Mở rộng không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển

Không chỉ đơn giản là gộp lại một cách cơ học, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội đã được tính toán kỹ lưỡng, khoa học. Sau khi chính thức đi vào vận hành, các đơn vị mới này được kỳ vọng sẽ mở ra không gian mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ giúp cho Hà Nội phát triển hiệu quả hơn. (Ảnh QUANG THÁI)

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ giúp cho Hà Nội phát triển hiệu quả hơn. (Ảnh QUANG THÁI)

Cách đây khoảng một năm, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình đã huy động các lực lượng trong quận và toàn bộ hệ thống chính trị phường Phúc Xá ra quân giải tỏa các trường hợp lấn chiếm, vi phạm về đất đai tại khu vực bờ sông Hồng, bảo đảm an toàn hành lang thoát lũ, vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan môi trường khu vực bờ sông. Sau khi được giải tỏa, cán bộ, hội viên phụ nữ, đoàn viên, nòng cốt là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phúc Xá đã tích cực làm đất, trồng hoa, tạo cảnh quan, xây dựng công trình công ích cộng đồng tại bờ vở sông Hồng. Không còn rác thải, nơi đây đã nhanh chóng trở thành điểm check-in mới thu hút người dân.

Nhìn cảnh quan khu vực này, nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ cao, nhưng cũng tiếc nuối khi nhìn sang phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) vẫn còn nhiều diện tích để hoang hóa, mất vệ sinh môi trường. Vì là hai phường thuộc hai quận khác nhau, cho nên dù cùng ở ngoài đê sông Hồng, nhưng khi triển khai các chương trình, kế hoạch thì chưa được khớp nối.

Tuy nhiên sắp tới, sự khác biệt này sẽ không còn khi toàn bộ diện tích phường Phúc Xá (quận Ba Đình), Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), một phần diện tích và dân số của các phường: Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng An, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên) sẽ được gộp lại để hình thành phường Hồng Hà, có quy mô 16,61 km2, dân số khoảng 126.000 người. Việc hợp nhất các khu vực dân cư, diện tích tự nhiên dọc theo trục sông Hồng thành phường Hồng Hà thể hiện rõ tư duy quy hoạch đột phá, đặt yếu tố địa lý tự nhiên, trục giao thông huyết mạch làm nền tảng cho sự phát triển.

Sông Hồng không còn là ranh giới chia cắt, mà trở thành trung tâm của một không gian đô thị mới, năng động và giàu tiềm năng. Khu vực ngoài đê sông Hồng vốn có nhiều dư địa phát triển về đô thị, dịch vụ, du lịch và văn hóa, giờ đây sẽ được quản lý một cách thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Không đơn thuần là những thay đổi cơ học trên bản đồ hành chính, việc sắp xếp một cách khoa học, kỹ lưỡng đã đem đến hy vọng về không gian và thời cơ phát triển mới. Trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 160 phường, 21 thị trấn và 345 xã). Sau khi sắp xếp, thành phố Hà Nội còn 126 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 50 phường và 76 xã); giảm 400 đơn vị hành chính cấp xã.

Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Duy Hoàng Dương cho biết, phương án sắp xếp được thực hiện bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị.

Các xã, phường mới được thành lập có sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới phát triển, có tầm nhìn dài hạn; bảo đảm mục tiêu có quy mô phù hợp với khả năng quản lý, quản trị và năng lực, trình độ quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, tạo tiền đề để phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong giai đoạn mới; là cơ sở để thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cơ sở.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, quá trình triển khai, thành phố đã bám sát tiêu chí, tiêu chuẩn, hướng dẫn của Trung ương và bám sát thực tế của địa phương, đó là Hà Nội là thủ đô, trái tim của đất nước; là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; nơi lưu giữ nhiều công trình văn hóa, lịch sử của dân tộc với nhiều đặc thù liên quan tới phương hướng phát triển của Thủ đô trong hiện tại và tương lai.

“Những yếu tố đó đã được tính toán tỉ mỉ, kỹ lưỡng, khách quan, khoa học để bảo đảm đơn vị hành chính xã/ phường sau khi được thành lập sẽ đạt được mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho người dân, đồng thời mở ra không gian phát triển mới và bảo đảm phục vụ tốt cho công tác quản lý, quản trị của chính quyền các cấp sau sắp xếp”, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nêu rõ.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở mới chỉ là bước đầu. Ngay sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, cần phải khẩn trương bắt tay ngay vào việc sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm đúng tiến độ, lộ trình, kế hoạch đề ra, theo đúng chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

KHẢI LÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mo-rong-khong-gian-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-post877413.html
Zalo