50 năm chiến thắng Phước Long: Bàn đạp cho cuộc tiến công giải phóng miền Nam
Chiến thắng Phước Long ngày 6/1/1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là lần đầu tiên, quân và dân ta giành thắng lợi hoàn toàn trong việc giải phóng một tỉnh ở miền Nam (tỉnh Phước Long, nay thuộc tỉnh Bình Phước).
Chiến thắng này uy hiếp trực diện tuyến phòng thủ bắc Sài Gòn của địch, qua đó giúp Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thời khắc hào hùng của trận chiến vẫn luôn in đậm trong ký ức những chứng nhân lịch sử.
“Phép thử” để tiến đến giải phóng miền Nam
50 năm đã trôi qua, ký ức về chiến thắng Phước Long vẫn in đậm trong tâm trí những người đã từng tham gia kháng chiến. Hình ảnh lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng Phước Long là khoảnh khắc lịch sử, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng này không chỉ tạo nên một bàn đạp chiến lược vững chắc, uy hiếp trực tiếp tuyến phòng thủ phía Bắc Sài Gòn của địch mà còn góp phần rút ngắn thời gian giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Thiếu tướng Phạm Văn Thiệu, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 7, Trung đoàn 141 (đơn vị đầu tiên cắm cờ trên nóc dinh Tỉnh trưởng Phước Long) cho biết: khu vực Phước Long vốn được xem là tuyến phòng thủ trọng yếu bảo vệ Sài Gòn từ xa. Địch bố trí dày đặc lực lượng tại các chi khu Quân sự Đồng Xoài, Bố Đức, Đức Phong, quận lỵ Phước Bình, thị xã Phước Long và căn cứ Bà Rá. Việc giữ vững Phước Long giúp địch tạo ra một “lá chắn” vững chắc, ngăn chặn hành lang vận tải của ta qua Lào và Campuchia vào Đông Nam Bộ; đồng thời cô lập Lộc Ninh với Nam Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông khác. Để xuyên thủng “lá chắn” này phải có một kế hoạch tác chiến thật sự táo bạo và chuẩn xác.
Sau khi Quân đoàn 4, Sư đoàn 3 cùng với sự phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương xây dựng được lực lượng mạnh, nắm bắt các yếu điểm của địch, Đảng ta quyết định mở Chiến dịch Đường 14 - Phước Long vào cuối năm 1974. Mục tiêu của chiến dịch là giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, tạo nên một bàn đạp vững chắc để tiến công vào sào huyệt của địch.
Những ngày cuối tháng 12/1974, các lực lượng vũ trang của Bình Phước liên tục mở những mũi tiến công quyết liệt. Với khí thế quyết thắng, các chiến sĩ đã đánh bại mọi lực lượng chống phá của địch, tiến thẳng vào thị xã Phước Long.
Trận đánh Phước Long bắt đầu từ đêm 13/12/1974. Đến 10h30 phút sáng ngày 6/1/1975, chiến sĩ của Đại đội 7, Trung đoàn 141 nhanh chóng cắm cờ trên dinh Tỉnh trưởng, mở đầu cho một thắng lợi lịch sử. Đến 11h30 ngày 6/1/1975, toàn bộ tỉnh Phước Long được giải phóng.
Thiếu tướng Phạm Văn Thiệu bồi hồi nhớ lại: sau nhiều ngày chiến đấu ác liệt trong lòng địch, khi được vinh dự cắm lá cờ cách mạng lên nóc dinh Tỉnh trưởng, báo hiệu chiến thắng vẻ vang, mọi người vô cùng xúc động và tự hào. "Một Đại đội 34 người quần nhau trong khu vực đó, trong đó 2/3 đã hy sinh, bị thương trên xe. Lúc đó cảm thấy sung sướng, một là được sống, hai là chiến thắng. Những người lính lúc đó nhìn nhau vui mừng lắm và nghĩ đến tương lai xa hơn là những trận đánh tiếp theo"
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - nguyên Tiểu đội trưởng, Trung đoàn 141, người trực tiếp tham gia chiến dịch Phước Long, nhấn mạnh rằng, chiến thắng Phước Long không chỉ là một chiến thắng quân sự đơn thuần mà còn mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Ông gọi đây là “đòn trinh sát chiến lược” của quân và dân ta.
Với nghệ thuật đánh “bóc vỏ”, đánh những chi khu xung quanh trước khi tiến vào trung tâm, quân ta đã thành công trong việc tiêu diệt lực lượng phòng thủ của địch một cách có hệ thống. Việc lựa chọn mục tiêu, xây dựng kế hoạch và triển khai lực lượng đều được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo nguyên tắc “đánh chắc, thắng chắc”.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cho rằng, kinh nghiệm từ chiến dịch Điện Biên Phủ đã được vận dụng một cách sáng tạo và hiệu quả trong chiến dịch Phước Long, cho thấy sự trưởng thành của quân đội ta trong việc thích nghi với tình hình chiến tranh mới.
Thiếu tướng Doanh chia sẻ: "Qua trận đánh này, chúng ta mới đánh giá được rõ hơn về việc Mỹ sẽ không can thiệp vào Việt Nam và ngụy không còn khả năng chống đỡ. Đây là cơ sở để Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng có quyết tâm chiến lược, chính xác, báo với Bộ Chính trị và Trung ương đưa ra quyết định giải phóng miền Nam sớm hơn”.
Xây dựng lực lượng trong lòng địch
Theo các nhân chứng lịch sử và nhà nghiên cứu, trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long, công tác binh vận đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung. Bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang, việc xây dựng lực lượng bên trong lòng địch đã tạo ra những chuyển biến tích cực trên chiến trường.
Trước khi mở màn chiến dịch, Bộ Tư lệnh Miền và Tỉnh ủy Bình Phước đã chỉ đạo các địa phương tập trung vào hai nhiệm vụ chính: Mở rộng vùng giải phóng và củng cố căn cứ địa cách mạng. Nhờ đó, đến cuối năm 1974, mạng lưới cơ sở cách mạng ở Phước Long đã được xây dựng vững chắc, tạo thành một lực lượng nội tuyến mạnh mẽ.
Đội biệt động Bà Rá, với vai trò nòng cốt đã hoạt động sâu trong lòng địch, thu thập tin tình báo, tuyên truyền vận động quần chúng và tổ chức các hoạt động vũ trang. Các chiến sĩ biệt động không quản hiểm nguy, hoạt động bí mật trong điều kiện vô cùng khó khăn, góp phần làm suy yếu ý chí chiến đấu của kẻ địch.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang và quần chúng, các trận đánh tại Phước Long diễn ra vô cùng ác liệt và rất hiệu quả. Đội biệt động Bà Rá đã cùng với các đơn vị chủ lực tham gia vào nhiều trận đánh quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi chung.
Nhớ về những người đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh, bà Huỳnh Thị Minh Tuyết, nữ đội trưởng của Đội biệt động Bà Rá không nén được xúc động. Bà Tâm sự: "Trong kháng chiến, chúng tôi đã mất đi nhiều đồng đội thân yêu. Việc tìm kiếm và đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương là một nghĩa vụ thiêng liêng, để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc".
"Bây giờ miễn có người chỉ, phát hiện có mộ liệt sĩ là chúng tôi đi tìm. Nếu không đi được cũng sẽ báo cho các đơn vị. Tìm được đồng đội thì vừa đau buồn, vừa mừng. Mừng là tìm được anh em, báo cho gia đình và đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Nhưng buồn là có anh em hy sinh không còn lấy được xương cốt, chỉ còn ít đất đen”, bà Tuyết nói thêm.
Trong những ngày tháng đấu tranh ác liệt, sự đóng góp của hậu phương là yếu tố quan trọng đảm bảo cho chiến dịch Phước Long thành công. Các đoàn hậu cần, người dân Phước Long đã không ngừng nỗ lực, cung cấp đầy đủ lương thực, vũ khí, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác cho chiến trường. Riêng trận Phước Long, các đoàn hậu cần đã bổ sung cho các đơn vị 1.171 tấn vật chất, gồm 538 tấn quân nhu, 459 tấn quân giới, 172 tấn xăng dầu và 2 tấn thuốc quân y. Đồng thời đảm nhiệm việc cứu chữa 1.224 thương binh và thu gom hơn 3.000 tấn chiến lợi phẩm.
Theo các nhà nghiên cứu, công tác binh vận, bao gồm cả hoạt động hậu cần và tuyên truyền vận động, đã đóng vai trò then chốt trong chiến dịch Phước Long. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa quân đội và quần chúng, giữa tiền tuyến và hậu phương đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử. Chiến dịch Phước Long không chỉ là một trận đánh quân sự mà còn là một cuộc vận động chính trị sâu rộng, khẳng định tầm quan trọng của việc kết hợp giữa yếu tố quân sự và công tác vận động quần chúng trong chiến tranh cách mạng.