Mở rộng lọc dầu Dung Quất lo trễ hẹn

Dự án mở rộng lọc dầu Dung Quất đối diện nguy cơ chậm tiến độ triển khai do vướng mắc về thủ tục pháp lý khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp.

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR, chủ đầu tư dự án nâng cấp mở rộng lọc dầu Dung Quất, vừa đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn cụ thể vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản nhằm đáp ứng thi công san lấp mặt bằng – dự kiến bắt đầu từ tháng 3 tới và bàn giao cho nhà thầu EPC vào tháng 3 sang năm.

Cụ thể, theo ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Nâng cấp mở rộng lọc dầu Dung Quất (gọi tắt là MRLD Dung Quất) là dự án sử dụng nguồn vốn khác, không phải vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư công.

Từ đây, căn cứ Nghị định 158/2016 hướng dẫn một số điều của Luật Khoáng sản, dự án không đáp ứng tiêu chí để khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Điều đó đồng nghĩa MRLD Dung Quất đòi hỏi đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phục vụ triển khai dự án.

Đồng thời, theo Luật Khoáng sản, tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được ưu tiên cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được phê duyệt trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày giấy phép hết hạn.

Hết thời hạn này, nếu tổ chức, cá nhân đã thăm dò không đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò thì mất quyền ưu tiên đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Ảnh: Hoàng Anh)

Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Ảnh: Hoàng Anh)

Thực tế, tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua chủ trương cho phép khảo sát, cấp phép khai thác đất san lấp, cát xây dựng phục vụ MRLD Dung Quất từ 9 năm trước, trên cơ sở ý kiến của chủ đầu tư BSR và liên kết hai công ty Công ty CP Nhà và thương mại dầu khí (công ty con của BSR) – Công ty CP Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh Miền Trung (gọi tắt là PVBuilding-BMMT).

Cụ thể, giai đoạn 2017-2018, tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt cho PVBuilding-BMMT – được BSR ủy quyền - tổng trữ lượng đưa vào khai thác khoảng 4,45 triệu m3 đất (6 mỏ) để san lấp và cấp phép khai thác hơn 95 nghìn m3 cát làm vật liệu xây dựng với thời gian 24 tháng.

Tuy nhiên, do dự án chưa triển khai nên khoảng 54 nghìn m3 cát sau khi khai thác được Công ty CP Đầu tư phát triển khoáng sản Quảng Ngãi (tiền thân là Công ty Bình Minh Miền Trung) lưu chứa tại KCN Tịnh Phong.

Đáng chú ý, tháng 6/2020 - chưa đầy một tháng trước khi hết hạn giấy phép khai thác mỏ cát (cấp cho Công ty Bình Minh Miền Trung), liên kết PVBuilding – BMMT bất ngờ tan rã, kéo theo chấm dứt vai trò (được BSR ủy quyền) đại diện thực hiện khảo sát, đứng tên xin cấp phép, khai thác mỏ khoáng sản san lấp mặt bằng dự án MRLD Dung Đến tháng 11/2022, địa phương đã quyết định đóng cửa mỏ cát Tịnh An.

Dự án bắt đầu đón nhận chuyển động mới với việc được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư vào giữa năm 2023.

Theo BSR cho biết vào cuối tháng 11/2024, dự án sau điều chỉnh cần khoảng 2,6 triệu m3 đất để san lấp mặt bằng. Đồng thời, việc thi công san lấp mặt bằng sẽ bắt đầu từ tháng 3 năm nay và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu EPC dự kiến tháng 3/2025.

Khi các mốc nêu trên dần cận kề, khoảng 2 tháng trước, BSR kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở ngành đánh giá lại trữ lượng, xác định các mỏ sẽ sử dụng cung cấp vật liệu san lấp và cát xây dựng cho dự án.

Đồng thời, hướng dẫn BSR về phối hợp thực hiện Quyết định 723/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt trữ lượng tài nguyên khoáng sản phục vụ thi công dự án và Giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho BMMT năm 2018.

Nhằm giải quyền vấn đề cấp bách này của MRLD Dung Quất, Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Ngãi hiến kế với UBND tỉnh: hủy bỏ chủ trương tại Công văn 3386 ban hành tháng 6/2016 về khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng và lập hồ sơ, thủ tục xin khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp phục vụ dự án đối với liên kết PVBuilding-BMMT.

Đồng thời, trên cơ sở các mỏ đất đã phê duyệt trữ lượng hồi tháng 10/2017, UBND tỉnh cho phép đưa các mỏ đất nêu trên vào kế hoạch đấu giá và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò.

Đơn vị trúng đấu giá sẽ hoàn trả chi phí thăm dò cho Công ty CP Đầu tư Phát triển khoáng sản Quảng Ngãi theo Luật Khoáng sản và Nghị định 158 năm 2016 của Chính phủ. Tức,

Riêng với mỏ đất núi Động Sản trữ lượng khoảng 789 nghìn m3 (nằm trong danh sách 6 mỏ đất phục vụ thi công MRLD Dung Quất), sẽ phải chờ Sở Tài nguyên và môi trường tham mưu UBND tỉnh, do mỏ này đang được Công ty CP Đầu tư phát triển Gia Hưng đề nghị bổ sung làm vật liệu đất đắp phục vụ thi công dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi.

Về khối lượng cát đã khai thác tại mỏ cát xã Tịnh An, đang lưu chứa tại mặt bằng Khu công nghiệp Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, Sở Tài nguyên môi trường kiến nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép đưa vào kế hoạch đấu giá và tổ chức đấu giá theo hình thức đấu giá tài sản công.

Đơn vị trúng đấu giá sẽ hoàn trả các chi phí hợp lý theo quy định cho Công ty CP Đầu tư phát triển khoáng sản Quảng Ngãi.

Hiện tại chưa ghi nhận chỉ đạo cụ thể từ phía UBND tỉnh Quảng Ngãi đối với vấn đề vật liệu san lấp phục vụ san lấp mặt bằng, thi công dự án MRLD Dung Quất.

Như TheLEADER thông tin, vài ngày trước, BSR vừa được công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam giữ hơn 92% cổ phần) thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 50.073 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, công ty dự kiến sẽ tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ thực hiện quyền là 61,5%. Một trong những mục đích chính của việc tăng vốn là đáp ứng nhu cầu cấp thiết để triển khai dự án MRLD Dung Quất.

Dự án MRLD Dung Quất có tổng vốn đầu tư là 1,489 tỷ USD nhằm nâng công suất của nhà máy thêm gần 16%, đạt 171.000 thùng/ngày. Dự kiến được triển khai trong vòng 37 tháng, đưa vào vận hành quý I/2028, BSR được tính toán sẽ hoàn thành các mốc tiến độ trong năm nay gồm: Thẩm định, phê duyệt thiết kế FEED; Phê duyệt Hồ sơ mời thầu EPC; Lựa chọn nhà thầu EPC; San lấp mặt bằng.

Thái Bình

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/mo-rong-loc-dau-dung-quat-lo-tre-hen-d38607.html
Zalo