Sắp xếp lại bộ máy: Đề xuất không yêu cầu cấp đổi giấy tờ thủ tục hành chính

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCIC) đề xuất giữ giá trị giấy tờ thủ tục hành chính của doanh nghiệp khi các cơ quan, tổ chức sắp xếp lại bộ máy.

Đề xuất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính khi sắp xếp bộ máy

Đề xuất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính khi sắp xếp bộ máy

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Về dự thảo này, VCCI góp ý 3 nội dung: Về việc thực hiện thủ tục hành chính (Điều 5); giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan đã ban hành (Điều 9) và việc rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật (Điều 10).

Đáng chú ý, về thực hiện thủ tục hành chính, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 dự thảo, trường hợp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính mà chưa sửa đổi ngay được các văn bản quy phạm pháp luật thì Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh hướng dẫn tạm thời để các thủ tục hành chính được thực hiện thông suốt, không bị gián đoạn.

VCCI đề nghị quy định này cần làm rõ hình thức của văn bản hướng dẫn tạm thời các thủ tục hành chính này là gì (văn bản quy phạm pháp luật hay là văn bản hành chính); Hiệu lực pháp lý của văn bản pháp luật đó là gì? Thời hạn của các văn bản tạm thời này như thế nào? Vì văn bản hướng dẫn tạm thời này có nội dung về trình tự, thủ tục hành chính có sự thay đổi so với trình tự, thủ tục trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy và quy định này tác động đến người dân, doanh nghiệp, do vậy cần phải có sự kiểm soát về ban hành quy định này, hạn chế trường hợp thủ tục hành chính trở nên kém thuận lợi hơn.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn về hình thức của văn bản hướng dẫn tạm thời và quy trình ban hành loại văn bản này.

Với các thủ tục hành chính đang xử lý, dự thảo lại chưa đề cập nội dung này cho các trường hợp thủ tục hành chính đang được xử lý trong giai đoạn chuyển giao, sắp xếp (cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhận kết quả, cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy trả kết quả).

Điều này có thể khiến cho quy trình thủ tục bị đình trệ, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Do vậy, cần đưa ra nguyên tắc, đối với thủ tục hành chính đang được xử lý trong giai đoạn chuyển giao giữa các cơ quan thực hiện sắp xếp, tổ chức cá nhân, tổ chức không cần phải nộp lại hoặc điều chỉnh hồ sơ đã nộp trước đó; thời gian giải quyết thủ tục không thay đổi… để đảm bảo tính liên tục và thuận tiện cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục.

Về cơ chế giám sát việc thực hiện, dự thảo đã đưa ra các nguyên tắc chung cũng như các quy định xử lý để đảm bảo hoạt động thông suốt của các thủ tục hành chính. Việc sắp xếp này có thể tác động đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh vì nguy cơ một số thủ tục hành chính bị ảnh hưởng.

Do vậy, bên cạnh các quy định nguyên tắc xử lý, VCCI kiến nghị cần có cơ chế giám sát để đảm bảo không có trở ngại khi tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục.

Về giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan đã ban hành (Điều 9), Khoản 2 Điều 9 dự thảo quy định “cơ quan có thẩm quyền sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy không được yêu cầu tổ chức, cá nhân cấp đổi, giấy tờ đã được các cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy cấp”.

Theo VCCI, đây là quy định này là phù hợp, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, yêu cầu này cần mở rộng ra đối với các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, không được yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp giấy tờ phải được cấp đổi theo cơ quan nhà nước sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy cấp trong hồ sơ thực hiện thủ tục nên đề nghị dự thảo bổ sung.

V. Hằng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sap-xep-lai-bo-may-de-xuat-khong-yeu-cau-cap-doi-giay-to-thu-tuc-hanh-chinh-post600657.antd
Zalo