ở xứ kim chi, những video như vậy gọi là phim truyền hình ngắn, giúp người xem nắm bắt được cốt truyện chung.
“Tôi cảm thấy việc xem liên tục những bộ phim truyền hình nổi tiếng là lãng phí thời gian. Tôi thậm chí còn tăng tốc độ 1,5 lần khi xem các video nén 16 tập phim truyền hình thành một giờ”, cô nói.
Anh Park Jong Hyuk (28 tuổi) cũng có sở thích xem các nội dung ngắn, bao gồm đoạn tóm tắt phim trong khoảng 30 phút đến một giờ.
“Lý do tôi xem chúng là vì các ứng dụng dường như tự động hướng dẫn người dùng đến nút Shorts khi tôi mở YouTube hoặc Instagram. Thay vì chủ động tìm kiếm chúng, tôi xem bất cứ thứ gì hiện ra”, nam khán giả chia sẻ.
Ha Min Ji (25 tuổi) dành khoảng 2-3 giờ mỗi ngày để xem nội dung dạng ngắn trong khi đi tàu điện ngầm. Cô xem bất kỳ nội dung nào mà thuật toán gợi ý.
“Thật tiện lợi vì tôi không phải lựa chọn video nào để xem. Tôi nghĩ việc lựa chọn video nào để xem cũng là một việc khó khăn. Tôi cũng thích xem những bộ phim truyền hình ngắn được tạo ra dành riêng cho mạng xã hội vì chúng ngắn, dễ hiểu và không có cốt truyện phức tạp”, nữ sinh vừa tốt nghiệp đại học nhấn mạnh.
Sự bùng nổ của loại hình phim ảnh mới
Nếu ở Việt Nam chỉ dừng lại ở các video review và video tự sản xuất nghiệp dư, sự gia tăng của nội dung dạng ngắn đang định hình lại bối cảnh giải trí xứ kim chi, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Bắt đầu bằng các clip thông thường trên phương tiện truyền thông xã hội chuyển đổi thành một ngành công nghiệp phát triển mạnh, với các nền tảng chuyên dụng và nội dung gốc trên nhiều thể loại khác nhau.
Cuộc khảo sát do Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc và Hiệp hội Xúc tiến Công nghệ thông tin - Truyền thông Hàn Quốc thực hiện, được công bố vào ngày 30/12/2024 cho thấy rõ xu hướng này. Tỷ lệ nội dung dạng ngắn trong số các loại dịch vụ phát trực tuyến mà mọi người sử dụng nhiều nhất tăng đáng kể từ 58,1% vào năm 2023 lên 70,7% vào năm 2024. Con số này trái ngược với các loại nội dung khác như chương trình gốc và phim trên các trang web phát trực tuyến, chỉ cho thấy mức tăng hoặc giảm nhẹ khoảng 5%.
Thành công của những bộ phim ngắn như Night Fishing (2024), có thời lượng 12 phút, với sự tham gia của tài tử Nhật ký tự do của tôi Son Suk Ku, chứng minh tiềm năng của nội dung dạng ngắn trong năm 2025. Bộ phim trị giá 1.000 won (0,7 USD), ban đầu được lên kế hoạch chiếu trong hai tuần tại các rạp CGV địa phương, được kéo dài thêm, thu hút 40.000 người xem. Thành công này thúc đẩy CGV tung ra chiến dịch "Deep Dive: Winter", trong đó bao gồm ba trải nghiệm ASMR (phản ứng kích thích cảm giác tự động) dài 15 phút với giá 1.000 won.
Các nền tảng phát trực tuyến Hàn Quốc cũng thông báo ra mắt dịch vụ video ngắn của họ.
Watcha phát hành Shortcha, dịch vụ phim truyền hình ngắn chuyên dụng, vào tháng 9/2024. Dịch vụ này cung cấp các bộ phim truyền hình ngắn trong vòng chưa đầy một phút. Nó có nội dung từ nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Đầu năm 2025, loạt phim mới I Became a Cult Leader's Wife (tạm dịch: Tôi trở thành vợ của một nhà lãnh đạo giáo phái) chính thức ra mắt khán giả trên nền tảng này.
Tving cũng giới thiệu một dịch vụ dạng ngắn vào tháng 12/2024. Người dùng có thể dễ dàng chuyển đổi giữa nội dung dài và nội dung dạng ngắn trong ứng dụng. Dịch vụ ban đầu tập trung vào các video nổi bật từ thư viện rộng lớn của mình, bao gồm các loạt phim gốc, phim truyền hình, chương trình tạp kỹ, chương trình giáo dục và các trận bóng chày KBO League và các trận bóng rổ chuyên nghiệp. Tving có kế hoạch ra mắt nội dung dạng ngắn gốc trong năm mới.
Ngoài ra, các nền tảng dạng ngắn chuyên dụng như Top Reels và PulsePick được ra mắt vào tháng 4 và 12/2024. Tập trung vào các bộ phim truyền hình dài hai phút, nhịp độ nhanh, các nền tảng này thu hút lượng người xem đáng kể.
PulsePic, một nền tảng của PulseClip, được hỗ trợ bởi những người sáng tạo ra webtoon ăn khách Solo Leveling, cung cấp nhiều nội dung hơn, bao gồm các chương trình tạp kỹ. Nền tảng này đang mở rộng thư viện nội dung dạng ngắn của mình với sự ra mắt thành công của các chương trình như chương trình tạp kỹ Charlie Kim's Laughter Factory, có sự góp mặt của diễn viên hài Kim Jun Ho, và Single Man and Woman, với sự tham gia của nam diễn viên quen mặt Yoon Hyun Min.
Mối lo ngại về tính bền vững
Các chuyên gia đồng ý sự gia tăng của giải trí dạng ngắn trong bối cảnh truyền thông ngày nay là một sự tiến hóa tự nhiên. Tuy nhiên, họ bày tỏ quan ngại về một số mặt trái của xu hướng này.
Nhà phê bình văn hóa Jung Duk Kyun phân tích: "Việc định dạng nội dung và bản thân nội dung thay đổi khi phương tiện truyền thông mới xuất hiện là điều tự nhiên. Cũng giống như chúng ta từng chỉ xem phim trên màn hình lớn nhưng giờ đây có nội dung hàng ngày như phim truyền hình và phim dài tập, với sự ra đời của TV. Điều này cũng tương tự với sự xuất hiện của các hình thức nội dung mới. Hiện tại, vì đây là giai đoạn đầu của nội dung mới xuất hiện, có nhiều nội dung kích thích để thu hút sự chú ý, nhưng tôi không nghĩ rằng chỉ có nội dung như vậy tiếp tục được sản xuất trong tương lai".
Trong khi đó, Yun Suk Jin, nhà phê bình văn hóa và giáo sư tại Đại học Quốc gia Chungnam, cho rằng sự chuyển dịch sang nội dung dạng ngắn phần lớn là do áp lực kinh tế vì nội dung dạng dài truyền thống ngày càng khó sản xuất có lãi.
Có ưu thế về nhiều mặt, ông Yun đặt ra mối lo ngại về chất lượng và tính bền vững của loại nội dung này.
"Đảm bảo chất lượng nội dung dạng ngắn là một thách thức. Trong khi nội dung ngắn dễ thu hút sự chú ý, dễ sản xuất, chúng khó để tạo ra thứ gì đó vừa thú vị vừa bền vững. Để cạnh tranh hiệu quả, những người sáng tạo phải tập trung vào việc phát triển các câu chuyện mạnh mẽ trong một định dạng ngắn hơn, cân bằng giữa sự hài lòng tức thời với việc kể chuyện tổng thể", chuyên gia cảnh báo.
Nói về thành công ngoài mong đợi của phim ngắn Night Fishing, ông Yun cho rằng nó phản ánh sự quan tâm đối với thể loại kể chuyện ngắn hơn là việc tạo ra một thị trường hoàn toàn mới.
"Mặc dù thuật ngữ 'phim ngắn' có thể còn mới, nhưng khái niệm phim ngắn và phim độc lập đã tồn tại từ lâu. Chìa khóa là tìm cách củng cố vị thế cạnh tranh của mình. Thật thiển cận khi chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn. Xây dựng một doanh nghiệp bền vững đòi hỏi phải có kế hoạch và đầu tư dài hạn. Thật không may, nhiều công ty sản xuất không đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết", ông nói.
Bên cạnh đó, không phải khán giả nào cũng thích video tóm tắt phim. Đối họ, xem phim không chỉ để biết nội dung, mà quan trọng hơn cả là trải nghiệm thưởng thức trọn vẹn từng cung bậc cảm xúc từ nhân vật, cũng như ngẫm nghĩ về các thông điệp mà đạo diễn, biên kịch gửi gắm.
Là một nha sĩ ở TP.HCM, chị Minh Khuê (33 tuổi) không có nhiều thời gian rảnh. Tuy vậy, chị không xem các video tóm tắt phim vì với chị, đó mới là lãng phí thời gian.
“Tôi có xem thử một lần nhưng cảm thấy tốn thời gian mà không đọng lại cảm xúc gì, chỉ như xem tin tức. Xem phim mang đến trải nghiệm khác hẳn, không trống rỗng và hời hợt như vậy”, chị Khuê giải thích.