Mở ra cơ hội hợp tác trong phát triển công nghiệp Quốc phòng

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, hàng loạt khí tài quân sự của Việt Nam đã xuất hiện ấn tượng. Trong đó, nhiều loại khí tài quân sự mới do ngành công nghiệp Quốc phòng Việt Nam tự sản xuất được trưng bày.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và các đại biểu tham quan các gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2, năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và các đại biểu tham quan các gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2, năm 2024.

Theo thông tin từ ban tổ chức Triển lãm, đã có hơn 140 đầu mối, công ty đến từ 27 quốc gia đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm, hơn 60.000 người đã đăng ký tham quan. Triển lãm lần này trưng bày sản phẩm quốc phòng của 242 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trong đó nhiều đơn vị, tập đoàn quốc phòng nổi tiếng đến từ các nước có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, phát triển như Nga, Ấn Độ, Israel, Trung Quốc, Mỹ...

Khu trưng bày sản phẩm tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel.

Khu trưng bày sản phẩm tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel.

Đặc biệt, Việt Nam có sự góp mặt của 69 chủng loại khí tài, vũ khí của 77 đơn vị như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), các nhà máy Z111, Z113, Z131, Z175, các công ty thành viên thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, các Công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng... Nhiều loại khí tài quân sự mới do ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam tự phát triển, sản xuất, lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm. Trong đó, Tập đoàn Viettel trưng bày trên 80 sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp Quốc phòng công nghệ cao, gần 30 sản phẩm công nghệ thuộc lĩnh vực dân sự trên diện tích 2.600 m2 và là đơn vị có diện tích trưng bày lớn nhất tại triển lãm.

Các sản phẩm công nghiệp Quốc phòng Việt Nam "trình làng" tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024.

Các sản phẩm công nghiệp Quốc phòng Việt Nam "trình làng" tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024.

Đây là những sản phẩm công nghệ do chính Việt Nam làm chủ, nghiên cứu và sản xuất, góp phần thể hiện sức mạnh của công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Nhiều sản phẩm phục vụ tác chiến hiện đại lần đầu tiên được giới thiệu như máy bay không người lái (UAV) cự ly 1.000 km, tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV, radar điều khiển hỏa lực quét búp sóng điện tử chủ động…

Triển lãm cũng giới thiệu nhiều sản phẩm lưỡng dụng sử dụng công nghệ hiện đại, có tính dẫn dắt thị trường, cạnh tranh quốc tế. Trong đó có thể kể đến công nghệ beam-forming ứng dụng trong cả radar và thiết bị 5G; công nghệ thị giác máy tính ứng dụng trong UAV và nhà máy thông minh; thực tế ảo (AR/VR) ứng dụng trong mô hình huấn luyện và mô hình đào tạo lái xe, ứng dụng giải trí số.

Nhiều loại vũ khí do Việt Nam sản xuất lần đầu tiên có mặt tại Triển lãm.

Nhiều loại vũ khí do Việt Nam sản xuất lần đầu tiên có mặt tại Triển lãm.

Ngoài ra, loạt vũ khí lục quân với các tổ hợp pháo tự hành 152mm, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK,T-54; cặp tổ hợp tên lửa đạn đạo Scud-B; xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo; tổ hợp tên lửa phòng không Spyder hay vũ khí phòng không, radar cảnh giới do Viettel phát triển… là một loạt trang bị, khí tài quân sự thuộc biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đang được trưng bày tại khu vực ngoài trời Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024.

Khu trưng bày sản phẩm tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel.

Khu trưng bày sản phẩm tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel.

Thiếu tướng Lê Quang Tuyến, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho biết, Triển lãm nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, chia sẻ chính sách, đường lối đối ngoại quốc phòng cũng như chủ trương xây dựng quân đội và phát triển nền công nghiệp Quốc phòng.

Khuôn viên gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024.

Khuôn viên gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024.

“Triển lãm là dịp để tăng cường hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang bị kỹ thuật, hậu cần, đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang… Đây cũng là cơ hội để quảng bá, tuyên truyền năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất đến bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Việt Nam”, Thiếu tướng Lê Quang Tuyến chia sẻ.

Tuệ Phương - Quang Vinh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mo-ra-co-hoi-hop-tac-trong-phat-trien-cong-nghiep-quoc-phong-10296879.html
Zalo