Mô hình lớp học số: Vươn xa hàng nghìn cây số
Mô hình 'lớp học số' góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên môn Tiếng Anh tại các địa phương.
Không chỉ giảng dạy tại các trường xa trung tâm TPHCM, “lớp học số” còn hỗ trợ nhiều trường tiểu học ở các tỉnh Điện Biên, Lào Cai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mở rộng dạy học
Từ học kỳ II, năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Sán Chải (Si Ma Cai, Lào Cai) được Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp, TPHCM) hỗ trợ dạy học tiếng Anh trực tuyến. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng thầy cô hai trường đã chủ động khắc phục, vượt qua.
Giáo viên được giao lưu, học hỏi phương pháp giảng dạy, cách thức tiến hành hoạt động trong các tiết nghe nói cho học sinh từ những thầy cô TPHCM. Đặc biệt, họ cũng tự tin hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy trực tuyến.
Cô Lê Quý Vân Đài - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy, bản thân gặp không ít khó khăn, bao gồm sắp xếp thời gian giữa nơi mình công tác và lớp học số. Tuy nhiên, tôi nỗ lực khắc phục để các bài giảng mang lại chất lượng thực sự khi các em tham gia lớp học số này”.
Tương tự, gần 2 năm qua, giáo viên, Trường Tiểu học Trương Quyền (Quận 3, TPHCM) cũng hỗ trợ Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu) giảng dạy môn Tiếng Anh thông qua lớp học số. Bước đầu từ một lớp học với khoảng 30 học sinh học 1 tiết/tuần, đến nay Trường Tiểu học Trương Quyền đã hỗ trợ dạy hai lớp khối 3 và một lớp khối 4 đều đặn 1 tiết/tuần với hơn 595 lượt học sinh.
Trước đó, trong năm học 2022 - 2023, mô hình lớp học số lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Tiểu học Thạnh An (Cần Giờ, TPHCM) và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (Củ Chi, TPHCM) ở 2 môn Tin học, Tiếng Anh. Đến học kỳ II năm học 2023 - 2024, mô hình này được mở rộng đối tượng học sinh tham gia tới 2 huyện Mường Khương và Si Ma Cai (Lào Cai). Trong năm học này, lớp học số tiếp tục hỗ trợ thêm nhiều trường ở các tỉnh như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai, Điện Biên.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, mô hình lớp học số được Sở GD&ĐT TPHCM triển khai theo các hình thức gồm: Lớp học số với sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM được triển khai tại Trường Tiểu học Thạnh An; Tiểu học Trung Lập Thượng và các trường tại tỉnh Lào Cai với 8 giáo viên tham gia.
Hình thức lớp học số được thực hiện bởi 1 Trường Tiểu học của TPHCM hỗ trợ 1 trường tỉnh bạn, với tổng số 14 giáo viên tại 6 trường tiểu học của thành phố tham gia. “Dự kiến, thành phố mở rộng mô hình lớp học số cả về phạm vi thực hiện và môn học triển khai, góp phần đảm bảo dạy học môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc cho học sinh tiểu học theo Chương trình GDPT mới”, ông Quốc cho hay.
Hiệu quả thiết thực
Thầy Nguyễn Văn Tới - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, cho biết, đặc thù của trường là xa trung tâm, thiếu giáo viên và gặp khó khăn trong tuyển dụng, điều chuyển giáo viên từ nơi khác đến. Tuy nhiên, từ khi triển khai lớp học số đã giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên. Các thầy cô đứng lớp đã tăng cường đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Học sinh hứng thú với mô hình học tập mới, tích cực làm việc nhóm và giao tiếp với giáo viên bằng tiếng Anh.
“Học sinh toàn trường được học tiếng Anh, tin học theo chương trình mới và đạt kết quả tốt. Có 95% em đạt yêu cầu về kỹ năng sử dụng phần mềm học tập trực tuyến, 80% học sinh có thể thực hiện các thao tác cơ bản với máy tính”, thầy Tới thông tin.
Tương tự, Trường Tiểu học Thạnh An chỉ có một giáo viên tiếng Anh cơ hữu, vì vậy, lớp học số đã trở thành chìa khóa giải quyết bài toán thiếu giáo viên của trường. Đặc biệt, trường có một điểm trường ở xã đảo Thiềng Liềng - nơi trước đây giáo viên tiếng Anh phải đi đò vất vả mới có thể dạy học. Khi có lớp học số, học sinh các điểm trường của Trường Tiểu học Thạnh An được tiếp cận với mô hình học tập mới lạ.
“Những bài giảng sinh động, hấp dẫn, có tính tương tác cao của giáo viên thỉnh giảng đã giúp học sinh được tiếp cận, học tập tiếng Anh tích cực. Nhờ đó, chất lượng kiểm tra đánh giá cuối học kỳ II năm học 2023 - 2024 tăng lên so với năm học trước. 100% học sinh đạt từ 5 điểm trở lên. Đặc biệt, năm học vừa qua, trường tham gia hội thi phim tiếng Anh cấp tiểu học đoạt giải Nhì cấp huyện và giải Khuyến khích cấp thành phố”, thầy Hiệu trưởng Lê Hữu Bình cho hay.
Ở góc độ địa phương được hỗ trợ, ông Lê Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên thông tin, qua mô hình lớp học số, giáo viên tiếng Anh từ TPHCM đã hỗ trợ giáo viên hiện hữu, giúp học sinh tiểu học hoàn thành môn học theo Chương trình GDPT 2018. Đơn cử, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, cách TP Điện Biên Phủ 70km, giao thông đi lại khó khăn, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Khơ Mú.
Trường chỉ có một giáo viên dạy tiếng Anh, nhưng lại nghỉ chế độ thai sản từ 1/7/2024. Nhờ có lớp học số, ngay từ học kỳ I năm học 2024 - 2025, 11 lớp với 324 học sinh khối 3 - 5 được học tiếng Anh với sự giảng dạy của giáo viên Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TPHCM).
“Quá trình giảng dạy diễn ra đầy đủ các hoạt động như khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, củng cố và vận dụng. Thầy cô cũng chú trọng các kỹ năng nghe, nói, đọc cho học sinh. Thực tế, dù hai trường học cách xa nhau trên 2.000 km, học sinh là người dân tộc thiểu số chưa được làm quen tiếng Anh ở lớp 1, 2, nhưng thầy cô luôn nỗ lực truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất”, ông Vinh cho hay.
Ông Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ: “Tình trạng thiếu giáo viên một số môn đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật tại TPHCM diễn ra nhiều năm nay, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Mô hình lớp học số hỗ trợ các trường thực hiện đầy đủ môn học và hiệu quả theo chương trình mới. Từ đó, học sinh được thụ hưởng môi trường học tập cởi mở hơn, giáo viên có điều kiện rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp cận phương pháp giảng dạy mới”.