Mô hình hay nhờ tiếp sức từ Quỹ hỗ trợ nông dân

Nhiều năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân đã 'tiếp sức' cho nhiều hộ hội viên có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và từng bước nâng cao thu nhập.

Qua tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội và báo chí, anh Lường Đức Hòa, thôn Lủng Coóc, xã Quân Hà (Bạch Thông) đã mạnh dạn nuôi thử nghiệm ba ba. Ban đầu chưa có kinh nghiệm về chăm sóc, làm chuồng nên bị thất thoát nhiều. Không nản chí, năm 2022 anh Hòa quyết định đầu tư xây dựng kiên cố lại bể nuôi, được chia làm nhiều ao nhỏ để thuận tiện trong việc phân loại ba ba theo giới tính và độ tuổi. Từ 150 con giống ba ba, đến nay gia đình anh đã có hơn 400 con ba ba và đã bắt đầu xuất bán con giống, ba ba thương phẩm. Ba ba nuôi một năm rưỡi đạt trọng lượng khoảng 1,5kg/con và bắt đầu sinh sản. Mỗi năm ba ba đẻ 02 lứa, mỗi lứa 1 con đẻ khoảng 8 – 14 quả trứng.

 Ba ba thương phẩm có trọng lượng khoảng 1,5kg.

Ba ba thương phẩm có trọng lượng khoảng 1,5kg.

Anh Hòa chia sẻ: Nuôi ba ba không quá khó bởi thức ăn đơn giản và dễ kiếm, chủ yếu là cá rô nhỏ và ốc. Ba ba chủ yếu ăn vào mùa hè, ăn vào buổi sáng mát và chiều tối; với số lượng ba ba đang có, bình quân mỗi ngày anh mua từ 3 – 5kg cá rô phi nhỏ để chăn. Lưu ý trong ao nuôi nên tạo một khu cát nổi để ba ba lên đẻ trứng. Ba ba đẻ vào ban đêm, sáng hôm sau thu nhặt trứng và đưa vào ấp cát.

Mô hình nuôi ba ba chưa có nhiều nên việc tiêu thụ không khó. Hiện, giá bán ba ba thương phẩm khoảng 350.000 đồng/kg, con ba ba trưởng thành nuôi 16 – 17 tháng đạt trọng lượng 1,5kg. Đối với con giống phụ thuộc vào bề ngang của lưng, trọng lượng mà giá giao động từ 30.000 – 40.000 đồng/con.

Qua thăm nắm thực tế mô hình và trên nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, năm 2022 Hội Nông dân xã Quân Hà đã đề xuất với Hội Nông dân huyện cho vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 150 triệu đồng, thời gian vay 36 tháng cho 03 hộ tham gia xây dựng mô hình nuôi ba ba. Mô hình được thực hiện trên diện tích 2.000m2, với tổng số hơn 100 cặp bố mẹ ba ba, tập trung nuôi thương phẩm và bán con giống. Số tiền vay vốn 50 triệu đồng/hộ đã giúp các hộ có thêm nguồn vốn để đầu tư kiên cố bể nuôi và chi phí mua thức ăn hằng ngày cho ba ba. Qua đó, các hộ thành lập Tổ nghề nghiệp nuôi ba ba để chia sẻ kinh nghiệm, chăm sóc trong quá trình nuôi.

Ông Hà Văn Mạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quân Hà cho biết: Nguồn vốn vay không nhiều, nhưng thực sự có ý nghĩa giúp hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế. Trong quá trình bình xét cho vay, Hội Nông dân xã tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu tham gia vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn.

Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã và đang giúp hội viên nông dân trong tỉnh đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nông dân; thu hút nông dân tham gia vào tổ chức Hội, làm nòng cốt cho phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt gần 27 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ nguồn Trung ương hơn 11,8 tỷ đồng cho 200 hộ vay thực hiện 23 dự án; nguồn tỉnh hơn 5 tỷ đồng cho 121 hộ vay thực hiện 15 dự án; nguồn huyện, xã thực hiện 45 dự án cho 209 hộ vay với dư nợ gần 8 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội đã hướng dẫn xây dựng và giải ngân 14 dự án với tổng số vốn hơn 4,2 tỷ đồng cho 90 hộ vay. Qua đó, hướng dẫn thành lập được 01 hợp tác xã, 03 tổ hợp tác và 02 tổ Hội nông dân nghề nghiệp.

Ông Cao Minh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với các cấp Hội cơ sở khảo sát nhu cầu các hộ vay vốn, định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay; vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; lựa chọn những mô hình có tính khả thi để triển khai thực hiện. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên để giúp hội viên sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích… Qua đó, tạo điểm tựa vững chắc cho các hội viên nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Định hướng trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình, dự án vay vốn; tập trung vốn cho các tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, các mô hình vừa sản xuất, kinh doanh kết hợp với du lịch, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và tiêu thụ nông sản../.

Hà Nhung

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/mo-hinh-hay-nho-tiep-suc-tu-quy-ho-tro-nong-dan-post64562.html
Zalo