Mở ra tương lai cho giao thông xanh
Với siêu đề án metro, TP Hồ Chí Minh kỳ vọng mở ra tương lai giao thông xanh, hiện đại, bền vững… củng cố khát vọng về một TP Hồ Chí Minh tự tin cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngày 19/2/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết có nội dung liên quan đến thực hiện “Siêu đề án metro 355km tại TP Hồ Chí Minh”. Theo đề án metro, TP Hồ Chí Minh đã rà soát cập nhật và đề xuất đầu tư 7 tuyến metro dài khoảng 355km, hoàn thành vào năm 2035, với vốn đầu tư khoảng 40,21 tỷ USD. Đến năm 2045 sẽ hoàn thành thêm 155km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510km.
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết: “Thời gian qua, Chính phủ hết sức quan tâm phát triển hạ tầng, ưu tiên để đầu tư dứt điểm hạ tầng giao thông xương sống và chiến lược của TP Hồ Chí Minh. Đây là thời cơ thuận lợi cũng là cơ hội để TP thực hiện”. Cũng theo ông Trần Quang Lâm, không chỉ đầu tư đường sắt đô thị, TP Hồ Chí Minh còn kết hợp chỉnh trang và tái cấu trúc khu đô thị hiện hữu xung quanh nhà ga và phát triển không gian ngầm. “Đường sắt tới đâu thì các đô thị xung quanh nhà ga sẽ được chỉnh trang khang trang, phát huy hiệu quả sử dụng đất và không gian ngầm trong thời gian tới. Từ kinh nghiệm của metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, chúng tôi tin tưởng và nỗ lực tập trung xây dựng và hoàn chỉnh đề án, cơ chế chính sách khả thi, hiệu quả, báo cáo TP những nội dung tiếp theo, phấn đấu triển khai hệ thống metro theo mục tiêu đề ra" - ông Trần Quang Lâm nói thêm.

Từ kinh nghiệm của metro số 1, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, TP Hồ Chí Minh tự tin đặt mục tiêu hoàn thành 10 tuyến metro vào năm 2045, kỳ vọng trở thành trụ cột giao thông xanh, hiện đại, bền vững. Ảnh: Tiểu Thúy
Với siêu đề án metro, ông Bùi Anh Huấn - Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) nhấn mạnh, TP đang hướng tới một hệ thống metro không chỉ là công trình hạ tầng, mà còn là xương sống của đô thị hiện đại, giảm thiểu ùn tắc, cải thiện môi trường và tạo đòn bẩy phát triển kinh tế.
Tham vọng có 10 tuyến metro vào năm 2045 là mục tiêu đầy thách thức, song KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định, TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể đạt được nếu chuẩn bị kỹ càng. Trước đây, hệ thống metro ở TP Hồ Chí Minh được thiết kế với tư duy giao thông vận tải, chưa dựa trên mô hình phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD - Transit Oriented Development) thì nay cần phải xem xét lại điểm này. “Với mục tiêu làm hàng trăm kilomet đường sắt đô thị chỉ trong khoảng một thập niên là thử thách rất lớn. Do đó, TP Hồ Chí Minh cần có tầm nhìn rộng hơn, không chỉ về kết nối giao thông, mà còn về việc khai thác hiệu quả các không gian ngầm, tích hợp nhà ga metro với các trung tâm thương mại, dịch vụ và tiện ích công cộng. Điều này không chỉ tạo động lực kinh tế mà còn định hình lối sống mới cho cư dân đô thị trong tương lai” - KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích, đồng thời nhấn mạnh, đô thị truyền thống thường gắn liền với nhà phố, xe máy và hết sức phụ thuộc vào hệ thống giao thông đường bộ nhỏ. Trong khi đó, đô thị hiện đại lại được định hình bởi các đại lộ, hệ thống metro, xe buýt và các tòa nhà cao tầng. Điều này đồng nghĩa, nếu siêu đề án metro thành công, TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể sánh ngang với các đô thị lớn hiện đại, bền vững như Paris, New York hay Tokyo.
Bàn luận về siêu đề án metro, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh đánh giá, đây chính là bước khởi đầu cho một quá trình phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành siêu đô thị đúng nghĩa. Hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị, trong tương lại chính là xương sống cho quá trình chuyển đổi những thói quen và hỗ trợ người dân trong hoạt động kinh tế, xã hội, đặc biệt hướng đến kinh tế xanh và phát triển bền vững. “Trên thực tế, đường sắt đô thị gây ô nhiễm không khí gần như bằng không, rất phù hợp với mục tiêu "net zero" vào năm 2045 mà TP Hồ Chí Minh đang hướng tới. Vì vậy, nếu thành công, siêu đề án metro sẽ góp phần định hình lại bộ mặt đô thị và đời sống người dân TP Hồ Chí Minh. Từ đó tạo động lực mở ra chương mới cho sự phát triển bền vững” - chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh nói.
Từ niềm tin này, các chuyên gia kỳ vọng, siêu đề án metro không chỉ là bước chuẩn bị cho hiện tại mà còn tạo nền tảng vững chắc cho những dự án tương lai, để TP Hồ Chí Minh tự tin cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới của dân tộc…