Mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ ở Phù Yên
Năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên phụ nữ ở huyện Phù Yên đã thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình hội viên.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phù Yên hiện có 29 tổ chức, cơ sở hội với 20.678 hội viên. Thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế”, Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên vay vốn khởi nghiệp, tham gia các mô hình kinh tế tập thể. Đến đầu tháng 10/2023, huyện có2 HTX, 2 tổ hợp tác và 6 tổ nhóm liên kết do phụ nữ làm chủ sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Triển khai thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội LHPN huyện lựa chọn Dự án chiết xuất cao đặc hỗ trợ điều trị cho những người mất ngủ từ cây Lạc Tiên (Passiflora foetida L) và cây Bình Vôi (Stephania Glabra) của Hợp tác xã Uyên Thuận, tiểu khu 5, thị trấn Phù Yên để tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Thông qua giải giúp HTX được học tập, tiếp thu các kiến thức, cách thức quản lý, vận hành các HTX hiệu quả để áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN huyện Phù Yên ra mắt 2 mô hình “Tổ liên kết chăn nuôi dê sinh sản” tại xã Tường Tiến, xã Mường Bang, do phụ nữ làm chủ với việc hỗ trợ 10 cặp dê giống cho 10 hội viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất.
Với sự hướng dẫn, giám sát của Hội LHPN huyện, các thành viên tổ hợp tác sẽ triển khai việc nuôi dê sinh sản theo hình thức nuôi rẽ. Căn cứ vào số lượng sinh sản của vật nuôi, các tổ liên kết sẽ tiến hành mở rộng quy mô, số lượng thành viên nhằm tạo điều kiện để phụ nữ cùng nhau vượt khó vươn lên. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn hội viên, phụ nữ kỹ thuật, quy trình chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho 80 hội viên, qua đó, trang bị kiến thức cho hội viên phát triển chăn nuôi.
Bà Hà Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Mô hình kinh tế tập thể hiện đang trở thành xu hướng, mang lại nhiều lợi ích về đầu ra sản phẩm, cũng như chia sẻ kỹ thuật sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Hội đã vận động hội viên tham gia các HTX, tổ hợp tác và tổ nhóm liên kết, trong đó, tích cực hỗ trợ mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ các kỹ năng về qủan lý, kế toán, chào hàng… Từng bước giúp các HTX, tổ hợp tác thực hiện quy trình quản lý, vận hành, hoạt động hiệu quả.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, tổ hợp tác và tổ nhóm liên kết do phụ nữ làm chủ trên địa bàn huyện Phù Yên chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản. Các nữ giám đốc, nữ tổ trưởng tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Nắm bắt nhu cầu, Hội phối hợp với các địa phương, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 10 đợt tập huấn, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác xây dựng, phát triển các sản phẩm theo định hướng sản phẩm OCOP. Đến nay, nhiều sản phẩm của HTX, tổ hợp tác do chị em làm chủ được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh, như: Chè Mường Do, viên khôi tía, gạo hữu cơ…
HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy do phụ nữ làm chủ vừa thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ, vừa phát triển nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, bó chổi chít và các sản phẩm từ mây tre đan, góp phần nâng cao thu nhập.
Chị Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, cho biết: HTX có 162 thành viên, hoạt động sản xuất kinh doanh luôn ổn định, thu nhập bình quân của thành viên 60 triệu đồng/năm. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận và học hỏi các phương pháp quản lý HTX, doanh nghiệp khác để đưa ra cách thức, quản lý và tổ chức sản xuất, giúp HTX có điều kiện phát triển bền vững.
Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện và khuyến khích các HTX, tổ hợp tác, mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ phát huy hiệu quả, Hội LHPN huyện Phù Yên đã tạo cơ hội cho hội viên, phụ nữ trong huyện khẳng định được vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.