Mô hình thu lợi nhuận gấp 3 lần khi trồng mít

Một huyện vùng sâu thuần nông chuyên canh trồng cây lúa đã bao đời, tuy cuộc sống của người dân có khấm khá nhưng vẫn chưa thể làm giàu trên mảnh đất có người vài hec-ta đến hàng chục hec-ta. Quyết tâm chuyển đổi giống cây trồng, nông dân tạo ước mơ thành hiện thực.

Cách trung tâm huyện Tân Thạnh gần 20km, xã Tân Thành là địa phương vùng sâu nông dân chủ yếu sống chuyên canh với nghề trồng lúa. Dù sản lượng tăng, giá bán cao nhưng mơ đến thu nhập lớn hơn để đầu tư lâu dài thì nhiều gia đình chỉ biết lắc đầu. Không thể dựa vào công việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhiều hộ dân bắt đầu mơ đến cây trồng có thể làm giàu chính trên mảnh đất của mình. Quyết tâm cùng làm, một số hộ ở ấp 1 (xã Tân Thành) nhanh chóng tiếp cận trồng loại mít Thái để thử nghiệm. Kết quả ban đầu vượt ngoài mong đợi.

Chiều 23/12, chúng tôi có mặt tại khu vườn mít đang chuẩn bị thu hoạch của anh Nguyễn Văn Thành (SN 1978, ngụ ấp 1, xã Tân Thành), chứng kiến thành quả năm thứ 4 gia đình đầu tư. Anh nói, chính cách làm này đã thay đổi đời sống nông dân vùng sâu. Còn anh Nguyễn Văn Trường (ngụ ấp 1) phấn khởi: "Các vụ đều đem lại bội thu. Gia đình canh tác 1,1ha đất làm lúa, từ ngày chuyển sang trồng mít thái, trừ chi phí còn lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với lúa. Chi phí, công chăm bón nhẹ nhàng rất nhiều so với lúa, thời điểm nào giá cũng ổn định".

Mít đến vụ thu hoạch có giá, nông dân phấn khởi

Mít đến vụ thu hoạch có giá, nông dân phấn khởi

Không chỉ riêng anh Trường, nhiều hộ nông dân ở xã đến nghiên cứu, sau đó mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, đồng thời giảm lượng phân thuốc trừ sâu trên cánh đồng. Có mặt ngay ngày đầu nông dân khởi nghiệp, Hội nông dân xã phối hợp Trung tâm dịch vụ huyện Tân Thạnh hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chăm sóc mít Thái, chọn giống cây an toàn. Cho đến thời điểm này, xã có hơn 403ha trồng mít Thái đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Tính trung bình giá bán hiện nay giao động từ 11.000 - 19.000đ/kg.

Việc chuyển trồng lúa sang loại cây trồng giá trị kinh tế cao, người dân đòi hỏi phải đầu tư lớn và áp dụng khoa học - kỹ thuật, cách chăm sóc. Đông thời cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống thủy lợi, cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Biết rõ điều này, UBND xã Tân Thành đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng đất tập trung. Chỉ riêng năm 2024, tiếp tục diện tích chuyển cơ cấu cây trồng trên đất lúa chuyển sang mô hình trồng mít Thái gần 80ha.

Ngoài ra việc luân canh cây trồng trên đất lúa giúp hạn chế sự phát triển của dịch bệnh, tiết kiệm nguồn nước tưới, ngoài lúa gạo, mít... huyện vùng sâu đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Từ sản phẩm sạch đã kết nối với các tổ chức doanh nghiệp liên kết, mã vùng trồng và tiêu thụ chế biến sản phẩm để ngành nông nghiệp xã có những bước chuyển bền vững và hiệu quả. Gia đình nào trồng 5ha mít Thái bình quân mỗi năm lợi nhuận không dưới 800 triệu đồng. Đây là điều bất ngờ cho nhà nông "một nắng, hai sương" vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Thạnh.

Hiện huyện Tân Thạnh còn có xã đang chuyên canh trồng cây sầu riêng cũng đem lại hiệu quả rất cao. Chính quyền dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cây ăn trái ở nơi đất trồng lúa kém năng suất dần dần chuyển đổi cho phù hợp với vùng đất tự nhiên.

AN THƯ

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/mo-hinh-thu-loi-nhuan-gap-3-lan-khi-trong-mit_171956.html
Zalo