Mô hình xử lý, phân loại rác thải - còn bất cập
Tại Phường 2 và một số phường khác trong TP Đà Lạt đã bước đầu hình thành được ý thức phân loại rác tại nguồn trong cộng đồng dân cư, các tổ dân phố và hộ gia đình, nhưng quá trình thu gom rác thải vẫn còn nhiều bất cập.

Đoàn ĐBQH tỉnh và các sở, ngành kiểm tra, giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại Phường 2, TP Đà Lạt
Một trong những vướng mắc lớn nhất là hệ thống thu gom của thành phố hiện chưa phân loại rác theo từng nhóm ngay từ khâu xử lý, dẫn đến tình trạng “phân loại tại nguồn nhưng gom chung một mối”, gây lãng phí công sức người dân, làm giảm hiệu quả tái chế và ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - bền vững.
• PHÂN LOẠI TẠI NGUỒN NHƯNG GOM CHUNG MỘT MỐI
Tại Phường 2 - một trong những địa bàn trung tâm của TP Đà Lạt, công tác thu gom rác thải rắn sinh hoạt được triển khai khá sớm, bước đầu tạo nên hiệu quả, tác động đến ý thức người dân. Tuy nhiên, thực tế công tác thu gom rác đã bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn đến mô hình bị giảm chất lượng. Ông Đoàn Bá Huân - Phó Chủ tịch UBND Phường 2 cho biết: Ngay khi triển khai Mô hình bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2022 với chủ đề “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt, hạn chế sản phẩm nhựa, túi ni lông”, Phường 2 đã thực hiện quyết liệt các biện pháp; tăng cường tuyên truyền, phát tờ rơi, sổ tay hướng dẫn đến các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình; phát thùng rác 3 ngăn cho 124 hộ gia đình. Qua kiểm tra cho thấy các hộ đều chấp hành tốt theo quy định, tạo ý thức chấp hành phân loại rác trong đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, khó khăn gặp phải lớn nhất hiện nay đó là người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn rất tốt, nhưng TP Đà Lạt hiện vẫn chưa có phương án thu gom rác và xử lý riêng từng loại rác, chủ yếu thực hiện thu gom xử lý chung với hệ thống thu gom của thành phố nên việc phân loại rác không đạt hiệu quả. Mặt khác, vì Phường 2 là phường trung tâm của thành phố nên việc bố trí phân bổ thùng rác để đựng rác phân loại cũng còn gặp khó khăn.
Một vấn đề khác là nhận thức của một bộ phận người dân về phân loại rác tại nguồn vẫn còn hạn chế. Mặc dù đã có nhiều chương trình tuyên truyền, nhưng việc thay đổi thói quen, hành vi trong sinh hoạt hàng ngày vẫn cần thời gian và sự kiên trì...
• NỖ LỰC CẢI THIỆN MÔ HÌNH THU GOM RÁC
Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND TP Đà Lạt và Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường), Phường 2 đã tích cực triển khai Dự án “Xây dựng mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn phù hợp với đặc điểm vùng, miền và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, hạn chế sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy”. Dự án này không chỉ hướng đến việc hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải một cách hiệu quả, mà còn chú trọng đến yếu tố “gốc rễ” là nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng.
Phường 2 đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo, tuyên truyền lưu động kết hợp phát tờ rơi, áp phích, video hướng dẫn về phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, Mô hình thí điểm Phân loại rác tại nguồn đã được triển khai tại một số tổ dân phố với kết quả ban đầu khá tích cực. Các hộ dân được cung cấp thùng rác phân loại, hướng dẫn cụ thể về việc tách rác hữu cơ, rác vô cơ và rác thải nguy hại. Những nhóm dân cư có ý thức tốt đã góp phần lan tỏa hành động xanh ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, phường cũng khuyến khích người dân hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy, chuyển sang dùng túi giấy, túi vải hoặc các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, tiểu thương ở chợ, siêu thị áp dụng mô hình “chợ xanh - không túi ni lông” để tạo hiệu ứng tích cực.
Mặc dù đã có nhiều bước tiến, nhưng quá trình triển khai Mô hình Thu gom và phân loại rác tại Phường 2 vẫn đang gặp phải nhiều rào cản. Trước hết là hạ tầng kỹ thuật phục vụ phân loại và vận chuyển rác còn thiếu và yếu. Số lượng xe thu gom chuyên dụng, thùng chứa rác phân loại còn hạn chế, khiến cho việc thu gom riêng biệt từng loại rác chưa thực sự hiệu quả. Mặt khác, việc duy trì thói quen phân loại rác của người dân vẫn chưa ổn định. Không ít trường hợp người dân phân loại tại nhà nhưng sau đó rác lại bị thu gom chung, khiến họ mất niềm tin và không tiếp tục thực hiện. Ngoài ra, công tác tuyên truyền tuy đã được triển khai nhưng còn chưa đủ sâu rộng, chưa chạm tới toàn bộ người dân...
• ĐỂ PHÁT HUY HƠN NỮA HIỆU QUẢ MÔ HÌNH
Để Mô hình Thu gom và phân loại rác tại Phường 2 và một số phường, xã, tổ dân phố thực sự phát huy hiệu quả, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ thu gom rác theo hướng chuyên biệt, khoa học và phù hợp với điều kiện địa phương. Cần tăng cường đầu tư vào các phương tiện vận chuyển, các trạm trung chuyển và bãi xử lý đạt chuẩn.
Đại biểu Quốc hội Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, đã đến lúc tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt cần tính đến việc chọn lựa, có cam kết với nhà đầu tư thực sự có năng lực, tâm huyết về xử lý rác thải rắn, rác thải y tế, nguồn nước… Cần chọn lựa định hướng đúng đắn về xây dựng nhà máy xử lý rác thải hiện đại, tầm cỡ, đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu thực tế xử lý rác thải lớn hiện nay của Đà Lạt. Mục tiêu để hướng đến đảm bảo môi trường an toàn, sạch một cách bền vững, nhất là đối với thành phố du lịch Đà Lạt được mệnh danh là thành phố sạch ASEAN, thành phố xanh - sạch - đẹp của cả nước, thì tất cả các yếu tố môi trường đòi hỏi rất cao và khắt khe.
Song song với đó, cần duy trì và mở rộng các chương trình truyền thông, giáo dục cộng đồng, đặc biệt là trong trường học, khu dân cư, nơi công cộng… để hình thành thói quen phân loại rác bền vững. Nên áp dụng các hình thức khuyến khích như khen thưởng, hỗ trợ dụng cụ phân loại cho những hộ gia đình thực hiện tốt.
Đồng thời, chính quyền địa phương cần có chế tài xử lý các hành vi vi phạm về xả rác bừa bãi, không phân loại rác hoặc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần quá mức. Có thể phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… để giám sát, vận động, tuyên truyền.
Cuối cùng, việc nhân rộng mô hình “phường xanh”, “tổ dân phố không rác thải” tại các khu vực khác của thành phố cũng là hướng đi bền vững, giúp Đà Lạt tiến tới trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.