Mô hình 'Dân vận khéo' gắn với nhiệm vụ được giao
Năm 2022, Chi bộ Bảo tàng tỉnh đăng ký mô hình 'Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho học sinh các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Sơn La tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La'. Mô hình được công nhận là điển hình 'Dân vận khéo' cấp tỉnh năm 2022, 2023 và tiếp tục được đề xuất công nhận điển hình 'Dân vận khéo' cấp tỉnh năm 2024.
Nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, trưng bày hơn 23.000 tư liệu, hiện vật thuộc nhiều loại hình: Hiện vật khảo cổ học từ thời tiền, sơ sử; các hiện vật của thời kỳ phong kiến, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; hiện vật dân tộc học với các tư liệu, sách cổ của dân tộc Thái, Dao; phim, ảnh về lịch sử; hồ sơ tù chính trị bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La... Đây là hệ thống tư liệu vô cùng quý giá phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa các dân tộc.
Bà Ngô Thị Hải Yến, Bí thư chi bộ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, thông tin: Bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, Chi bộ đã bàn bạc, thống nhất đăng ký thực hiện mô hình với mục tiêu tuyên truyền về di sản văn hóa, lịch sử của đất nước, địa phương; nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc, các nhân vật lịch sử quan trọng của đất nước. Qua đó, góp phần tuyên truyền quảng bá, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh, quốc gia.
Triển khai mô hình, Bảo tàng tỉnh đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các chuyên đề đã có, xây dựng thêm những chuyên đề mới; lựa chọn chủ đề giáo dục trải nghiệm. Biên soạn các bài tuyên truyền cho các chuyên đề và phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Phối hợp với địa phương, cơ sở, các đơn vị liên quan, trường học để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, thực hiện các hoạt động giáo dục trải nghiệm tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh tổ chức được 80 cuộc tuyên truyền giáo dục tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La với sự tham gia của hơn 200.000 lượt học sinh các cấp học, lực lượng vũ trang và du khách trong và ngoài tỉnh. Tổ chức được 5 cuộc giáo dục trải nghiệm với nhiều chủ đề, như: Giáo dục trải nghiệm về thiếu nhi với di sản; trải nghiệm về văn hóa với chủ đề “Tết Việt”; trải nghiệm văn hóa nghệ thuật Xòe Thái; giáo dục trải nghiệm “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị danh tướng huyền thoại”. Tổ chức trưng bày triển lãm: “Sưu tập chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1969”, “Những tấm gương bình dị mà cao quý” nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Hồi ức Điện Biên” nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ...
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức lễ kết nạp đội viên, đoàn viên, đảng viên và lễ tuyên thệ cho các chiến sĩ mới nhập ngũ tại di tích lịch sử. Các nội dung giáo dục trải nghiệm tạo hiệu ứng rộng rãi, mỗi sự kiện thu hút 2.000 - 3.000 du khách trực tiếp tham dự, 5.000 - 8.000 lượt theo dõi trên Fanpage và Website của Bảo tàng tỉnh, tạo sân chơi văn hóa lành mạnh cho công chúng, học sinh có nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử Sơn La.
Nổi bật là hoạt động giáo dục trải nghiệm “Em yêu lịch sử” đã trở thành một sân chơi bổ ích, lôi cuốn học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh. Hoạt động mang tính tương tác, được tổ chức theo từng chuyên đề đã tạo hứng thú học tập, tìm hiểu lịch sử địa phương cho các em, góp phần củng cố và bổ trợ kiến thức cho các giờ học chính khóa, giúp các em yêu mến, say mê tìm hiểu đối với môn Lịch sử ở trường học nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
Em Đào Duy Hưng, học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố, chia sẻ: Qua các bài học trên lớp cùng với việc tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La đã giúp chúng em hiểu hơn về cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ đó, nhắc nhở bản thân mình phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha ông.
Việc lựa chọn mô hình “Dân vận khéo” phù hợp, sát nhiệm vụ được giao của Chi bộ Bảo tàng tỉnh đã góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh, quốc gia, trực tiếp là giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Đồng thời, nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử địa phương cho các em học sinh; giúp các em nhân lên tình yêu, tự hào về lịch sử, văn hóa vùng đất mình đang sinh sống, từ đó, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc.