Mở rộng đầu tư phải đồng thời với gia tăng hiệu quả
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và tăng trưởng tới 2 con số trong những năm sau. Đây là mục tiêu rất thách thức, theo phân tích của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương. Tuy nhiên, 'rất thách thức' không phải là không thể.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương
* PHÓNG VIÊN: Từ năm 2000 đến nay, chỉ có năm 2022 Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 8,02%. Một phần là do năm cơ sở trước đó, năm 2021 tăng trưởng chỉ đạt 2,51%. Chắc chắn để đạt được mức tăng trưởng 8% trong năm 2025 chúng ta cần nỗ lực rất lớn?
- TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Đúng là năm 2021 có mức tăng GDP thấp nhất trong lịch sử kinh tế Việt Nam kể từ thời kỳ đổi mới, bởi đó là năm nền kinh tế chịu tổn thất nặng nề vì đại dịch Covid-19. Nhưng tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm cũng có xu hướng giảm dần một cách rõ nét. Chỉ duy nhất 5 năm giai đoạn đầu cải cách (1991-1995) tăng trưởng đạt 8,2% và sau đó cứ giảm dần. Trong 4 năm gần đây (2021-2024), tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,66%. Lịch sử tăng trưởng kinh tế như vậy, thì việc đảo ngược xu hướng nói trên chỉ có thể xảy ra khi có quyết sách đặc biệt, tạo ra đột biến trong các động lực tăng trưởng.
Với hàng loạt dự án lớn đang được chuẩn bị triển khai, đầu tư công chắc chắn sẽ tăng mạnh. Quốc hội cũng đã quyết định bổ sung khoảng 84.300 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025. Việc này sẽ đóng góp quan trọng cho tăng trưởng?
Tôi có quan điểm hơi khác với một số ý kiến luôn coi đầu tư công là động lực tăng trưởng lớn nhất. Thực tế là đầu tư công năm 2024 giảm một cách đột ngột so với 2 năm trước (2022-2023), chỉ tăng 3,3% so với 19%-20% trước đó. Điều này thể hiện thực tế là đầu tư công đã tới hạn, khó có thể bứt phá như thời kỳ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế; không thể trở thành một động lực hỗ trợ tăng trưởng như trước, dù Chính phủ đã ra sức đốc thúc giải ngân. Vấn đề của đầu tư công hiện nay là giải ngân hết số vốn phân bổ trong kế hoạch. Thêm vào đó, năm 2025 là năm đại hội Đảng các cấp, và năm tinh gọn bộ máy, tâm lý né tránh hoặc chưa quen chức năng, nhiệm vụ và quy trình mới… cũng có thể làm chậm lại tốc độ giải ngân đầu tư công. Thêm vào đó, tiết kiệm chi để đầu tư không làm tăng tổng cầu, mà chỉ có thể làm tăng tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Liên quan đến đầu tư là thực trạng của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cũng rất yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập/ rút khỏi thị trường liên tục giảm trong mấy năm gần đây. Số doanh nghiệp tăng thêm hàng năm đang giảm đi một cách nhanh chóng. Riêng trong tháng 1-2025, có hơn 52.800 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, gấp hơn 12,6 lần tháng trước và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã chiếm hơn 56% tổng đầu tư xã hội. Tôi cho rằng cần tập trung hơn nữa để bồi bổ sức khỏe cho khối này, khai thác tối đa tiềm năng của họ. Giải được những “nút thắt” này, cộng với nhiều giải pháp đột phá, tạo được bước ngoặt, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm thì mục tiêu 8%, tuy rất khó, song cũng có thể khả thi.
* Vậy ông nghĩ như thế nào về mục tiêu tăng trưởng 2 con số những năm sau?
- Đảng đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phải trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao; năm 2045 (100 năm thành lập nước), trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó, thì một trong các điều kiện không thể thiếu là tăng trưởng GDP cao, ổn định trong hàng chục năm, tức là khoảng 20 năm tới, chúng ta phải đạt tăng trưởng từ 10% trở lên.
Rõ ràng đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, thách thức. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chỉ một số ít các quốc gia đạt được mức tăng trưởng cao và đủ dài như thế để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Theo Ngân hàng Thế giới, từ năm 1960 đến nay, có 41 nền kinh tế đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao. Trong đó có: Hàn Quốc tăng trưởng kinh tế 9,5% giai đoạn 1963-1997, Trung Quốc là 10% giai đoạn 1978-2011, Singapore là 9% giai đoạn 1965-1997, Nhật Bản là 11,5% giai đoạn 1951-1973.
Như vậy, theo kinh nghiệm quốc tế, đạt được mục tiêu chiến lược năm 2030 và 2045 là cực kỳ khó khăn, nhưng cũng không phải không thể. Điều khác biệt hiện nay so với trước đây là Đảng và các cơ quan có thẩm quyền, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận, thực hiện những giải pháp cần thiết (kể cả tư duy khác, cách làm khác so với trước) để đạt được mục tiêu, đưa đất nước vươn mình vào giai đoạn phát triển và thịnh vượng, không để tụt hậu. Với cách làm này, tôi tin rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ có bước chuyển trạng thái từ giảm dần sang tăng dần. Nhưng nếu đạt được mức 8%-9% (chưa phải trên 10%) cũng là ngoạn mục, là thành tựu hiếm có.
* Từ góc nhìn của một chuyên gia theo dõi kinh tế vĩ mô nhiều năm qua, ông có khuyến nghị gì để hiện thực hóa những mục tiêu tăng trưởng đã nêu?
- Về phương pháp luận, để có tăng trưởng lâu dài, ổn định và bền vững, chính sách kinh tế và các giải pháp phải tập trung chủ yếu vào mở rộng, phát triển (cả về lượng và chất) phía cung của nền kinh tế, tăng mạnh tăng trưởng tiềm năng. Còn quản lý vĩ mô thì phải duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng. Muốn vậy, phải có đầu tư đủ lớn và hiệu quả đầu tư hợp lý. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy Hàn Quốc giai đoạn 1963-1997 có mức đầu tư khoảng 38% GDP; Trung Quốc giai đoạn 1978-2011 có mức đầu tư trên 40% GDP; Singapore giai đoạn 1965-1997 có mức đầu tư trên 40% GDP; Nhật Bản giai đoạn 1951-1973 có mức đầu tư 37% GDP. Nhưng quy mô đầu tư lớn chưa đủ, cần phải có hiệu quả đầu tư hợp lý nữa.
Với kinh nghiệm quốc tế như trên thì để có tăng trưởng cao trên 10%, chúng ta phải mở rộng quy mô đầu tư lên khoảng 40%-45% GDP, đồng thời tăng được hiệu quả đầu tư, giảm ICOR (hệ số đầu tư - chỉ số này càng thấp chứng tỏ hiệu quả đầu tư càng cao - PV) xuống còn 4.
Các chính sách cải cách, nhất là cải cách thể chế trong 5-10 năm tới phải tiếp tục giải phóng sức sản xuất, nâng cao sử dụng nguồn lực theo hướng tiếp tục tự do hóa, xây dựng, phát triển và nâng cấp các loại thị trường, nhất là thị trường các nhân tố sản xuất, để những loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực.
* Ông có lo ngại về an ninh tài chính quốc gia khi nợ công và bội chi có thể sẽ gia tăng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo?
- Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chúng ta có thể vay thêm với quy mô bằng khoảng 60% GDP, nghĩa là chúng ta còn dư địa rất lớn. Vấn đề là phải có phương án sử dụng hiệu quả vốn vay.