Mở rộng cao tốc Bắc - Nam: Đúng thời điểm, đúng nhu cầu!

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô hoàn chỉnh (6 làn xe) với thời gian khởi công ngay trong quý IV-2025. Các chuyên gia cho rằng, đề xuất này là rất phù hợp, đúng thời điểm, đúng nhu cầu.

Đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện có quy mô 4 làn xe. Ảnh: Tạ Hải

Đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện có quy mô 4 làn xe. Ảnh: Tạ Hải

Hơn 1.100km cao tốc cần sớm nâng cấp

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có điểm đầu tại cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), điểm cuối tại thành phố Cà Mau với tổng chiều dài khoảng 2.055km (chiếm 22% tổng chiều dài mạng lưới cao tốc của cả nước), quy mô từ 6-12 làn xe. Đến nay, toàn tuyến đã đưa vào khai thác 1.206km, đang thi công 834km.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát mạng lưới cao tốc. Toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 với tổng chiều dài 654km đã được hoàn thành, đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đoạn Cam Lộ - La Sơn chỉ có quy mô 2 làn xe; các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn - quốc lộ 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm - Vĩnh Hảo - Phan Thiết quy mô 4 làn xe hạn chế...

Với cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2026 gồm 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 721km, đều có quy mô 4 làn xe hạn chế. Trong các dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện đầu tư, thu phí với tổng chiều dài 256km, đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình đang khai thác 4 làn xe (VEC đang nghiên cứu mở rộng lên 6 làn xe); đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang khai thác 4 làn xe; đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đang khai thác 4 làn xe (hiện VEC đang đề xuất mở rộng lên 6-8 làn xe)...

Bộ Xây dựng đánh giá, do quá trình khai thác, một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư (4 làn xe hạn chế, bề rộng 17m không có dải dừng xe khẩn cấp liên tục) đã phát sinh một số bất cập. Bộ Công an cũng nhận định, khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông, lực lượng chức năng khó tiếp cận để xử lý ngay; nguy cơ tai nạn liên hoàn và ùn tắc giao thông kéo dài. Do đó cần xây dựng lộ trình cụ thể để nâng cấp, cải tạo các tuyến phân kỳ chưa đạt tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc để nâng cao năng lực khai thác.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu đầu tư hoàn thiện các tuyến đường đúng tiêu chuẩn đường cao tốc. Ngoài ra, với mục tiêu tăng trưởng cả nước đạt 8% trở lên vào năm 2025 và chủ trương 2 con số giai đoạn 2026-2030, nhu cầu vận tải sẽ tiếp tục tăng nhiều so với tính toán trước đây nên việc nghiên cứu mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông là rất cấp thiết.

“Về phạm vi, để thuận lợi cho công tác thi công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân, phù hợp với nhu cầu vận tải, trước mắt, Bộ Xây dựng kiến nghị xem xét đầu tư trong phạm vi cao tốc Bắc - Nam phía Đông thuộc đoạn Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, chiều dài khoảng 1.144km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 152.135 tỷ đồng. Các đoạn tuyến chưa được nghiên cứu mở rộng như đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, dài 149km hiện có nhu cầu vận tải chưa lớn; điều kiện thi công khó khăn. Bên cạnh đó, nhu cầu vật liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu hụt sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ, tăng chi phí đầu tư, nên việc đầu tư mở rộng sẽ được thực hiện thành dự án riêng”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thông tin.

Mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn

Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Ảnh: Trân Châu

Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Ảnh: Trân Châu

Đông đảo người dân và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông đánh giá, chủ trương cải tạo, mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông lên quy mô cao tốc hoàn chỉnh ở giai đoạn này là đúng thời điểm và đúng nhu cầu.

Ông Nguyễn Tuấn Anh (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, trục cao tốc Bắc - Nam được nối thông từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào cuối năm 2025, sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tăng khả năng kết nối giữa các địa phương và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc nhiều đoạn tuyến có quy mô nhỏ, thiếu dải dừng xe khẩn cấp đang là trở ngại lớn. Nếu sớm đầu tư, nâng cấp sẽ tạo thành trục cao tốc hoàn chỉnh, giúp nâng tốc độ khai thác từ 90km/giờ hiện nay lên 120km/giờ, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn…

Còn ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phương Thành (nhà thầu tại các dự án thành phần cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Dầu Giây - Phan Thiết, Vũng Áng - Bùng) nhận định: “Việc tổ chức hoàn thiện ngay 2 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 và 2021-2026, với quy mô phần lớn là 4 làn xe, lên quy mô quy hoạch như đề xuất của Bộ Xây dựng là đúng nhu cầu, đúng thời điểm, mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà thầu xây dựng và Nhà nước".

Cũng theo ông Phạm Văn Khôi, cần đầu tư ngay toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam lên quy mô 6 làn xe, thậm chí một số đoạn cửa ngõ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có thể xem xét đầu tư luôn lên 10-12 làn xe, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng rất nhanh trong 2-3 năm tới.

“Việc sớm đầu tư nâng cấp sẽ tạo ra thị trường xây dựng, công ăn việc làm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi xác định lại các mục tiêu đột phá, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tạo ra tuyến đường có chất lượng dịch vụ khai thác tiện nghi, an toàn. Cùng với đó tận dụng được điều kiện sẵn có về giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án giai đoạn 2021-2026 đang thi công, có thể tận dụng phương tiện, máy móc, nhân lực, lán trại sẵn có trên công trường, để giảm chi phí liên quan so với việc đầu tư sau này…” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mo-rong-cao-toc-bac-nam-dung-thoi-diem-dung-nhu-cau-699218.html
Zalo