Mô hình kết nối cán bộ y tế với người dân tại các khu dân cư
Trong những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cải tiến quy trình, hướng đến xây dựng mô hình Bệnh viện thông minh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người dân trên địa bàn.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có những bước tiến ngày càng mạnh mẽ. Việc áp dụng công nghệ và số hóa giúp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, tiết kiệm thời gian, nguồn lực và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người bệnh. Vì vậy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã luôn đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số, trên tinh thần “3 tăng cường”, “5 đẩy mạnh” để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
Là một trong những Bệnh viện tuyến tỉnh tiên phong trong chuyển đổi số, vì vậy Ban lãnh đạo Bệnh viện đã luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến quy trình để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận số lượng người bệnh lớn, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh, tối ưu hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Cùng với đó, Bệnh viện cũng đã triển khai nhiều ứng dụng hiện đại như: HIS, LIS, RIS, PACS, Pharma, phầm mềm bệnh án điện tử (EMR), ứng dụng quản lý hồ sơ sức khỏe, các phần mềm hỗ trợ điều hành... Đồng thời liên tục nâng cấp, cập nhật những nền tảng mới, những ứng dụng cao cấp hơn, với khả năng tích hợp và đồng bộ thông tin, hỗ trợ tối ưu cho cả người bệnh và cán bộ y tế.

Mô hình kết nối cán bộ y tế với người dân tại các khu dân cư, hỗ trợ y tế tại nhà cho người dân
Đặc biệt, để tiện cho việc hỗ trợ người dân khi có vấn đề về sức khỏe. Bệnh viện đã triển khai mô hình kết nối cán bộ y tế với người dân tại các khu dân cư. Theo mô hình trên, tại mỗi khu dân cư, nơi cán bộ y tế của Bệnh viện sinh sống đều thành lập các tổ chuyên môn gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của các cán bộ y tế trên được gửi đến các đồng chí bí thư, trưởng khu dân cư nơi các y, bác sĩ đang sinh sống. Bên cạnh đó, cũng tại Bệnh viện thành lập một tổ công nghệ thông tin làm đầu mối để thông qua số Tổng đài của Bệnh viện để xác định vị trí của người dân trong trường hợp không liên lạc được với bác sĩ, hoặc bác sĩ ở nơi đó đang bận để triển khai cán bộ khác đến ngay nơi đó hỗ trợ người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh việc mô hình đã mang đến nhiều lợi ích cho người dân, nhưng vẫn còn những khó khăn. Bác sĩ chuyên khoa 2 Triệu Quốc Thường - trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Hiện mô hình đã được triển khai đồng bộ đến các khu dân cư, nhưng việc triển khai tuyên truyền đến từng hộ dân thông qua các cuộc họp khu dân cư còn chậm, vì vậy nhiều người dân vẫn chưa hiểu và nắm được những lợi ích và hiệu quả từ mô hình này”.
Mô hình kết nối cán bộ y tế với người dân tại các khu dân cư đã được Bệnh viện triển khai lần đầu vào tháng 10/2023 và tổ chức thí điểm tại phường Thanh Miếu. Đến tháng 10/2024, bắt đầu triển khai rộng rãi mô hình đến các khu dân cư. Hiện có khoảng trên 1.500 cán bộ, y bác sĩ ở khắp các xã, phường trên địa bàn thành phố tham gia mô hình này. Đến tháng 2/2025, mô hình đã được triển khai đồng bộ đến 100% các khu dân cư thuộc các phường, xã trên địa bàn thành phố Việt Trì.
Thông qua hoạt động này nhằm mục tiêu kết nối cán bộ y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh đến gần hơn với người dân tại địa bàn các khu dân cư nơi cán bộ sinh sống, từ đó hỗ trợ trực tiếp cho người dân, đặc biệt là trong những trường hợp khẩn cấp. Như trường hợp, chiều tối ngày 14/11/2024, cháu bé 7 tuổi tại phường Nông Trang, thành phố Việt Trì, bị tai nạn do cửa cuốn kẹp vào cổ dẫn đến ngừng tuần hoàn đã được cán bộ y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh ở tại khu dân cư cấp cứu ngừng tuần hoàn kịp thời, trước khi được đưa vào điều trị hồi sức tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bác sĩ Linh chia sẻ: Khi tiếp nhận thông tin gọi điện từ gia đình cháu bé ở cùng tổ dân phố, chúng tôi đã ngay lập tức đến gia đình, qua khám và nhận định ban đầu xác định cháu bị ngừng tuần hoàn, bác sĩ đã thực hiện ép tim, thổi ngạt, sau 5 phút có tim đập trở lại, cùng lúc có xe cứu thương đến và đưa cháu vào hồi sức tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Thông qua số liệu báo cáo của từng địa bàn để nắm bắt được tình hình hoạt động của các tổ chuyên môn
Hoạt động hỗ trợ người bệnh tại khu dân cư, sẽ được tổng hợp báo cáo với Ban lãnh đạo Bệnh viện theo từng tuần với các nội dung như: Số người bệnh cần hỗ trợ gọi đến, số ca cấp cứu, số người bệnh đến Bệnh viện khám, số người bệnh được hỗ trợ quy trình khám bệnh, số người bệnh điều trị nội trú được hỏi thăm là bao nhiêu... Trong tuần 3 của tháng 2 đã có 468 lượt người bệnh tham gia mô hình với các nội dung trên.
Nhờ việc triển khai hoạt động kết nối cán bộ y tế với người dân tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố Việt Trì được kịp thời nên đã bước đầu tạo được niềm tin và sự đổi mới phong cách, thái độ phục vụ và hướng tới sự hài lòng của người bệnh với đội ngũ cán bộ y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng và ngành Y tế tỉnh nói chung.