Mô hình để giao dịch nhà đất online có thể giảm tình trạng trốn thuế

Theo các chuyện gia bất động sản, nếu các thủ tục đất đai như mua bán, công chứng, thuế, đăng ký giao dịch bất động sản có thể thực hiện trực tuyến như giao dịch chứng khoán... sẽ giảm tình trạng trốn thuế.

Chấn chỉnh thao túng giá, đầu cơ

Nhiệm vụ trên được Bộ Xây dựng đề ra trong kế hoạch thực hiện yêu cầu của Thủ tướng về chấn chỉnh thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thúc đẩy nhà xã hội.

Trong quý II, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu mô hình giao dịch chứng khoán nhằm chuyển đổi số liên thông các thủ tục đất đai. Người dân có thể giao dịch bất động sản, công chứng, thuế, đăng ký giao dịch trên môi trường điện tử.

Đề án thí điểm mô hình trung tâm giao dịch địa ốc và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý cũng được Bộ Xây dựng nghiên cứu trong quý II để tăng tính công khai, minh bạch cho thị trường. Trung tâm thông tin của bộ này sẽ hoàn thiện hệ thống phần mềm, kết nối liên thông dữ liệu và đảm bảo an toàn hệ thống thông tin.

Bộ Công an cũng được yêu cầu cùng hoàn thiện, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công chứng, đất đai, đầu tư, xây dựng... Hệ thống này sẽ cập nhật thường xuyên về các giao dịch bất động sản, tình trạng pháp lý các dự án, bất động sản đủ điều kiện kinh doanh hay tồn kho.

Theo Luật Đất đai 2024, mô hình hệ thống thông tin quốc gia về đất đai cần đảm bảo tập trung, kết nối liên thông cả nước và sử dụng đa mục tiêu. Luật quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa phương trong đảm bảo vận hành hệ thống này trong năm 2025. Cũng tại kế hoạch, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nhà xã hội cũng như các khu vực, dự án có hiện tượng tăng giá bất thường.

Người dân xếp hàng làm thủ tục đất đai ở Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: Minh Hằng.

Người dân xếp hàng làm thủ tục đất đai ở Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: Minh Hằng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng: Việc Bộ Xây dựng thúc đẩy triển khai phương án này trong quý 2/2025 do thị trường bất động sản hiện nay tồn tại nhiều bất cập như tình trạng đầu cơ, thổi giá, giao dịch không minh bạch và pháp lý chưa rõ ràng, gây ra nhiều rủi ro cho người mua và ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế.

Việc mua bán bất động sản chủ yếu diễn ra qua các kênh truyền thống như hiện nay, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng sốt ảo, thao túng giá và thậm chí là lừa đảo.

Bên cạnh đó, nhiều giao dịch không được kê khai đầy đủ khiến Nhà nước thất thu thuế, đồng thời gây khó khăn trong việc quản lý và điều tiết thị trường.

Đồng thời, ông Đính cũng thừa nhận một phần nguyên nhân từ việc có nhiều môi giới thiếu đạo đức, làm ăn chộp giật, tiếp tay cho đầu cơ, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Một vấn đề được đặt ra, nếu sàn giao dịch bất động sản được triển khai, vai trò của các môi giới sẽ thay đổi như thế nào, liệu môi giới bất động sản sẽ "lụi tàn" khỏi thị trường.

Ông Đính chia sẻ: Giống như trên thị trường chứng khoán, môi giới sẽ không mất đi mà sẽ phải thay đổi phương thức hoạt động. Thay vì đóng vai trò là người trung gian trong các giao dịch thì môi giới sẽ chuyển sang làm nhiệm vụ tư vấn, cung cấp thông tin và hỗ trợ khách hàng theo cách phù hợp của thị trường.

Sẽ minh bạch trong mọi giao dịch

Ông Phạm Đức Toản, CEO Bất động sản EZ, việc áp dụng mô hình này sẽ giúp tạo ra sự minh bạch rõ ràng trong mọi giao dịch. Ông Toản lấy dẫn chứng tại Singapore, để không thất thu thuế và quản lý minh bạch, Singapore có hệ thống sàn giao dịch bất động sản công khai trên cổng thông tin nhà đất của Chính phủ để người mua và người bán có thể tham khảo đưa ra mức giao dịch hợp lý.

Qua đó, Nhà nước thu đúng, thu đủ các khoản thuế, phí liên quan, không xảy ra thất thoát. Cũng nhờ tính minh bạch mà các giao dịch bất động sản có biểu hiện bất thường về giá cả sẽ bị thanh tra, khó có tình trạng "đi ngầm".

Cùng quan điểm, TS. Trần Xuân Lượng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho biết, rất ủng hộ và đồng tình với việc Bộ Xây dựng đang triển khai và đề xuất kế hoạch liên thông dữ liệu bất động sản, cho phép thực hiện giao dịch qua hệ thống điện tử tích hợp với cơ quan công chứng, thuế, đăng ký đất đai…

Theo TS. Trần Xuân Lượng trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đang trong “Kỷ nguyên vươn mình” đổi mới thể chế, cơ chế, số hóa, công nghệ hóa... do đó, hoàn toàn có cở sở để thực hiện thành công chủ trương này. Khi được áp dụng, mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích. Qua đó, sẽ “siết” lại tình trạng trốn thuế bởi mọi giao dịch sẽ được ghi nhận tự động, giúp cơ quan thuế kiểm soát tốt hơn, tránh tình trạng kê khai giá thấp.

Tạo nền tảng cho giao dịch bất động sản trực tuyến, người dân có thể thực hiện toàn bộ quy trình giao dịch (ký hợp đồng, công chứng, nộp thuế, đăng ký quyền sở hữu) ngay trên nền tảng số mà không cần đến trực tiếp các cơ quan liên quan.

Tuy nhiên, TS. Trần Xuân Lượng cho rằng, để thực hiện mô hình này, cơ quan quản lý cần đồng bộ thực hiện loạt giải pháp. Đầu tiên, cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, sớm ban hành khung pháp lý cho giao dịch điện tử, chứng khoán hóa bất động sản và tích hợp blockchain.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ số, xây dựng hệ thống giao dịch bất động sản trực tuyến dựa trên blockchain và trí tuệ nhân tạo AI. Đặc biệt là ứng dụng các phần mềm, và tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ cho việc định giá hàng loạt.

Minh Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mo-hinh-de-giao-dich-nha-dat-online-co-the-giam-tinh-trang-tron-thue-10300213.html
Zalo