Mở lại phiên xét xử cựu Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến

Hôm nay 15/1/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với cựu Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và 10 đồng phạm.

Truy tố 11 bị cáo

Sáng nay 15/1/2025, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí’ (quy định tại khoản 3, Điều 218 Bộ luật Hình sự) liên quan đến Dự án Hạc Thành Tower.

Vụ án này đã được đưa ra xét xử hôm 26/12/2024 nhưng bị hoãn do nhiều người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người thẩm định, người định giá, luật sư vắng mặt.

Bị cáo Trịnh Văn Chiến tại phiên tòa sáng nay 15/1/2025. Ảnh: Quốc Huy

Bị cáo Trịnh Văn Chiến tại phiên tòa sáng nay 15/1/2025. Ảnh: Quốc Huy

Tại phiên xét xử ngày 26/12/2024, luật sư cho rằng vụ việc diễn ra cách đây đã hơn 10 năm, do đó có sự thay đổi các quy định về pháp luật, đặc biệt là liên quan đến việc xác định giá, giám định, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập những người làm chứng có mặt. Ngoài ra, các giám định viên, người định giá cũng phải được triệu tập để làm rõ về quy trình, trình tự thủ tục liên quan đến việc định giá, giám định.

Đáng chú ý, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đình Xứng nêu ý kiến: “Trong kết luận điều tra và rất nhiều hồ sơ xét xử vụ án đều có Công ty TNHH MTV Sông Mã (Công ty Sông Mã). Các thiệt hại, phát sinh đều xảy ra từ Công ty Sông Mã. Tuy nhiên, Công ty sông Mã không được triệu tập đến tòa”.

Do đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đưa Công ty sông Mã vào phiên tòa tới đây để xem xét. “Có thể Công ty sông Mã sẽ được xác định là bị đơn dân sự hoặc ít nhất phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”, vị luật sư nêu quan điểm.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại phiên tòa sáng nay, các bị cáo đã có mặt đầy đủ, đúng giờ; đại diện Công ty Sông Mã cũng đã có mặt.

Mở đầu phiên xét xử, Chủ tọa phiên tòa đã kiểm tra các thành phần được triệu tập đến phiên tòa; kiểm tra nhân thân, giải thích quyền và nghĩa vụ liên quan cho bị cáo, người làm chứng,...

Các bị cáo bị đưa ra xét xử (chức vụ của các bị cáo được xác định khi phạm tội), gồm: Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Đình Xứng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Đinh Cẩm Vân, Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa; Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa; Đinh Xuân Hướng, Tổng Giám đốc, Thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Sông Mã; Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Sông Mã.

Văn Xuân Hùng, Trưởng phòng quản lý công sản – giá cả, Sở Tài Chính; Cù Đình Hiền, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Bùi Văn Nam, Phó trưởng phòng Tài chính kế hoạch – Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Ngô Đình Chén, Phó Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa; Trần Công Tỏ, Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp Sở Tài chính.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Quốc Huy

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Quốc Huy

Các bị cáo trong vụ án này bị truy tố về tội ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí’, quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 55 tỉ đồng

Theo cáo trạng, Công ty TNHH MTV Sông Mã, tiền thân là Công ty kinh doanh nhà Thanh Hóa, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa. Công ty này được giao quản lý 1.733,8m2 (khu tập thể cũ, số 3 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Thực hiện cổ phần hóa, ngày 23/2/2012, Sở Tài chính có tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tổng giá trị tài sản công ty đến ngày 30/9/2011 là hơn 474 tỉ đồng; nợ thực tế phải trả hơn 439 tỉ đồng; giá trị phần vốn nhà nước là hơn 34 tỉ đồng.

Đến ngày 5/4/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp; quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty Sông Mã thành công ty cổ phần, số lượng cổ phần phát hành lần đầu là 3,5 triệu cổ phần.

Dù đang trong quá trình cổ phần hóa, chưa có quyết định giao đất, cấp thẩm quyền chưa phê duyệt đầu tư dự án, nhưng ông Nguyễn Mạnh Sơn vẫn thống nhất để ông Đinh Xuân Hướng ký văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị giao làm chủ đầu tư xây dựng tòa nhà cao tầng dịch vụ tổng hợp, hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Dự án sau đó được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, giao Công ty Sông Mã làm chủ đầu tư dự án Hạc Thành Tower (diện tích thực tế là 2.961,8m2, trong đó, diện tích đất xây dựng là 1.960m2, đất giao thông 656,2m2).

Toàn cảnh phiên xét xử sáng nay, 15/1/2025. Ảnh: Quốc Huy

Toàn cảnh phiên xét xử sáng nay, 15/1/2025. Ảnh: Quốc Huy

Cáo trạng cũng nêu rõ, trước ngày chính thức giao đất, ông Nguyễn Mạnh Sơn thống nhất, ông Đinh Xuân Hướng ký văn bản đề xuất của các đơn vị liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho Công ty Sông Mã được huy động vốn bằng việc chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Huy Hoàng.

Tháng 8/2012, ông Trịnh Văn Chiến, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản đồng ý cho phép Công ty Sông Mã được chuyển nhượng 1.227,4m2 tại số 3 Phan Chu Trinh cho Công ty TNHH Huy Hoàng với giá 21 triệu đồng/m2, phần diện tích còn lại tiếp tục được chuyển cho 3 cá nhân khác.

Theo cáo trạng, quá trình chuyển nhượng đất trái pháp luật, ông Đinh Xuân Hướng hưởng lợi hơn 6,4 tỉ đồng và ông Nguyễn Mạnh Sơn hưởng lợi 3,5 tỉ đồng. Việc ông Trịnh Văn Chiến đồng ý cho Công ty Sông Mã chuyển nhượng đất, áp dụng giá giao đất tại thời điểm tháng 1/2013 theo đơn giá đất năm 2009 là trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ký quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước của Công ty Sông Mã là 21 triệu đồng/m2 trái pháp luật, ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần, xác định giá trị thực tế doanh nghiệp không bao gồm giá trị khu đất, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước.

Hành vi của các bị can là rất nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế về đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 55 tỉ đồng.

Sau khi bị khởi tố, các bị can nêu trên đã nộp số tiền hơn 55,8 tỉ đồng gây thiệt hại cho Nhà nước để khắc phục hậu quả. Trong đó, cựu Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và Nguyễn Đình Xứng mỗi người nộp 22,5 tỉ đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại phiên xét xử ngày 26/12/2024 vừa qua, 11 bị cáo đều có mặt đầy đủ. Tuy nhiên nhiều người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người thẩm định, người định giá, luật sư vắng mặt. Đại diện Viện kiểm sát nhân tỉnh Thanh Hóa và các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đình Xứng nêu quan điểm, trong kết luận điều tra và rất nhiều hồ sơ xét xử vụ án đều có Công ty Sông Mã. Các thiệt hại, phát sinh đều xảy ra từ Công ty Sông Mã, tuy nhiên Công ty sông Mã không được triệu tập đến tòa. Do đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, xác định Công ty sông Mã định là bị đơn dân sự hoặc ít nhất phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án và triệu tập vào phiên tòa tới đây.

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa hôm nay, lịch mở lại phiên xét xử sẽ vào sáng nay, ngày 15/1/2025, tại phòng xét xử hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Quốc Huy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mo-lai-phien-xet-xu-cuu-bi-thu-thanh-hoa-trinh-van-chien-369591.html
Zalo