Bên chiếc cầu thang nhà dài
Ngày trước, khi đến buôn Đôn (Đắk Lắk), tôi được ngắm nhìn những ngôi nhà dài bằng gỗ lâu niên của người Ê Đê đẹp đến nao lòng. Ấn tượng đầu tiên là 2 chiếc cầu thang dẫn lên nhà sàn còn in đậm vết thời gian.
Người Jrai ở vùng Ayun Pa, Krông Pa cũng ở nhà dài như người Ê Đê, song những chiếc cầu thang thường không được trau chuốt cầu kỳ như người Ê Đê, M’Nông ở Đắk Lắk.
Phía trước nhà dài, người Jrai chủ yếu chỉ dùng 1 chiếc cầu thang tròn hoặc dẹt nhưng chiều ngang nhỏ hơn, người lên xuống có cảm giác chênh vênh. Nếu đi không quen thì phải cẩn trọng từng bước một. Những gia đình khá giả mới chú trọng trang trí trên đầu cầu thang chính có hai bầu vú và vầng trăng khuyết, thể hiện sự sung túc và vai trò của người phụ nữ-chủ gia đình.

Cầu thang mang đặc trưng của chế độ mẫu hệ của người Jrai. Ảnh: P.L
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, lối điêu khắc bầu vú trên cầu thang nhà sàn của một số dân tộc bản địa Tây Nguyên mang nét phồn thực, thể hiện chế độ mẫu hệ đang còn hiện hữu trong cộng đồng. Vầng trăng khuyết nằm trên đầu cầu thang cũng mang tính âm với ý nghĩa tôn vinh vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Với người Ê Đê, M’Nông, ngôi nhà dài càng vững chãi, cổ kính, sàn nhà phía trước rộng, thoáng đãng thì thường được thiết kế 2 chiếc cầu thang lên xuống; trong đó có một cầu thang chính (lớn hơn, kiểu cầu thang dẹt) đầu hơi cong như mũi thuyền, được điêu khắc, trang trí theo truyền thống và một cầu thang phụ (nhỏ hơn) thường khắc hình ngôi sao và con rùa.
Các bậc thang bước lên xuống được làm theo số lẻ-con số may mắn theo quan niệm của người dân tộc bản địa, vừa đủ lách nghiêng bàn chân. Với nhà dài có nhiều người ở thì thường được bố trí thêm 1 cầu thang phụ nữa ở cửa sau để tiện việc đi lại.
Trước đây, có người cho rằng, nhà ở của người Ê Đê có cấu trúc “cầu thang đực” và “cầu thang cái”. Nhưng trên thực tế, các già làng cho rằng: Trong truyền thống của họ không có cách phân loại như vậy. Ngày xưa, vì hiếu khách, nhà ở của người Ê Đê có 2 cầu thang với chủ ý 1 cái dùng cho người nhà, 1 cái để dành cho khách đi lại.

Một ngôi nhà dài ở xã Phú Cần (huyện Krông Pa). Ảnh: Phương Vi
Đối với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, chiếc cầu thang nhà sàn quan trọng không kém những cây cột, cây kèo chính trong ngôi nhà ở. Do vậy, họ phải chọn những cây gỗ tốt trong rừng như cà chít, gỗ sao… đủ độ bền, không bị mối mọt, vững chãi cùng tuổi thọ của ngôi nhà.
Trước khi đi tìm gỗ làm cầu thang, người Jrai, Ê Đê, M’Nông có nghi lễ cúng thần rừng, xin phép được đem cây gỗ về làm cầu thang. Lễ vật đơn giản nhất là con gà và ché rượu. Người khá giả thì cúng heo, rượu và mời nghệ nhân khéo tay về để đẽo, trau chuốt và điêu khắc cho cầu thang hợp với ngôi nhà dài của mình, ít nhất cũng mất công vài ba ngày. Đó là những chiếc cầu thang dẹt, to bản, được xem như một thành tố thẩm mỹ tôn lên vẻ đẹp trong bức tranh toàn cảnh kiến trúc của nhà ở.
Ngày nay, khi tôi trở lại các buôn của người Jrai ở Ayun Pa, Ia Pa, Krông Pa, nhiều gia đình làm nhà ở với lối kiến trúc lạ, mái nhọn, trang trí cầu kỳ như kiểu nhà Thái. Cầu thang cũng không được thiết kế theo truyền thống với khúc gỗ nguyên khối mà đóng cầu thang bậc cấp như nhà tầng của người Kinh.
Nhiều người nói với tôi rằng, họ cũng muốn duy trì kiến trúc ngôi nhà dài như cha ông khi xưa nhưng gỗ ngày càng khan hiếm, nhất là loại gỗ tốt. Muốn có chiếc cầu thang đẹp phù hợp với nhà dài truyền thống, phải đặt hàng cho thương lái cả mấy tháng trời mới có. Vì vậy, để thuận tiện đi lại, lên xuống dễ dàng, nhiều gia đình làm cầu thang bậc cấp có tay vịn theo xu thế hiện đại.
Việc bảo tồn nền tảng kiến trúc truyền thống của buôn làng, trong đó có nhà sàn dài và chiếc cầu thang đặc trưng dường như đang gặp trở ngại và bị mai một dần. Điều kiện để hoàn chỉnh một ngôi nhà ở truyền thống của các dân tộc thiểu số ngày càng khó khăn hơn nên đa phần xây dựng nhà trệt bằng các vật liệu hiện đại.