Mở rộng đối tượng, nội dung sát thực

Năm 2025, TP Hồ Chí Minh xác định tiếp tục mở rộng đối tượng, lựa chọn nội dung giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh (QPAN) phù hợp, thiết thực; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục QPAN, góp phần xây dựng 'thế trận lòng dân' vững chắc.

Chương trình hội thao giáo dục QPAN dành cho học sinh khối trung học phổ thông của TP Hồ Chí Minh thu hút hơn 1.000 học sinh tham gia. Nội dung hội thao gồm các môn: Hiểu biết chung về QPAN (lý thuyết); kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương; tháo lắp súng tiểu liên AK; ném lựu đạn xa trúng đích; chạy vũ trang 800m... Mặc dù nội dung rộng, đòi hỏi vận dụng nhiều kiến thức, kỹ năng cá nhân và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên, nhưng các đội tham gia hội thao đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là dịp cổ vũ, động viên, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong việc dạy và học môn giáo dục QPAN; đồng thời góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân nói chung, giáo dục QPAN trong nhà trường nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Xuất phát từ đặc điểm địa bàn tập trung nhiều trường học nên thành phố đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên-những chủ nhân tương lai của đất nước. Lãnh đạo Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện nghiêm nội dung, chương trình môn học giáo dục QPAN; tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên được tham gia bồi dưỡng, học tập đầy đủ kiến thức QPAN theo quy định”.

Học sinh TP Hồ Chí Minh tham gia hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2025.

Học sinh TP Hồ Chí Minh tham gia hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2025.

Tại Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh, các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN cho chức sắc tôn giáo thường xuyên được tổ chức, cập nhật nội dung về kinh tế, quốc phòng, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là đối tượng có nhiều đặc thù nên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chỉ đạo nghiên cứu kỹ đặc điểm từng tôn giáo để tổ chức đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, với tín đồ Thiên chúa giáo, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc, Sở Dân tộc và Tôn giáo trao đổi với Hội đồng mục vụ các nhà thờ trên địa bàn các quận, huyện để thống nhất tổ chức các lớp bồi dưỡng theo cụm hoặc khu vực, thời gian không trùng vào các ngày lễ của tôn giáo. Đối với tín đồ Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và các tôn giáo khác, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo và trụ trì các chùa, người có uy tín trong các tôn giáo để thống nhất mở các lớp học. Không chỉ thông qua các lớp bồi dưỡng trực tiếp, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh còn chỉ đạo cơ quan quân sự quận, huyện thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu và động viên các chức sắc, chức việc tuyên truyền đến tín đồ, phật tử trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, qua đó giúp nhân dân, nhất là tín đồ các tôn giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương.

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang, giảng viên cao cấp Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Vấn đề cốt lõi là giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN phải phù hợp với từng đối tượng. Với các chức sắc tôn giáo, học viện phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự thống nhất nội dung, tập trung trang bị những kiến thức liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và vai trò, trách nhiệm của chức sắc tôn giáo đồng hành với dân tộc”.

Ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố, đối tượng công nhân, ngư dân cũng được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN để nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, công tác phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chỉ đạo triển khai bằng nhiều hình thức, biện pháp, huy động sự vào cuộc của mọi lực lượng. Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Sở Khoa học và Công nghệ định hướng các cơ quan báo chí của thành phố và các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở chuyên trang, chuyên mục quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự quận, huyện thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa lực lượng quân sự, công an trong xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung về vấn đề an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.

Theo Đại tá Phạm Như Quân, Phó chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, công tác giáo dục, phổ biến kiến thức QPAN trên địa bàn thành phố thường xuyên được đổi mới, mở rộng đối tượng, trang bị nội dung thiết thực. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phát huy tốt vai trò, hiệu quả. Thành phố chỉ đạo vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, kết hợp lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và toàn dân với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, củng cố vững chắc "thế trận lòng dân".

Bài và ảnh: THANH HUYỀN - NGUYỄN THẾ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/mo-rong-doi-tuong-noi-dung-sat-thuc-823842
Zalo