An toàn thông tin trong kỷ nguyên số

Chuyển đổi số (CĐS) mang lại nhiều lợi ích to lớn, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức về an toàn thông tin. Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, chỉ một sự cố mất an toàn thông tin có thể làm ngưng trệ bộ máy vận hành của cơ quan nhà nước. Do đó, để đảm bảo hệ thống chính quyền số hoạt động thông suốt, Bình Phước đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng yêu cầu CĐS và thúc đẩy cải cách hành chính.

Đảm bảo an toàn từ mỗi cơ quan

Trong tiến trình CĐS toàn diện, bên cạnh các yếu tố cốt lõi như hạ tầng số, ứng dụng số hay nhân lực số… thì đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin là một trong những vấn đề trọng yếu. Bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng thông tin, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm quy định về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, kịp thời đối phó, ngăn chặn các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra.

Người dân đánh giá mức độ hài lòng trên phần mềm đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức khi đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài

Người dân đánh giá mức độ hài lòng trên phần mềm đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức khi đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài

Điển hình như huyện Đồng Phú, các hệ thống trang thiết bị cho bộ phận một cửa cấp huyện, xã; hệ thống truyền hình trực tuyến, phòng họp không giấy; các phần mềm dùng chung trong chỉ đạo, điều hành từ huyện đến xã, 100% máy tính của cán bộ, công chức đều được cài đặt hệ điều hành có bản quyền và phần mềm phòng, chống mã độc tập trung và thường xuyên thay đổi mật khẩu để tăng tính bảo mật khi sử dụng các phần mềm dùng chung. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Phú cho biết: Đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin quan trọng của huyện là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Huyện thường xuyên trang bị kỹ năng cho cán bộ, công chức sử dụng mật khẩu mạnh, thay đổi mật khẩu, nâng cao kỹ năng ứng phó, phát hiện sớm các nguy cơ nhằm bảo vệ thông tin của cơ quan, đơn vị mình.

Cán bộ, công chức huyện Đồng Phú được trang bị kỹ năng an toàn thông tin để ứng phó, phát hiện sớm các nguy mất an toàn có thể xảy ra

Cán bộ, công chức huyện Đồng Phú được trang bị kỹ năng an toàn thông tin để ứng phó, phát hiện sớm các nguy mất an toàn có thể xảy ra

Với hạ tầng công nghệ được đầu tư đồng bộ, mạng số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn tỉnh được xây dựng và kết nối từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp đã kết nối, liên thông ngang dọc 4 cấp cho 188 đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh, ngoài ra có 46 đơn vị ngoài công lập đã kết nối vào trục LGSP. Cùng với đó là triển khai tích hợp chữ ký số lên phần mềm quản lý văn bản, sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử thay cho văn bản giấy. 11 trung tâm điều hành thông minh cấp huyện, tỉnh đang hoạt động thông suốt thì việc thiết lập môi trường an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Điển hình như Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh, nơi tổng hợp tất cả nguồn thông tin, dữ liệu thuộc nhiều lĩnh vực với hệ thống máy móc hiện đại, đòi hỏi công tác đảm bảo an toàn cho hệ thống luôn được chú trọng. Anh Lê Sỹ Hiệp, chuyên viên vận hành Trung tâm IOC tỉnh chia sẻ: “Trung tâm IOC là bộ phận “đầu não” của hệ thống dữ liệu nên luôn được bảo vệ ở mức cao nhất nhờ hệ thống giám sát và cảnh báo sớm tấn công SOC theo tiêu chuẩn 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cán bộ vận hành Trung tâm IOC được đào tạo chuyên sâu, diễn tập thực chiến, giám sát thường xuyên, liên tục, tránh mối đe dọa về các cuộc tấn công mạng”.

Chủ động ứng phó với sự cố

Để đảm bảo an toàn thông tin mạng cho bộ máy cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hoạt động thông suốt, tỉnh đã thành lập Trung tâm Điều hành thông tin để theo dõi phân tích, báo cáo, giám sát an toàn thông tin toàn tỉnh. Ông Nguyễn Duy Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành thông tin, VNPT Bình Phước cho biết: Trung tâm Điều hành thông tin là nơi tập trung dữ liệu và các phần mềm của toàn tỉnh, phục vụ nhu cầu truy cập, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước, do đó, VNPT với vai trò vận hành đã thực hiện trực 24/24 giờ để theo dõi, phân tích, báo cáo và ngăn chặn các mối nguy hại phát sinh để ứng phó kịp thời.

Chuyển đổi số ngành thuế thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các phần mềm thường xuyên được đánh giá mức độ an toàn bảo mật nhằm kịp thời đối phó, ngăn chặn nguy cơ rủi ro có thể xảy ra

Chuyển đổi số ngành thuế thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các phần mềm thường xuyên được đánh giá mức độ an toàn bảo mật nhằm kịp thời đối phó, ngăn chặn nguy cơ rủi ro có thể xảy ra

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, tỉnh đã phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho 201 hệ thống thông tin, đạt 100% các hệ thống thông tin của tỉnh được phê duyệt; triển khai Trung tâm Giám sát an toàn thông tin (SOC) và duy trì hoạt động hệ thống thực hiện giám sát an toàn, an ninh mạng theo tiêu chuẩn 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong năm qua, hệ thống SOC đã giám sát, bảo vệ 3.492 máy, phát hiện và xử lý 67.594 mối nguy hại, 26.912 mối nguy hại cao, 16.006 mối nguy hại nghiêm trọng. Nhờ xây dựng các kịch bản ứng phó từ sớm, từ xa, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với đơn vị chuyên trách xử lý dứt điểm các mối nguy hại đảm bảo an toàn thông tin cho toàn bộ cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Bình Phước đã trang bị phần cứng theo tiêu chuẩn quốc tế. Thành lập đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh; ban hành quy chế hoạt động và phân công các thành viên tham gia phối hợp xử lý, ứng cứu sự cố. Triển khai Trung tâm SOC và duy trì hoạt động hệ thống theo tiêu chuẩn 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hằng năm, sở tổ chức diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin mạng, ứng cứu sự cố nhằm giúp cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh có kỹ năng phân tích, phát hiện và xử lý sớm sự cố liên quan đến an toàn thông tin mạng.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
NGUYỄN THANH PHONG

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: “Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, có thể gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội. Vì vậy, cùng với chú trọng đầu tư hạ tầng, tỉnh cũng xây dựng nhiều kịch bản sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ về an toàn, an ninh mạng, đảm bảo hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước hoạt động xuyên suốt, an toàn”.

Bình Phước đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo lộ trình linh hoạt, tiến tới CĐS toàn diện. Vì vậy, công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng là yếu tố then chốt để CĐS thành công, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của CĐS.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/167611/an-toan-thong-tin-trong-ky-nguyen-so
Zalo