Mô hình đối tác công – tư nhìn từ Sân bay Vân Đồn
Mấu chốt cho sự thành công của đầu tư PPP là phải có khung quy phạm pháp luật nhất quán, rõ ràng; quyết tâm chính trị cao và liên tục cải thiện năng lực tham gia của khu vực Nhà nước, chuyên gia ADB phân tích.
Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn là cảng hàng không quốc tế được đầu tư xây dựng từ năm 2015 và hoàn thành đưa vào khai thác từ ngày 30-12-2018. Đây là Cảng hàng không đầu tiên trong cả nước thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Sân bay Vân Đồn – mô hình đầu tư PPP thành công
Từng có thâm niên tư vấn cho các chiến lược phát triển của Quảng Ninh, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên khẳng định: “Nếu xem Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn như một “ngòi nổ”, là biểu tượng cho sự trỗi dậy của tỉnh thì tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái mở ra không gian phát triển rộng lớn cho Quảng Ninh, cho cả nước...”.
Từ khi khai trương đi vào khai thác ngày 30-12-2018 đến nay, Cảng HKQT Vân Đồn đã đón gần 1 triệu lượt hành khách với gần 7.000 lượt cất hạ cánh. Trong đó, giai đoạn 2020-2021 Cảng HKQT Vân Đồn được Chính Phủ lựa chọn là một trong các sân bay giải cứu đón các kiều bào, chuyên gia quốc tế về Việt Nam. Trong giai đoạn này, Cảng HKQT Vân Đồn tiếp đón, phục vụ an toàn 61.829 lượt khách với 300 chuyến bay từ hơn 20 quốc gia và các châu lục trên thế giới.
Ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Cảng HQKT Vân Đồn cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến cùng các hãng bay khai thác các gói chuyến bay charter từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tới Vân Đồn, tạo tiền đề khai thác các đường bay thường lệ quốc tế. Bên cạnh đó, mạng lưới các chuyến bay nội địa đến và đi từ Vân Đồn dự kiến sẽ nối lại tới Đà Nẵng và tiếp tục mở rộng tới Phú Quốc”.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm sân bay Vân Đồn - sân bay đầu tư PPP đầu tiên - được đưa vào khai thác, vẫn chưa có sân bay nào triển khai đầu tư thành công theo phương thức PPP. Tháng 3-2022, tỉnh Lào Cai đã động thổ dự án Sân bay Sa Pa nhưng đến nay vẫn chưa chọn được nhà đầu tư. Với dự án PPP sân bay Phan Thiết, năm 2023 nhà đầu tư cũng đã chấm dứt hợp đồng sau nhiều năm thi công dở dang.
Theo quan điểm của một số chuyên gia, sự kiện khởi công Cảng hàng không Quảng Trị (gọi tắt là sân bay) theo phương thức đầu tư PPP vào đầu tháng 7-2024 cho thấy vẫn có nhà đầu tư quan tâm, tham gia đầu tư vào sân bay.
Theo TS. Nguyễn Bách Tùng, chuyên gia thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không, việc đầu tư sân bay Quảng Trị có ý nghĩa rất lớn không chỉ với Quảng Trị mà cả khu vực bắc miền Trung. Quảng Trị có tiềm năng du lịch rất lớn với nhiều bãi biển đẹp và các khu di tích lịch sử nổi tiếng thu hút nhiều người dân trong nước và du khách quốc tế.
“Chủ trương đầu tư PPP vào hạ tầng giao thông luôn được Nhà nước xác định xuyên suốt để huy động nguồn vốn ngoài đầu tư công. Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư, phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện chỉ có sân bay Vân Đồn được đầu tư PPP hoàn thành đưa vào khai thác. Dự án sân bay Quảng Trị có nhà đầu tư tham gia là tín hiệu tốt để tiếp tục thực hiện những dự án PPP hàng không trong thời gian tới”, ông Tùng nhận định.
Để thực hiện quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2021-2030 ước khoảng 420.472 tỉ đồng, theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải. Mức vốn này chưa bao gồm các công trình do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tự cân đối đầu tư.
Cùng với việc cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không theo quy hoạch, tháng 4-2024, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các cảng hàng không mới.
Đầu tư PPP: Làm sao khơi thông nhiều “điểm nghẽn” để nhân rộng mô hình?
Để tối ưu hóa tác động của đầu tư PPP giúp huy động nguồn lực công tư vào hạ tầng cũng như các lĩnh vực khác, các chuyên gia cho rằng cần có nhiều “điểm nghẽn” cần phải được khơi thông.
Theo bà Lương Thị Thanh Ngân - chuyên gia Phát triển Khu vực Tư nhân, Cơ quan Đại diện Thường trú Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), mấu chốt cho sự thành công của đầu tư PPP là phải có khung quy phạm pháp luật nhất quán, rõ ràng; quyết tâm chính trị cao và liên tục cải thiện năng lực tham gia của khu vực Nhà nước.
Cũng theo chuyên gia ADB, mỗi dự án PPP có thể được chia thành 3 giai đoạn đầu, giữa và cuối. Muốn cải thiện tỷ lệ thành công của dự án PPP đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, sàng lọc kỹ ngay từ đầu.
Nói cách khác, phải lập kế hoạch và lựa chọn dự án phù hợp với hình thức đầu tư; tiếp cận chi phí theo trọn vòng đời dự án; phân bổ rủi ro phù hợp. Giai đoạn tiếp theo cần có quy trình đấu thầu cạnh tranh và minh bạch. Giai đoạn cuối phải thực thi hiệu lực hợp đồng đảm bảo tin cậy.
Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, đã có 31 dự án mới đang được triển khai thực hiện và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức đầu tư PPP.
Đó đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỉ đồng, dự kiến huy động 190.000 tỉ đồng từ khu vực tư nhân và có nhu cầu sử dụng khoảng 190.000 tỉ vốn nhà nước.
Để thúc đẩy mô hình PPP trong giai đoạn tới, bà Vũ Quỳnh Lê cho rằng, cần tạo hành lang pháp lý đồng bộ, nguồn lực Nhà nước phải mang tính dẫn dắt, bảo đảm nghĩa vụ của khu vực công trong hợp đồng PPP. Đồng thời, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thông qua giám sát, đánh giá, kiểm tra, tăng cường năng lực; tích cực truyền thông để đưa chính sách pháp luật về PPP vào cuộc sống.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu Bộ KH & ĐT, PPP không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hạ tầng. Hầu hết các lĩnh vực của đầu tư công đều có thể thực hiện PPP chứ không chỉ giới hạn trong năm lĩnh vực như trước đây. Quy mô của dự án có thể được thực hiện PPP đã được gỡ bỏ ngưỡng 200 tỉ đồng, nhờ vậy mà mô hình PPP có thể được áp dụng với cả các dự án có quy mô nhỏ.